Theo Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Trọng Đường, trong quá trình chuyển đổi số, việc xã hội số cũng là một trong những yêu cầu quan trọng Việt Nam cần thực hiện.
Hôm nay (14/12), Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Ngày chuyển đổi số Việt Nam - DXDay Vietnam 2020 đã chính thức khai mạc, sự kiện diễn ra trong hai ngày 14 - 15/12 tại Hà Nội, do VINASA, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội”.
Trong khuôn khổ chương trình, trao đổi về vấn đề “Chuyển đổi số Quốc gia – Chia sẻ và kết nối”, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa ông Nguyễn Trọng Đường cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, việc xây dựng xã hội số cũng là một trong những vấn đề quan trọng.
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, để xây dựng một xã hội số cần đáp ứng 5 chỉ số chính: Hạ tầng kết nối, Định danh số, Công dân số, Phong cách số và Thương mại số.
Trong đó, Hạ tầng kết nối bao gồm: Mạng di động 3G, 4G, 5G; mạng Internet, cáp quang, wifi; tốc độ mạng; mức độ phủ sóng… Định danh số gồm hệ thống định danh số cá nhân như căn cước số cho công dân, số người có danh tính số, mức độ sử dụng danh tính số trong giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng.
Công dân số bao gồm: số lượng dịch công trực tuyến, mức và chất lượng dịch vụ công trực tuyến, sự quan tâm của người dân với dịch vụ công trực tuyến.
Phong cách số gồm tỷ lệ điện thoại thông minh, thiết bị IoT trên đầu người trong điện tử tiêu dùng, smart home; thiết bị IoT trên đầu người trong đô thị thông minh, tiện ích thông minh… Số người sử dụng mạng xã hội, số ứng dụng người dân sử dụng, số ứng dụng sử dụng ngôn ngữ bản địa…
Về thương mại số, đối với ngân hàng truyền thống cần số lượng ATM, tỷ lệ dùng thẻ tín dụng … Với ngân hàng số gồm tỷ lệ dùng mobile money, ví điện tử, ebanking; Tỷ lệ dùng dịch vụ công trực tuyến để thanh toán, chuyển tiền,…
Phó Cục trưởng đánh giá, dựa theo báo cáo của GSMA Intelligent thực hiện nghiên cứu tại 11 thị trường thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam được đánh giá đang nổi lên là một nước tiens bộ về kỹ thuật số.
Nghiên cứu cho thấy Việt Nam có mức tăng điểm cao nhất trong số tất cả các quốc gia được đề cập, tăng 12 điểm trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019. GSMA cho rằng sự thay đổi này là nhờ thúc đẩy kết nối, ra mắt và mở rộng nhanh chóng của mạng 4G.
“ Về chỉ số hạ tầng kết nối, Việt Nam tăng 18 điểm về hạ tầng kết nối, gấp 2 lần mức tăng trung bình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương” – ông Nguyễn Trọng Đường cho biết.
Với chỉ số định danh số, trong 3 năm từ 2016-2019, Việt Nam đã tăng 21 điểm về định danh số, gấp 2,3 lần mức tăng trung bình trong khu vực. Về chỉ số công dân số, Việt Nam tăng 15 điểm về công dân số, nhưng chúng ta thấp hơn Thái Lan 23 điểm và thấp hơn nước đứng đầu là 32 điểm. Về phong cách số, Việt Nam đã tăng 11 điểm, thấp hơn nước đứng đầu 28 điểm
Đáng chú ý, về Chỉ số thương mại số Việt Nam không tăng được điểm nào về thương mại số. Mức tăng trung bình trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương cũng rất thấp, chỉ 0,7 điểm.
Phó Cục trưởng đánh giá, COVID đã tạo ra bước ngoặt cho chuyển đổi số, thay đổi nhiều thói quen của người dân.
“COVID-19 sẽ định hình lại thế giới. Chúng ta chưa biết khi nào thảm kịch sẽ kết thúc. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng khi nó kết thúc, thế giới đã trở nên rất khác” – Nghị viện châu Âu
Để thúc đẩy chuyển số, xây dựng xã hội, theo lãnh đạo Cục Tin học hóa, giải pháp thích hợp với Việt Nam là tiếp cận toàn chính phủ (Whole of Government Approach - WGA). Theo đó, cần có sự tham gia liên bộ liên tỉnh, phổi hợp chính phủ, doanh nghiệp, người dân.” Bản chất của WGA là chuyển đổi số tổng thể toàn diện cả quốc gia với sự tham gia vào cuộc của tất cả các cơ quan chính phủ cấp bộ, tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp và người dân” – Phó Cục trưởng Đường nhấn mạnh.
Đặc biệt, cơ sở lý luận của WGA là chia sẻ và kết nối. Để việc phối hợp, kết nối và chia sẻ đạt hiệu quả, 5 nguyên tắc:
Thứ nhất, đối với Lãnh đạo, cần có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất với chiến lược rõ ràng, kiên định, vì mục tiêu chung, lợi ích chung được đặt lên trên hết. Cùng với đó là quyết liệt loại bỏ các rào cản như xung đột mục tiêu của các bộ, ngành, khoảng cách về hạ tầng số…
Thứ hai, về hợp tác, các quan điểm đều được xem xét, hợp lực để tạo giá trị chung. Đổi mới về sản phẩm phù hợp với đối tượng chính; cần có những đóng góp mang tính xây dựng và chuyển đổi số dựa trên nền tảng số.
Thứ ba, về văn hóa, cần có tinh thần hợp tác ngang, dọc và sẵn sàng liên minh, có một tư duy đón nhận đổi mới và công nghệ mới và cần có sự minh bạch, thích ứng, linh hoạt trong chuyển đổi số.
Thứ tư về công tác thông tin, cần nâng cao nhận thức, thường xuyên truyền thông, tuyên truyền về chuyển đổi số, đảm bảo nhận thức đúng, hiểu đầy đủ, triển khai nhanh.
Thứ năm, về kỹ năng, cần trang bị cho người dân kỹ năng và kiến thức số, nắm bắt các công nghệ số, an toàn an ninh mạng.
Có thể bạn quan tâm