Các công ty công nghệ đầu tư mạnh thị trường ví điện tử sau Covid-19

Theo VOV 11/05/2020 14:39

Covid-19 đang khiến cho các công ty công nghệ tăng cường đầu tư vào mảng ví điện tử, thanh toán qua điện thoại thông minh (smartphone).

Quá trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực cuộc sống, kể cả trong tài chính, thanh toán. Giờ đây khi đi ra ngoài, chỉ cần một chiếc smartphone, mọi nhu cầu của con người có thể được đáp ứng thay cho chiếc ví tiền chứa các loại thẻ. Điều này càng trở nên hữu dụng sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Sử dụng công nghệ để quản lý ví tiền

Các công ty công nghệ như Apple, Google, Amazon, Facebook đã tham gia vào thị trường thanh toán điện tử thông qua smartphone, với các sản phẩm như Apple Wallet, Samsung Pay, Google Pay… tuy nhiên đại dịch Covid-19 khiến các “đại gia” công nghệ này tiếp tục “đổ tiền” đầu tư vào vào mảng này.

Năm 2014, Apple khởi đầu cho ra mắt dịch vụ thanh toán di động Apple Card và ví điện tử Apple Pay, liên kết với Visa PayWave, PayPass của MasterCard và American Express ExpressPay. Đây là một trong những dịch vụ thu hút lượng lớn iFan (người yêu thích iPhone) gắn bó với hệ sinh thái của Apple.

Theo The Wall Street Journal, Google đang hợp tác với Citigroup và một hiệp hội tín dụng địa phương xây dựng một thẻ ghi nợ để cạnh tranh với Apple Card, Apple Pay trong khi Amazon đang nói chuyện với các ngân hàng bao gồm JPMorgan Chase để xây dựng dạng thẻ điện tử riêng của mình.

Trước đó, Facebook “tham vọng” muốn thay thế hoàn toàn các ngân hàng bằng dự án tiền kỹ thuật số Libra, tiền kỹ thuật số được thiết kế bằng công nghệ tiền điện tử tương tự như bitcoin. Libra được Apple kỳ vọng sẽ cung cấp khả năng thanh toán dễ dàng hơn cho mọi người, nhất là những người không có tài khoản ngân hàng và ở các nước nghèo.

Sự phát triển của các ứng dụng này là dấu hiệu cho thấy mọi người đang tìm đến công nghệ để quản lý tiền của mình.

Cuộc khảo sát của nhóm nghiên cứu tại McKinsey (một trong những công ty tư vấn hàng đầu thế giới) cho thấy, 35% số người được hỏi cho biết họ sử dụng Facebook để giải quyết nhu cầu tài chính của họ, hơn 50% lựa chọn Apple và Google, 65% tin tưởng vào Amazon (mỗi người có thể lựa chọn hơn một nền tảng để thanh toán).

Các công ty công nghệ có thu hút được người dùng hay không ở khả năng bảo mật thông tin, cũng như tính tiện dụng của dịch vụ.

Apple được xem như một ví dụ ấn tượng về khả năng bảo vệ quyền riêng tư với cả hệ sinh thái bao gồm iPhone, iPad, Mac, iOS, Apple Pay và Apple Card. Trong mọi thông điệp và điều khoản dịch vụ của công ty, Apple đều nhấn mạnh không chia sẻ dữ liệu của khách hàng với bên thứ ba hoặc sử dụng nó cho bất kỳ điều gì khác ngoài việc phát hiện gian lận và quản lý tài khoản.

Theo sự dẫn dắt của Apple, nhiều công ty công nghệ tiếp bước tích hợp các công nghệ mà họ tuyên bố sẽ làm cho sản phẩm tài chính của họ an toàn và dễ sử dụng.

Công ty công nghệ hiểu bạn hơn chính mình

Bên cạnh những tiện ích mang lại từ dịch vụ thanh toán điện tử qua smartphone, giới phân tích cũng cho rằng, các công ty công nghệ đang nắm quá nhiều dữ liệu về một người và họ có thể hiểu bạn hơn chính bản thân bạn, từ đó khiến người dùng ngày càng phải phụ thuộc, gắn bó với công ty.

“Mọi người để lại hàng núi dữ liệu sau khi đi du lịch ở đâu đó, trả tiền cho một sản phẩm bất kỳ… Thói quen mua sắm của mọi người thậm chí có thể tiết lộ thông tin về tính cách của họ, chẳng hạn như liệu họ có thiếu kiểm soát bản thân hay có vấn đề về sức khỏe… Rất nhiều công ty đang kiếm tiền từ những dữ liệu đó", Dayna Ford, chuyên gia nhà phân tích tại Gartner nói.

Nếu như trước đây, các công ty thẻ tín dụng sẽ bán dữ liệu chi tiêu cho các công ty phân tích và nhà bán lẻ để tìm hiểu hành vi của người tiêu dùng, thì bây giờ, các công ty công nghệ có thể tự thu thập dữ liệu đó để phục vụ xây dựng nền tảng dịch vụ thanh toán của riêng họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các công ty công nghệ đầu tư mạnh thị trường ví điện tử sau Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO