Thí điểm Mobile Money (bài 6): Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp

NGUYỄN LONG – DIỄM NGỌC 17/03/2021 05:30

Người dân có thể thanh toán hàng hóa, dịch vụ giao dịch trị giá nhỏ mà không cần dùng tới tiền mặt khi sử dụng Mobile Money. Và các doanh nghiệp cũng có cơ hội lớn trong thí điểm.

Mọi người dân đều có cơ hội thanh toán không dùng tiền mặt với mobile money.

Người dân đều có cơ hội thanh toán không dùng tiền mặt với mobile money.

Mở rộng cửa thanh toán phi tiền mặt

2020 là năm cuối cùng triển khai Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn lại giai đoạn phát triển của thị trường với mục tiêu theo Quyết định trên, môi trường thanh toán số của Việt Nam ghi nhận đã liên tục lớn mạnh, với hơn 30 công ty fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán, trong đó có các ví điện tử chiếm số lượng người dùng lên hàng chục triệu người như MoMo, Zalo Pay, AirPay v.v…Cùng với đó là sự phát triển mobile banking của các ngân hàng.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 10 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).

Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt hơn 119 triệu món, giá trị đạt gần 84,3 triệu tỷ đồng (tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý 960,95 triệu món với gần 8 triệu tỷ đồng (tăng 75,19% về số lượng và tăng 110,92% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Thị trường thanh toán theo đó đã ghi nhận sự bùng nổ của các loại hình thanh toán điện tử, thanh toán không tiếp xúc. Tuy vậy, cũng theo lãnh đạo của NHNN, nhiều loại hình cung cấp phương tiện thanh toán như ví điện tử hay mobile banking còn tồn tại một số hạn chế như buộc người dùng phải có phải liên kết với tài khoản ngân hàng, buộc phải có kết nối internet hay mạng di động 3G, 4G để thực hiện giao dịch, khu vực phù hợp triển khai chủ yếu là ở các khu vực thành thị, những vùng truy cập internet dễ dàng với nhiều hình thức.

Vì vậy, còn tạo ra khoảng cách giữa vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo khó tiếp cận các loại hình thanh toán số, hạn chế việc phổ biến thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam. Thí điểm Mobile money, hình thức thanh toán mới này sẽ giải quyết những hạn chế trên. Với số lượng thuê bao điện thoại hơn 130 triệu thuê bao (6/2020), việc triển khai Mobile Money sẽ góp phần cung ứng cho toàn bộ người dân một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện.

Mobile Money có lợi thế khi được dùng để thanh toán các khoản chi nhỏ như mua rau …Câu chuyện ở đây khi triển khai ở vùng sâu vùng xa thì đây là công cụ dễ dàng nhất, bởi ở khu vực này đường truyền mạng internet hay 3G,4G đều kém hơn khu vực đô thị, khó dùng app ví điện tử của các ngân hàng hay các định chế tài chính rất khó vươn tới, nhưng khi dùng sim việc này lại rất dễ” – ông Nguyễn Quang Trung, chuyên gia chuyển đổi số nhận định.

Doanh nghiệp đón cơ hội 

Cũng theo ông Nguyễn Quang Trung, việc cấp phép thí điểm sẽ tạo ra một lợi cực lớn cho các nhà mạng, kỳ thực khi triển khai Mobile Money. Các nhà mạng sẽ có nhiều chức năng thanh toán như một hệ thống ngân hàng và các chức năng thanh toán trung gian sẽ được nhà mạng tận dụng tối đa để đưa vào các dịch vụ của mình. Đây là sẽ cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trước hết là viễn thông, sau nữa là khối thương mại điện tử Việt Nam để có thể thúc đẩy nền kinh tế và làm lành mạnh hóa các phương thức thanh toán.

Hiện tại, ngay khi quyết định cho phép thí điểm Mobile Money được ban hành, Viettel đã sớm có thử nghiệm nội bộ và sẵn sàng cho việc cung cấp dịch vụ đại chúng. Là doanh nghiệp viễn thông có thị phần và liên tục tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, với mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, Viettel khẳng định có đủ năng lực đưa Mobile Money tiếp cận đến cấp xã phường tại các địa phương.

Có lẽ tương lai không xa, đối với người dùng đang sử dụng thuê bao Viettel và mở tài khoản Mobile Money, thì đó sẽ không chỉ còn là nói "theo cách của bạn", mà còn là thanh toán cũng "theo cách của bạn". 

Các nhà mạng đã sẵn sàng triển khai tích hợp mobile money.

Các nhà mạng đã sẵn sàng triển khai tích hợp mobile money.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn Hải, phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT (thuộc Tập đoàn VNPT) - đơn vị triển khai dịch vụ Mobile Money của VNPT, cho biết doanh nghiệp này đang chuẩn bị hồ sơ gửi NHNN để xin thử nghiệm dịch vụ này. Ông Hải cho biết, về kỹ thuật VNPT đã thử nghiệm và sẵn sàng cung cấp dịch vụ, giờ đây chỉ còn chờ cấp phép để triển khai dịch vụ tới người dùng.

Về mặt hạ tầng, VNPT đang sở hữu hơn 1.000 điểm giao dịch; có hơn 10.000 điểm giao dịch của doanh nghiệp đối tác, gần 200.000 điểm kinh doanh dịch vụ cá nhân và hộ gia đình…   sẵn sàng chuyển đổi thành các điểm giao dịch Mobile Money đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng cho dù là ở các khu vực như vùng sâu vùng xa, miền núi hải đảo - những khu vực ưu tiên trước của loại hình tiền di động này. 

Ngoài ra, với kinh nghiệm phát triển ví điện tử VNPT Pay, VNPT đã xây dựng và liên kết được một hệ thống lớn lên đến khoảng 100.000 điểm chấp nhận thanh toán và đang không ngừng mở rộng về cả phạm vi và số lượng.

Đáng chú ý, đại diện của World Bank - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trong một cuộc hội thảo đánh giá tác động của COVID-19 đối với doanh nghiệp (phối hợp cùng VCCI thực hiện), đã có nhận định Mobile Money đã được Chính phủ cho phép thí điểm, là tín hiệu tích cực trong phát huy chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế số của Việt Nam. Mobile Money không chỉ mang đến một loại hình thanh toán tiện lợi, còn có thể mang đến khoản hỗ trợ tài chính nhất định cho người dân. 

Đây có lẽ là một gợi ý quan trọng cho các cách thức triển khai tiền di động ở giai đoạn thí điểm, nhằm thu hút người dân "quen" với loại hình thanh toán mới này cũng như có thêm lợi ích thiết thực ngoài chuyện thanh toán. Và điều đó gợi mở cho sự gắn kết, mở rộng hợp tác giữa các nhà mạng viễn thông, các đơn vị đang có điều kiện để xin được cấp phép thí điểm, với các nhà cung cấp, đối tác trong chuỗi tham gia cung ứng tiện ích cho thanh toán qua tiền di động. Ngân hàng, các công ty tài chính, các nhà cung cấp dịch vụ, bán lẻ, thương mại điện tử... và có thể còn nhiều hơn thế, tại sao không?

Có thể bạn quan tâm

  • Thí điểm Mobile Money (bài 5): Chú trọng rủi ro bảo mật thông tin

    Thí điểm Mobile Money (bài 5): Chú trọng rủi ro bảo mật thông tin

    06:15, 16/03/2021

  • Thí điểm Mobile Money (bài 4): Chống rửa tiền đi từ sim “rác”

    Thí điểm Mobile Money (bài 4): Chống rửa tiền đi từ sim “rác”

    06:20, 15/03/2021

  • Thí điểm Mobile Money (bài 3): Bước tiến lớn từ chính sách

    Thí điểm Mobile Money (bài 3): Bước tiến lớn từ chính sách

    06:00, 14/03/2021

  • Thí điểm Mobile Money (bài 2): Thúc đẩy hệ sinh thái tài chính di động

    Thí điểm Mobile Money (bài 2): Thúc đẩy hệ sinh thái tài chính di động

    06:00, 13/03/2021

  • Thí điểm Mobile Money (bài 1): Tiền di động bắt đầu động

    Thí điểm Mobile Money (bài 1): Tiền di động bắt đầu động

    06:00, 12/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thí điểm Mobile Money (bài 6): Cơ hội lớn cho các doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO