Thí điểm Mobile Money (bài cuối): Sẵn sàng “bình dân hoá” dịch vụ tài chính số
Theo đại diện Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, khi cung cấp Mobile Money, việc phải cạnh tranh với các dịch vụ Ví điện tử là quy luật tất yếu của thị trường
Không thể phủ nhận cơ hội mà Mobile Money mang lại cho người dân, góp phần “bình dân hoá” dịch vụ tài chính số, với nhiều tiện ích trong giao dịch, thanh toán trên mọi vùng miền, đặc biệt các vùng sâu vùng xa. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thí điểm, các nhà mạng đã nhanh chóng bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ thủ tục, cũng như sẵn sàng về công nghệ, hạ tầng, mạng lưới kinh doanh để triển khai dịch vụ.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh chủ đề này, đại diện Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết, việc triển khai Mobile Money là phù hợp với xu hướng thanh toán không tiền mặt đang rất phổ biến hiện nay trên thế giới. Dịch vụ Mobile Money của MobiFone cung cấp cho khách hàng với tiêu chí an toàn và tiện dụng đặt lên hàng đầu và đã sẵn sàng các điều kiện về pháp lý, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự, chính sách ở mức cao nhất như:
Thứ nhất, về pháp lý, MobiFone đã thực hiện việc xin cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép. Đây là điều kiện tiên quyết cho phép MobiFone tham gia thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money.
Thứ hai, về hệ thống kỹ thuật, công nghệ, hệ thống phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của hệ thống CNTT ngành ngân hàng, đảm bảo hoạt động liên tục, đảm bảo theo tiêu chuẩn PCI DSS, các giao dịch phải được mã hóa và xác thực, các dữ liệu nhạy cảm của khách hàng được mã hóa, lưu trữ toàn bộ lịch sử giao dịch, số dư tài khoản của khách hàng, ban hành các chính sách an toàn thông tin theo cấp độ…
Thứ ba, về nhân sự, MobiFone đã thành lập Trung tâm Dịch vụ số MobiFone. Để chuẩn bị cho việc tham gia vào một lĩnh vực hoàn toàn mới so với ngành nghề viễn thông truyền thống, MobiFone đã tuyển dụng một số chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ví điện tử. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt chính, dẫn dắt quá trình triển khai dịch vụ: Đội ngũ kỹ thuật phát triển, vận hành sản phẩm, đội ngũ kinh doanh, phát triển điểm chấp nhận thanh toán, quản trị rủi ro…. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự hiện có cũng thường xuyên được tham dự các khóa đào tạo, hội thảo chuyên ngành tài chính, ngân hàng, ví điện tử, Mobile Money… để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn trong lĩnh vực mới.
Cũng theo MobiFone, khi xem xét thí điểm triển khai Mobile Money, các cơ quan quản lý Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an…) đã lường trước và đưa ra các quy định về giám sát, quản lý rủi ro rất chặt chẽ như: quy định về tài khoản đảm bảo, giới hạn hạn mức giao dịch… Theo đó, hạn mức 10 triệu/tháng đã được các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đánh giá rất kỹ trước khi quyết định. Hạn mức này là phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế của phần lớn khách hàng và đáp ứng các yêu cầu về quản lý, giám sát dịch vụ.
Trong giai đoạn thí điểm, hạn mức tối đa này là quy định bắt buộc, MobiFone hay bất cứ đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money nào khác cũng không thể đưa ra các chính sách khuyến khích, ưu đãi nào khác trái với quy định này.
Ngoài ra, việc phải cạnh tranh với các dịch vụ Ví điện tử trên thị trường là quy luật tất yếu của thị trường. MobiFone đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mọi nguồn lực để sẵn sàng tham gia vào thị trường dịch vụ thanh toán đang cạnh tranh rất khốc liệt.
“Tuy nhiên dịch vụ Mobile Money và dịch vụ Ví điện tử vừa là đối thủ, vừa là đối tác của nhau để cùng phát triển, đẩy mạnh thị trường thanh toán không dùng tiền mặt. Khi thị trường phát triển thì tất cả các bên đều được hưởng lợi”, đại diện MobiFone nhấn mạnh.
Còn theo chia sẻ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), VNPT đã kế thừa kinh nghiệm triển khai hạ tầng kỹ thuật kinh doanh trên phạm vi toàn quốc và đặc biệt chú trọng và không ngừng đầu tư, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm đáp ứng những đòi hỏi khắt khe trong quá trình triển khai dịch vụ Mobile Money như: công nghệ định danh điện tử eKYC với độ chính xác cao; các giải pháp dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) máy học (Machine learning); các giải pháp thanh toán không tiếp xúc: NFC, sóng âm, QR Code, sinh trắc học. Tất cả đều nhằm mục đích nâng cao tối đa trải nghiệm khách hàng và đảm bảo độ an toàn trong sử dụng dịch vụ.
Đặc biệt, với thế mạnh của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, VNPT đang sở hữu hơn 1.000 điểm giao dịch; có hơn 10.000 điểm giao dịch của doanh nghiệp đối tác, gần 200.000 điểm kinh doanh dịch vụ cá nhân và hộ gia đình… sẵn sàng chuyển đổi thành các điểm giao dịch Mobile Money đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng cho dù là ở các khu vực như vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo - những khu vực trước tiên của Mobile Money.
Ngoài ra, với kinh nghiệm phát triển ví điện tử VNPT Pay, VNPT đã xây dựng và liên kết được một hệ thống lớn lên đến khoảng 100.000 điểm chấp nhận thanh toán và đang không ngừng mở rộng về cả phạm vi và số lượng. Các khách hàng khi sử dụng mobile money của VNPT sẽ dễ dàng thực hiện giao dịch tại các điểm chấp nhận thanh toán này, giúp khách hàng nhanh chóng làm quen, từ đó gia tăng tần suất sử dụng dịch vụ.
“VNPT với tiềm lực của một đơn vị viễn thông hàng đầu tại Việt Nam, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu về đầu tư và nền tảng tài chính đủ mạnh, đảm bảo an toàn tài chính trong quá trình triển khai Mobile Money”, đại diện VNPT khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Thí điểm Mobile Money (bài 7): Tiến về cho vay tài chính?
06:00, 22/03/2021
Thí điểm Mobile Money (bài 6): Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp
05:30, 17/03/2021
Thí điểm Mobile Money (bài 5): Chú trọng rủi ro bảo mật thông tin
06:15, 16/03/2021
Thí điểm Mobile Money (bài 3): Bước tiến lớn từ chính sách
06:00, 14/03/2021
Thí điểm Mobile Money (bài 1): Tiền di động bắt đầu động
06:00, 12/03/2021