Doanh nghiệp P2P "dài cổ" ngóng cơ chế thử nghiệm

DIỄM NGỌC 15/09/2020 06:00

Nhiều doanh nghiệp P2P rất mong muốn Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính để đưa P2P vào khuôn khổ pháp lý.

Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là mô hình kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp giữa người vay với người cho vay (nhà đầu tư), không thông qua trung gian tài chính. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc triển khai mô hình hoạt động này, nhất là khi chưa có hành lang pháp lý cho P2P. Phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Thanh Long, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ tài chính vayonline247 xung quanh vấn đề này.

Ông Tạ Thanh Long, người sáng lập công ty Cổ phần công nghệ tài chính vayonline247

Ông Tạ Thanh Long, CEO Công ty Cổ phần Công nghệ tài chính vayonline247

- Ông đánh giá thế nào về thị trường P2P lending tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19? 

Thị trường P2P Lending của Việt Nam đang phát triển khá nóng và sôi động với quy mô ngày càng lớn. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Họ hầu hết không thể hoặc không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng nhưng có nhu cầu rất lớn về vay vốn, đầu tư. Do đó, P2P Lending đang có sự phát triển vượt bậc. 

Nếu theo dõi trên các phương tiện truyền thông sẽ thấy số lượng lớn các đơn vị mới tham gia cung cấp dịch vụ này thời gian qua. Điều đó cho thấy thị trường P2P của Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

Khi dịch COVID-19 diễn ra, nền kinh tế đi xuống, nhiều người gặp khó khăn về tài chính hoặc giảm các cơ hội đầu tư, đã mạnh dạn tìm đến với kênh P2P Lending. Theo khảo sát riêng của Vayonline247, lượng người tham gia đăng ký vay và đầu tư trên nền tảng P2P đều tăng. 

- Fintech nói chung hay P2P Lending nói riêng là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ với hệ sinh thái đa dạng, xin ông chia sẻ về những điểm hấp dẫn của mô hình này đối với cộng đồng? Việc khai thác thị trường P2P hiện gặp những thách thức gì? 

Fintech là lĩnh vực tất yếu sẽ diễn ra khi công nghệ đang hòa mình rất nhanh và mạnh mẽ vào lĩnh vực tài chính, đặc biệt khi Chính phủ đang đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi số quốc gia.

Lĩnh vực Fintech còn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT… qua các hoạt động trực tiếp và gián tiếp, như đầu tư hình thành các công ty Fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech...

Điểm hấp dẫn của mô hình P2P là mối quan hệ win-win giữa bên đi vay và cho vay: Hình thức P2P Lending cung cấp một kênh vốn mới, đáp ứng nhu cầu thị trường vốn. Với P2P Lending, những người có nhu cầu vay được tiếp cận với nguồn vốn nhanh chóng, hiệu quả, thay vì những thủ tục phức tạp ở ngân hàng; còn những người có vốn lại dễ dàng kiếm được những nguồn lợi tức hấp dẫn từ nguồn tiền nhàn rỗi của mình.

P2P mang lại thu nhập thụ động cho nhà đầu tư, bởi thay vì phải mất nhiều công sức, thời gian để nghiên cứu, tính toán bằng các cách thức đầu tư như chứng khoán hay bất động sản, thì đầu tư với P2P Lending đơn giản hơn nhiều. Từ những khoản tiền nhàn rỗi, nhà đầu tư chỉ cần lựa chọn các cơ hội đầu tư từ những danh mục có sẵn, và sàn P2P Lending sẽ chịu trách nhiệm quản lý, cập nhật thông tin, thông báo tình hình các khoản đầu tư một cách thường xuyên. Nhà đầu tư hay người vay có thể tham gia P2P Lending mọi lúc, mọi nơi, không phân biệt khoảng cách địa lý, vùng miền…

Với Vayonline247, ngoài những dịch vụ giống như các sàn khác, chúng tôi còn cung ứng các dịch vụ tài chính cho hệ sinh thái BK247 mà chúng tôi đang xây dựng cho hệ thống nhà sản xuất, nhà phân phối, đại lý bán lẻ và người tiêu dùng. Nhờ có Vayonline247, những nhà sản xuất, nhà phân phối đang sử dụng sản phẩm Shark DMS để quản trị hệ thống phân phối có thể vay đến 1 tỷ đồng để vượt qua các khó khăn mùa dịch COVID-19. 

Bên cạnh đó, những nhà sản xuất, công ty lớn có tiền dư thừa có thể bỏ tiền ra cho những doanh nghiệp nhỏ hơn vay. Hệ sinh thái này giúp việc vay và cho vay diễn ra nhanh hơn mà không mất nhiều thời gian vào việc thẩm định khách hàng như các tổ chức tài chính truyền thống.

Tuy nhiên, tôi cũng phải thừa nhận vẫn có một số khó khăn về cơ chế khi Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho P2P. Do đó, các app tín dụng đen trà trộn, làm suy giảm lòng tin, gây nhiễu loạn thông tin tới người dùng.

- P2P đem lại rất nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo ông, dấu hiệu nào để nhận biết rủi ro cho cả 2 phía: người cho vay và người vay? 

Đây là câu hỏi rất hay. Đúng là gần đây, báo đài, internet liên tục đưa tin về các vụ việc tiêu cực liên quan tới app tín dụng đen. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chung quy lại tôi thấy cơ bản nhất là người dân thiếu thông tin và kỹ năng lựa chọn các công ty P2P uy tín.

Khi chúng ta có quá nhiều công ty/ứng dụng P2P Lending bùng nổ trong thời gian ngắn, người dân và cả nhà đầu tư cũng không biết được đâu là ứng dụng tốt, ứng dụng đen. Đơn giản nhất khi cần, họ sẽ lên internet tìm kiếm hoặc lên các kho tải để tìm rồi cài đặt và vay.  

Theo tôi, trước khi vay hoặc đầu tư, người dân nên cố gắng bỏ công tìm hiểu về các ứng dụng mà mình định dùng thông qua việc vào website của ứng dụng đó hoặc tìm các thông tin về ứng dụng đó trên mạng, đặc biệt ưu tiên các nguồn thông tin chính thống từ các báo/đài, tìm hiểu xem các công ty đó có vấn đề tiêu cực nào không?.

- Vừa qua, ngành ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong mùa dịch COVID-19. Vậy các công ty P2P nói chung và vayonline247 nói riêng có động thái nào về việc này để cùng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân? 

Trong bối cảnh nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, chúng tôi đã tiến hành trao đổi với nhiều người vay, nhà đầu tư, lắng nghe chia sẻ của cộng đồng và thấy mình cần phải có những hành động phù hợp với thực trạng hiện nay. Do đó, chúng tôi đã mạnh dạn tiên phong là ứng dụng đầu tiên giảm lãi suất với người vay từ 18-20%/năm xuống còn 9-15%/năm.

Để có được quyết định nói trên, chúng tôi có sự đồng lòng của nhiều nhà đầu tư khi họ đồng ý cùng giảm lãi suất đầu tư xuống. Chúng tôi thấy rất vui khi nhiều nhà đầu tư chia sẻ họ chấp nhận giảm lãi suất cho vay miễn là số tiền đầu tư của họ an toàn và được giải ngân nhanh chóng thay vì đọng lâu với mức lãi cao. 

Về phía Vayonline247, chúng tôi thấy việc chia sẻ gánh nặng với người vay là điều nên làm và chúng tôi mong mọi bên từ người vay hay nhà đầu tư đều sớm vượt qua khó khăn để phục hồi kinh tế, muốn như vậy, chúng ta cần chia sẻ với nhau nhiều hơn.

- Khung pháp lý hiện nay đối với P2P vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, vậy ông có kiến nghị gì để Chính phủ và cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này? 

Về mặt pháp lý, chúng tôi tuyệt đối tin tưởng Chính phủ sẽ sớm ban hành các khung pháp lý liên quan đến P2P. Chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp P2P khác rất mong việc cấp phép thí điểm P2P sớm được triển khai và sẽ nỗ lực hết mình để đáp ứng được các yêu cầu của giấy phép. 

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn sớm có các buổi trao đổi trực tiếp với các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia... để góp ý hoàn thiện cho Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • App tín dụng đen (Kỳ III): Cần cơ chế thử nghiệm P2P hoàn chỉnh hơn

    App tín dụng đen (Kỳ III): Cần cơ chế thử nghiệm P2P hoàn chỉnh hơn

    06:00, 23/06/2020

  • Từ Zalo Bank lại ngóng pháp lý cho P2P

    Từ Zalo Bank lại ngóng pháp lý cho P2P

    06:00, 01/07/2020

  • Cơ chế thử nghiệm Fintech sẽ

    Cơ chế thử nghiệm Fintech sẽ "cởi trói" cho doanh nghiệp P2P

    11:30, 04/06/2020

  • TS. Nguyễn Trí Hiếu: P2P lending

    TS. Nguyễn Trí Hiếu: P2P lending "giải cơn khát vốn" cho doanh nghiệp hậu COVID-19

    11:30, 15/05/2020

  • Cấp bách khung pháp lý chop/P2P

    Cấp bách khung pháp lý cho P2P

    11:00, 08/11/2019

  • “Đèn xanh” hay “đèn đỏ” đối với hoạt động P2P

    “Đèn xanh” hay “đèn đỏ” đối với hoạt động P2P

    14:02, 15/05/2019

DIỄM NGỌC