App tín dụng đen (Kỳ III): Cần cơ chế thử nghiệm P2P hoàn chỉnh hơn
Cơ chế thử nghiệm cho Fintech, trong đó có P2P Lending, là rất cần thiết để góp phần đẩy lùi app tín dụng đen, nhưng cần hoàn chỉnh hơn so với dự thảo Nghị định mà NHNN công bố mới đây.
Dự thảo Nghị định quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng không chỉ đề cấp đến cho vay ngang hàng ( P2P Lending ) mà đề cập đến hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Fintech, bao gồm thanh toán, tín dụng, hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (OPEN API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng, các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, theo tôi, cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm một số quy định sau đây:
Thứ nhất, ở Điều 6, chương I của Dự thảo Nghị định về Cơ quan thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký, NHNN là đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ và phối hợp với các bộ ngành; NHNN thực hiện cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm. Điều đó là đúng tại thời điểm này, nhưng cần có quy định bổ sung, NHNN sẽ là cơ quan quản lý để thực hiện lĩnh vực liên quan đến cho vay và hợp tác đầu tư.
Như vậy, NHNN sẽ không chỉ là cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp phép cho các tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech, mà cũng sẽ là cơ quan quản lý đầu ngành các hoạt động liên quan đến cho vay, thanh toán, tín dụng và đầu tư, chứ không thể giao cho các Bộ khác, như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương…
Thứ hai, Điều 9 quy định về tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm Fintech, đã nêu “Là giải pháp không tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn đến thị trường tài chính – ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung”. Theo tôi, điều này là không hợp lý, do tất cả công ty P2P có hoạt động rủi ro. Do đó khi họ đưa ra những giải pháp, quy định nội bộ thì phải hiểu rằng họ có hoạt động rủi ro, tuy nhiên mức độ rủi ro cần được kiểm soát và hạn chế. Còn nếu đưa ra giải pháp mà không tiềm ẩn rủi ro thì sẽ không có doanh nghiệp nào có thể hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến tài chính.
Thứ ba, tại Điều 10 quy định về Hồ sơ đăng ký, cần bổ sung quy định doanh nghiệp phải nộp cho NHNN một bản dự thảo về quy trình nội bộ của doanh nghiệp để quản lý rủi ro. Và đặc biệt, cần có quy trình thu hồi nợ, đây là điều rất quan trọng do Quốc hội vừa thông qua việc không cho phép hoạt động đòi nợ thuê. Do vậy, doanh nghiệp phải đưa ra quy trình bổ trợ thu hồi nợ như thế nào?.
Thứ tư, trong Chương III, Điều 12 về thời gian và phạm vi thử nghiệm, thời gian thử nghiệm chỉ cần 1 năm, còn dự thảo quy định từ 1-2 năm để thử nghiệm là quá lâu.
Bên cạnh đó, tại Điều 12 có nêu “Tùy thuộc vào các giải pháp Fintech cụ thể, NHNN sẽ thảo luận với tổ chức tham gia thử nghiệm để quyết định phạm vi cho hoạt động của các giải pháp bao gồm đồng thời hoặc 1 trong 3 yếu tố: địa lý, hạn mức giao dịch và số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm vấn đề cấp độ. Theo đó, cần có 4 cấp độ:
Cấp độ thứ nhất là các doanh nghiệp P2P Lending chỉ tham gia với vai trò kết nối giữa bên đi vay và bên cho vay thông qua các ứng dụng di động hoặc trực tuyến, doanh nghiệp sẽ hưởng hoa hồng qua việc làm trung gian.
Cấp độ thứ hai là doanh nghiệp kết nối cũng có nhiệm vụ thẩm định khả năng trả nợ của người đi vay để giới thiệu cho người cho vay, và khả năng đầu tư của người có tiền cho vay. Bởi nhiều trường hợp không có cam kết rõ ràng, nên đã xảy ra việc người cho vay lại không đầu tư do không có khả năng.
Cấp độ thứ ba là các doanh nghiệp thay vì chỉ kết nối, hay thẩm định mà còn có những quy định cho cả hai bên về mức lãi suất, điều kiện cho vay. Họ sẽ bổ trợ cho cả hai bên trong việc đầu tư và hoạt động tín dụng.
Cấp độ thứ tư là cấp độ cao nhất, theo đó các doanh nghiệp kết nối đó được ủy thác đầu tư và đưa ra các gói đầu tư. Tức là doanh nghiệp nhận tiền đầu tư từ các nhà đầu tư, sau đó các nhà đầu tư ủy thác cho họ để cho vay theo chương trình và nhận định của họ. Hay nói cách khách, nhà đầu tư không trực tiếp đưa tiền cho người đi vay mà thông qua doanh nghiệp kết nối.
Như vậy, các doanh nghiệp P2P Lending muốn tham gia chương trình thử nghiệm cần xác định xem mình đang ở cấp độ nào để làm thủ tục xin cấp phép. Theo đó, NHNN sẽ xem xét cấp phép cho doanh nghiệp và có quy trình quản lý rủi ro phù hợp.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm khoản 3 ở Điều 12 là NHNN có thể xem xét cho phép các doanh nghiệp P2P Lending được tham gia truy cập thông tin tín dụng từ CIC (Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia) của NHNN. Bởi nguồn thông tin tín dụng từ CIC rất quan trọng cho các doanh nghiệp này.
Đặc biệt, khi các doanh nghiệp tham gia cơ chế thử nghiệm này, NHNN nên công bố danh sách các doanh nghiệp này trên thị trường. Và theo như Điều 14 trong Dự thảo quy định NHNN có thể thu hồi giấy phép tham gia cơ chế thử nghiệm, do đó NHNN nên công bố danh sách những doanh nghiệp bị loại khỏi cơ chế thử nghiệm để các nhà đầu tư biết và phòng ngừa rủi ro.
Nếu Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm Fintech được bổ sung thêm những quy định nói trên, sẽ góp phần giúp các công ty P2P lending hoạt động một cách minh bạch, hiệu quả, góp phần đẩy lùi các app tín dụng đen đang hoành hành hiện nay.
Có thể bạn quan tâm