Việc tăng cường hợp tác song phương và khu vực châu Á hỗ trợ thúc đẩy thương mại, liên kết chuỗi cung ứng, và tối ưu hóa thanh toán xuyên biên giới tại châu Á.
Trong đó, hệ sinh thái bao gồm các ngân hàng, công ty công nghệ tài chính (Fintech), và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán đang ngày càng phát triển nhờ sự hỗ trợ từ khu vực công. Điều này giúp cho các giao dịch trong khu vực trở nên dễ dàng hơn.
Theo bà Anoushka Dua, Giám đốc bộ phận thanh toán khu vực Nam Á của Citigroup, sự phát triển của nền kinh tế số, đặc biệt tại Đông Nam Á, đã tạo ra nhiều thay đổi quan trọng trong cách người tiêu dùng và doanh nghiệp thực hiện giao dịch xuyên biên giới. "Sự phát triển của nền kinh tế số là nhân tố cốt lõi thúc đẩy các đổi mới trong thanh toán xuyên biên giới," bà Dua cho biết và nhấn mạnh những đột phá trong thanh toán tại các quốc gia thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là vô cùng lớn.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của khu vực này. Theo báo cáo từ Boston Consulting Group, giá trị các ngành công nghiệp kỹ thuật số tại ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng từ khoảng 300 tỷ USD vào năm 2024 lên tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp fintech trong khu vực.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế số đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều công ty fintech và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các công ty này đang tận dụng quá trình hội nhập kinh tế của khu vực bằng cách cung cấp các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng và chi phí thấp cho người tiêu dùng và thương nhân.
Ông Joe Jelinek, Giám đốc nghiên cứu tại Kapronasia, nhận định rằng các công ty cung cấp ví điện tử và các nền tảng thanh toán thời gian thực đang thu hẹp khoảng cách giữa các phương thức thanh toán truyền thống và thay thế. "Fintech và các nền tảng thanh toán thời gian thực sẽ có lợi khi họ tích hợp ngân hàng truyền thống với các phương thức thanh toán thay thế. Điều này mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh trong thị trường đầy tiềm năng này", ông Jelinek cho biết.
Một ví dụ điển hình là Ant Group của Trung Quốc. Tập đoàn này đã tích hợp một loạt các giải pháp ví điện tử vào nền tảng Alipay+ của mình, cho phép người tiêu dùng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore có thể thực hiện các giao dịch thời gian thực thông qua các kết nối xuyên biên giới. Điều này không chỉ cải thiện khả năng tương tác giữa các nhà cung cấp mà còn góp phần đáng kể vào việc định hình lại hệ sinh thái thanh toán khu vực.
Sự phát triển của khu vực tư nhân đang song hành với các nỗ lực chính trị nhằm cải thiện kết nối thanh toán khu vực, đặc biệt trong ASEAN. Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines đã đồng thuận thiết lập kết nối mã QR xuyên biên giới bằng tiền tệ địa phương từ năm 2022. Đồng thời, các liên kết song phương giữa Singapore và Thái Lan (2021), Singapore và Ấn Độ, Singapore và Malaysia (2023) đã thúc đẩy sự kết nối giữa các hệ thống thanh toán nhanh.
Ngoài ra, các liên kết song phương giữa Singapore và Thái Lan (2021), Singapore và Ấn Độ, Singapore và Malaysia (2023) đã giúp đẩy mạnh kết nối giữa các hệ thống thanh toán nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch xuyên biên giới trong khu vực. Sáng kiến quan trọng khác là kế hoạch thiết lập hệ thống thanh toán tức thời xuyên biên giới đa phương, được công bố vào tháng 7/2023, với sự tham gia của Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026. Dự án này được triển khai dưới sự bảo trợ của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và Dự án Nexus.
Ông Leslie Choo, Phó chủ tịch cấp cao và Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ACI Worldwide, đánh giá cao tiềm năng của Dự án Nexus trong việc mang lại các giải pháp thanh toán không gián đoạn. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng dự án sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về quản trị đa phương và xây dựng quy tắc. “Việc ai sẽ đặt ra các quy tắc và chỉ đạo hệ thống này vẫn còn là một câu hỏi lớn,” ông Choo chia sẻ.
"Mặc dù việc tích hợp kỹ thuật giữa các hệ thống thanh toán có thể dễ dàng, nhưng việc hài hòa các quy tắc quản lý, tiêu chuẩn tuân thủ, quản lý rủi ro, và chống rửa tiền là những thách thức lớn," bà Dua nhấn mạnh.
Mặc dù các giải pháp thanh toán ngang hàng (P2P) xuyên biên giới đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn, nhưng lĩnh vực thanh toán doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và bán buôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Anoushka Dua, sự khác biệt về quy tắc và tiêu chuẩn giữa các quốc gia làm phức tạp thêm nhiệm vụ này, đặc biệt khi thương mại xuyên biên giới và chuỗi cung ứng đang gia tăng.
Bất chấp những thách thức hiện tại, triển vọng cho thanh toán xuyên biên giới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn rất tích cực. Việc áp dụng các tiêu chuẩn ISO 20022, hài hòa các quy định pháp lý, cùng với những tiến bộ công nghệ và cải thiện kết nối giữa các hệ thống thanh toán sẽ góp phần thúc đẩy sự thay đổi tích cực. Các chuyên gia tin rằng tương lai của thanh toán xuyên biên giới sẽ trở nên thuận lợi hơn, không chỉ trong các giao dịch cá nhân mà còn trong lĩnh vực doanh nghiệp.
Ông Leslie Choo cho rằng: "Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo mọi giao dịch thanh toán xuyên biên giới, dù là thanh toán giá trị thấp hay cao, đều có thể được thực hiện theo thời gian thực. Điều đó sẽ giúp hiện thực hóa tầm nhìn về một hệ thống thanh toán xuyên biên giới toàn diện và liền mạch hơn trong khu vực."