Việc Chính phủ Trung Quốc vừa quyết định đóng cửa 40 công ty cho vay ngang hàng (P2P) một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo rủi ro của mô hình này ở Việt Nam.
Được biết, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xây dựng khung pháp lý cho P2P, nhưng đến nay chưa thấy cơ quan này công bố dự thảo quy định quản lý hoạt động này.
Những lỗ hổng quản lý
Hoạt động P2P thực tế đã có từ lâu ở Việt Nam, theo cách thức góp hụi của người dân ở các vùng quê, thậm chí ở các khu vực đô thị. Tuy nhiên, có sự mới mẻ là bởi nhà đầu tư sẽ là bên đứng tổ chức “sàn hụi”, chịu trách nhiệm kết nối để phát triển P2P, từ nhận tiết kiệm đến thực hiện cho vay, và thậm chí cho vay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể. Việc kết nối được thực hiện trên nền tảng công nghệ số, không thông qua trung gian tài chính nào.
Đại diện một công ty P2P cho biết, cái khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là thị trường đang “trăm hoa đua nở” các nhà đầu tư P2P mà không dựa trên khung pháp lý nào. Doanh nghiệp muốn thúc đẩy, phát triển, công bố sản phẩm của mình ra thị trường, thì vướng và ngại về thủ tục pháp lý. Trong hoạt động, các nhà đầu tư đua nhau thu hút vốn với lãi suất tiền gửi cao và lãi suất cho vay P2P cũng được đẩy lên rất cao, làm cho mục tiêu ban đầu của một nền tảng kết nối phục vụ tài chính vi mô đã bị biến dạng. Để bảo toàn vốn, những nhà đầu tư này sau đó đã sang nhượng mô hình cho một tổ chức đầu tư mới.
Dù mô hình P2P ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng không nên quản không được thì cấm. Bởi vì mô hình này nếu đặt trong khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, sẽ hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp.
Tình trạng từ phát sinh ban đầu của một P2P cho vay vi mô đúng nghĩa đến biến dạng trong vòng quay bùng nổ của thị trường tài chính chưa phát triển như trên, hay sự xuất hiện của các nhà đầu tư mới toanh trên thị trường, thay vì hướng mục tiêu tốt đẹp, thì nhắm vào những lổ hổng của P2P để hoạt động tín dụng đen tinh vi hơn. Đây sẽ là khu vực nhạy cảm và dễ đổ vỡ, để lại hệ lụy lớn đối với thị trường tài chính vi mô lẫn an sinh xã hội trong tương lai.
Theo thông tin từ NHNN được công bố vào tháng 3/2019, Việt Nam đang có khoảng 40 công ty P2P hoạt động với 10 đơn vị có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia, Malaysia, Singapore… Tuy nhiên trên thực tế, số lượng công ty P2P có thể còn lớn hơn nhiều do vừa qua có thông tin cho biết có khoảng 60-70 công ty P2P của Trung Quốc đã tràn sang Việt Nam sau khi mô hình này đổ vỡ ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 27/07/2019
14:02, 15/05/2019
17:01, 01/04/2019
12:30, 16/03/2019
11:01, 15/01/2019
11:30, 25/11/2018
Đừng quản không được thì cấm
Rõ ràng việc Chính phủ giao NHNN xây dựng khung pháp lý quản lý P2P là định hướng đúng đắn, bởi trong kỷ nguyên kinh tế số, không thể ứng xử với các loại hình kinh doanh tài chính công nghệ số theo cách thức quản không được thì cấm. Nhìn bản chất của các hoạt động tài chính cá nhân ở các nước tiên tiến theo cách thức P2P hoặc người tới người (Person to Person), việc phải xác nhận uy tín cá nhân của người sử dụng dịch vụ tài chính là rất quan trọng, và luôn đi liền với số an sinh xã hội.
Tại Mỹ, mỗi công dân có điểm tín dụng– thể hiện uy tín tài chính cá nhân, tạo nền tảng để cho vay mượn tiền, được chấm trên cơ sở cách quản lý, sử dụng tài chính...của cá nhân đó. Bất kỳ một tổ chức tài chính nào đều có thể kiểm tra, tham chiếu điểm tín dụng cá nhân để ra quyết định cấp tín dụng hay không.
Ở Việt Nam hoặc các nước đang phát triển, nhất là một số nước Đông Nam Á, điểm tài chính cá nhân chưa được xây dựng một cách đầy đủ, hoặc nếu có, cũng chưa thể kiểm soát đầy đủ do thiếu cơ sở xây dựng kho dữ liệu thông tin cá nhân. Hoạt động P2P ở các nước đó vì vậy có sự khác biệt. Thiếu điểm tín dụng cá nhân giúp đánh giá tín nhiệm, thẩm định chặt...cũng là nguyên nhân dẫn tới việc vay mượn khó khăn, tạo kẻ hở cho hoạt động cho vay nặng lãi, nợ xấu tăng hay lừa đảo, chiếm dụng vốn…có điều kiện xảy ra.
Do đó, xây dựng kho dữ liệu tín dụng cá nhân là điều kiện cần trên thị trường tài chính vi mô. Ngoài ra, NHNN cần sớm xây dựng khung pháp lý về P2P, bao gồm vốn, (và minh định dòng vốn để tránh ủy thác đầu tư từ những dòng vốn không rõ ràng); trách nhiệm, nghĩa vụ, công cụ lãi suất,... Lưu ý rằng, dù P2P là hoạt động dân sự, nhưng bản chất của tổ chức cung cấp sàn kết nối kinh doanh vẫn là hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính vi mô, cần soi chiếu trong nhiều Luật định bao gồm Luật các TCTD.