Fintech và áp lực sinh tồn hậu COVID-19

NGUYỄN LONG 14/12/2020 11:00

Theo Forbes, công nghệ tài chính (Fintech) là một trong số ít những lĩnh vực hưởng lợi từ đại dịch COVID-19, nhưng khi có vắc-xin COVID-19, các Fintech sẽ cần nỗ lực hơn để tồn tại.

Trong quý 3 năm 2020, các công ty khởi nghiệp đã huy động được 36,5 tỷ USD tài trợ, tăng 30% so với năm trước.

Robinhood- ứng dụng giao dịch chứng khoán, đã thu về 1,25 tỷ USD trong năm 2020, đạt mức định giá 11,7 tỷ USD. 

Tích cực trong đại dịch

Cơn sốt đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Fintech được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ kỹ thuật số. Bên cạnh đó trong bối cảnh lãi suất thấp, các nhà đầu tư cũng ngày càng rót vốn vào các tài sản công nghệ rủi ro. Ngoài ra, thị trường chứng khoán bùng nổ cũng tác động tích cực đến các đợt IPO của các công ty Fintech. 

Bất chấp đại dịch COVID-19 đang hoành hành, các công ty khởi nghiệp FinTech đang gây quỹ nhiều hơn bao giờ hết với mức định giá rất cao. Chẳng hạn như Robinhood- ứng dụng giao dịch chứng khoán, đã thu về 1,25 tỷ USD trong năm 2020, đạt mức định giá 11,7 tỷ USD. Tương tự như vậy, trong năm 2020, các ngân hàng số như Chime, Varo, MoneyLion... đã thu được hàng triệu người dùng mới....

Sở dĩ các fintech phát triển mạnh do: Thứ nhất, đại dịch khiến người dân phải sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử, thay vì phương thức thanh toán truyền thống do các hạn chế tiếp xúc. 

Thứ hai, trong bất kỳ thời điểm kinh tế bất ổn nào, người tiêu dùng và doanh nghiệp trở nên quan tâm hơn đến chi phí. Các công ty khởi nghiệp Fintech đã có thể tận dụng những đổi mới công nghệ của họ để cung cấp cho người dùng những dịch vụ rẻ hơn với trải nghiệm khách hàng được cải tiến, phù hợp với nhu cầu...

Trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thanh toán điện tử là giải pháp lý tưởng.

Trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thanh toán điện tử là giải pháp lý tưởng.

Thứ ba, trong bối cảnh đại dịch bùng phát, các doanh nghiệp nhỏ và người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các công ty khởi nghiệp Fintech để xử lý các khoản vay, thanh toán, giao dịch... khi việc giao dịch với các ngân hàng truyền thống mất nhiều thời gian hơn, thậm chí khó tiếp cận tín dụng do doanh nghiệp, người tiêu dùng không đủ điều kiện.

Đặc biệt, các ngân hàng cũng tăng cường kết nối với các công ty khởi nghiệp fintech để phát triển không gian số, tạo thành ngân hàng mở Open API...

Sức ép sau đại dịch

Để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng, các công ty khởi nghiệp Fintech không thể "ngủ yên trên sự chiến thắng". Theo đó, các công ty này phải tiếp tục đổi mới dịch vụ, nâng cao trình độ công nghệ, vì các ngân hàng truyền thống đã bắt đầu đẩy mạnh ngân hàng số để cung cấp nhiều dịch vụ tùy chỉnh hơn và bắt đầu tiếp cận với các nhóm thích hợp.

Không chỉ vậy, sức ép còn đến từ tệp khách hàng. Các khách hàng hiện đang cẩn trọng trước việc bị thu thập và sử dụng dữ liệu tài chính từ các Fintech, dẫn đến khách hàng thiếu sự tin tưởng khi sử dụng dịch của các Fintechs, và cảm thấy an toàn hơn khi sử dụng dịch vụ từ các ngân hàng. Điều này sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp fintech.

Ngoài ra, đại dịch vẫn chưa thể tạo dựng một thói quen sử dụng thanh toán số ở những quốc gia trước đây chưa phát triển mạnh dịch vụ này. Do đó, hậu dịch, không ngoại trừ khả năng người tiêu dùng sẽ quay trở lại sử dụng dịch vụ tài chính truyền thống ở các quốc gia này.

Ông Trần Việt Vĩnh, CEO của Fiin, cũng cho rằng rất khó để đại dịch COVID-19 có thể trở thành đòn bẩy để người dân chuyển mạnh sang thanh toán điện tử, nhất là tại thị trường Việt Nam.

"Trong thời điểm hiện tại, người dân có thể có nhu cầu cao sử dụng các công cụ thanh toán điện tử, nhưng để chuyển đổi hoàn toàn hành vi của người dân từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán điện tử là một chặng đường dài đối với doanh nghiệp thanh toán điện tử, doanh nghiệp Fintech. Mặc dù người dân đã nhận thức được lợi ích của thanh toán điện tử, nhưng do thói quen thanh toán tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, nên rất khó chuyển đổi ngay sang thanh toán phi tiền mặt, mà cần quá trình chuyển đổi từ từ", ông Trần Việt Vĩnh nhận định. 

Có thể bạn quan tâm

  • Fintech Việt Nam bỏ ngỏ mảng B2B

    Fintech Việt Nam bỏ ngỏ mảng B2B

    05:00, 10/12/2020

  • Nữ giới vượt rào cản gọi vốn khi khởi nghiệp ngành fintech

    Nữ giới vượt rào cản gọi vốn khi khởi nghiệp ngành fintech

    08:13, 15/10/2020

  • Amazon “bẻ lái” sang Fintech

    Amazon “bẻ lái” sang Fintech

    16:19, 12/10/2020

NGUYỄN LONG