Mobile Money “chèn ép” ngân hàng?
Việc Visa vừa ký kết thỏa thuận với nhà mạng Safaricom của Kenya khiến nhiều người lo ngại sẽ gây áp lực cạnh tranh đối với các ngân hàng.
Thỏa thuận này cho phép kết nối 24 triệu người dùng và 173.000 đơn vị chấp nhận M-Pesa của Safaricom với mạng lưới hơn 3 tỷ thẻ và 61 triệu đơn vị chấp nhận thẻ của Visa trên toàn cầu.
Đối đầu thành đối tác
Theo thỏa thuận nói trên, tài khoản M-Pesa trên điện thoại di động sẽ hoạt động như một thẻ ảo, cho phép người dùng thanh toán ở nước ngoài khi đi du lịch và chuyển tiền từ thẻ ghi nợ được liên kết với Visa sang ví M-Pesa kể cả ở nước ngoài.
Thời gian qua, Safaricom đã tích hợp M-Pesa với hệ thống thanh toán toàn cầu như hợp tác với Western Union để cho phép người dùng M-Pesa gửi tiền trên toàn thế giới… Tuy nhiên, việc bắt tay với Visa mới chính thức tích hợp M-Pesa vào hệ thống thanh toán toàn cầu.
Còn nhớ năm 2016, Visa đã cho ra mắt ứng dụng Mvisa, cho phép người dùng mua hàng hoặc chuyển tiền trên điện thoại di động ở Kenya để cạnh tranh với M-Pesa. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai nền tảng này là Mvisa yêu cầu người sử dụng phải có tài khoản ngân hàng, trong khi với M-Pesa, người sử dụng chỉ cần có ID và điện thoại di động đã có thể thực hiện được giao dịch. Điều đó đã khiến Mvisa không thể cạnh tranh được với M-Pesa. Đây có thể là lý do khiến Visa đã chuyển từ đối thủ thành đối tác với Safaricom.
Xu thế tất yếu
Có nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, việc hợp tác giữa các nhà mạng với các đơn vị chuyển mạch thẻ như Visa để phát triển Mobile Money sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn đến các ngân hàng.
Tuy nhiên, điều đó không quá đáng lo ngại, bởi: Thứ nhất, mỗi phương thức thanh toán được nhắm đến một phân khúc khách hàng khác nhau. Mobile Money hướng đến những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng và chủ yếu được sử dụng để thanh toán những khoản nhỏ lẻ. Còn muốn thanh toán những khoản lớn hơn, người dùng phải sử dụng ví điện tử; lớn hơn nữa phải thanh toán qua ngân hàng.
Thứ hai, để kết nối liên thông các loại hình thanh toán này với nhau, thì tài khoản di động phải liên thông với tài khoản ngân hàng. Theo đó, các nhà mạng chắc chắn phải mở tài khoản ngân hàng riêng cho dịch vụ này mới có thể chuyển tiền qua lại cũng như thanh toán bù trừ. Khi đó, sẽ không lo tiền gửi bị chia sẻ bởi các tài khoản di động do tổng tiền gửi tại các tài khoản di động này sẽ nằm tại ngân hàng.
Thứ ba, trung gian thanh toán chỉ là một trong nhiều hoạt động của các ngân hàng. Trong khi việc liên kết các phương thức thanh toán này với nhau sẽ giúp ngân hàng khai thác được nguồn khách hàng vốn chưa có tài khoản ngân hàng này ở nhiều dịch vụ khác của mình.
Chưa kể áp lực này cũng lại là động lực buộc các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Hơn thế, việc bắt tay hợp tác để cùng phát triển các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại cũng là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế số, qua đó mang lại lợi ích cho người dân và xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Mobile money liệu có ảnh hưởng gì đến hoạt động của các ví điện tử hiện nay?
11:23, 11/06/2020
Mobile Money - “mỏ vàng” không dễ khai thác
11:23, 03/06/2020
Cách nào hạn chế rủi ro từ ví điện tử và mobile money?
05:30, 26/05/2020
Cách nào quản lý Mobile Money?
11:30, 22/05/2020
Lưu ý gì khi thí điểm triển khai Mobile Money?
05:00, 13/05/2020