Thách thức nào với ngân hàng khi triển khai eKYC?

NGUYỄN LONG 16/12/2020 01:46

Theo ông Nguyễn Quang Vinh (VNPT), việc cho phép eKYC đã rút ngắn việc xác thực so với trước đây, nhưng cần giải pháp làm sao để eKYC đảm bảo an toàn, bảo mật.

Công nghệ định danh điện tử được sử dụng tại DXDAY 2020.

Công nghệ định danh điện tử (eKYC) được sử dụng tại DXDAY 2020.

Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2020 và Ngày Chuyển đổi số Việt Nam (DXDAY Việt Nam 2020), ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp, Tích hợp hệ thống - Công ty Công nghệ thông tin VNPT đã chia sẻ về vấn đề chuyển đổi số trong ngành tài chính, ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp trước hết cần tập trung vào số hóa và tối ưu việc số hóa. Nói ngắn gọn, chuyển đổi số đơn giản chính là chuyển đổi toàn bộ hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp lên môi trường số. “Nhìn chung, các ngân hàng Việt Nam đã và đang thực hiện chuyển đổi số rất tốt trong bối cảnh hiện nay” – ông Vinh cho hay.

Tuy nhiên, với đặc điểm của ngành ngân hàng, khách hàng là trung tâm, việc chuyển các hoạt động sang môi trường số đều liên quan đến khách hàng, nhất là liên quan tới danh tính người sử dụng.

Với ngân hàng truyền thống, việc định danh khách hàng yêu cầu phải đến tận chi nhánh ngân hàng, nhưng khi chuyển đổi sang ngân hàng số, cần chuyển việc định danh sang dạng điện tử hay eKYC cho phép người dân có mở tài khoản thanh toán ở bất kỳ đâu.

Thống kê sơ bộ cho thấy, đến thời hiện nay đang có khoảng 10 ngân hàng đang triển khai thử nghiệm việc định danh điện tử eKYC trong giao dịch ngân hàng và tại một số ngân hàng, tỷ lệ giao dịch online tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.

Theo Phó Giám đốc - Trung tâm Giải pháp, Tích hợp hệ thống - Công ty Công nghệ thông tin VNPT, với việc cho phép eKYC, có một số vấn đề thách thức mà các ngân hàng cần giải quyết: Thứ nhất là xác thực thật giả của giấy tờ, ảnh chụp có đúng của khách hàng hay không.

Thứ hai là phần bảo mật trong giao dịch. “Ngân hàng đã triển khai eKYC rất rầm rộ và ồ ạt, nhưng về lâu dài, chúng ta vẫn cần chăm sóc khách hàng hiện hữu. Để đảm bảo hoạt động thường xuyên của khách hàng hiện hữu thì giao dịch phải an toàn, bảo mật hơn” – ông Vinh cho hay.

Trong câu chuyện chuyển đổi số, việc bảo mật là rất quan trọng, bởi tài sản khi đó chuyển lên môi trường số tăng lên thì việc bảo vệ cũng cần nâng cao hơn. Đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các TCTD đã thực hiện rất tốt, nhưng vẫn cần chú ý thường xuyên kiểm tra và đánh giá hệ thống.

Ông Nguyễn Quang Vinh (thứ hai từ trái sang) tại phiên thảo luận toàn thể.

Ông Nguyễn Quang Vinh (thứ hai từ trái sang) tại phiên thảo luận ở DXDAY 2020.

Cách thức xác thực phổ biến hiện nay là qua tin nhắn SMS và mã xác thực OTP. “Về mặt lý thuyết, chúng ta sử dụng SMS, OTP trên cùng một chiếc điện thoại, sẽ không tăng thêm vấn đề bao mật là bao nhiêu. Liên minh châu Âu quy định tại PSD2 (Payment Service Directive 2). Họ định nghĩa rõ ràng đối với khách hàng giao dịch trên 30 USD thì cần xác thực khách hàng mạnh, có tối thiểu 2/3 loại xác thực độc lập” - ông Vinh cho hay.

Bên cạnh hai hình thức trên, còn có công cụ sinh trắc học ứng dụng trong định danh và xác thực điện tử. Về tính đúng đắn của dữ liệu định danh, có 3 mức độ: mức 1 có độ tin tưởng thấp nghĩa là khách hàng tự khai thông tin. Mức 2 là thông tin được xác thực, thực hiện công nghệ hỗ trợ xác thực từ xa, ví dụ như eKYC. Cao nhất là mức 3, việc xác thực nhân thân cần tới tại quầy, có giao dịch viên, có người có nghiệp vụ xác thực.

Vấn đề định danh có tác dụng rất to lớn, từ dịch vụ công cho tới y tế, giáo dục, đều cần định danh. Theo định hướng của Chính phủ, sẽ triển khai hệ thống định danh điện tử quốc gia theo hướng phân tán. Các IDP có thể kết nối với IDP HUB – cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ do VNPT triển khai.

Có thể bạn quan tâm

  • Rào cản nào trong chuyển đổi số ngân hàng Việt Nam?

    Rào cản nào trong chuyển đổi số ngân hàng Việt Nam?

    14:00, 15/12/2020

  • Việt Nam có nhiều tiềm năng cho nền kinh tế số

    Việt Nam có nhiều tiềm năng cho nền kinh tế số

    13:10, 15/12/2020

  • Việt Nam trên con đường xã hội số

    Việt Nam trên con đường xã hội số

    16:18, 14/12/2020

NGUYỄN LONG