Giải pháp Mobile Money linh hoạt và đáng tin cậy sẽ cho phép phát triển một hệ sinh thái tài chính di động mạnh mẽ trong tương lai.
Với Nghị quyết mới ban hành về triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) của Thủ tướng Chính phủ, điều này dự báo sẽ tạo ra cuộc chạy đua ráo riết giữa các nhà mạng khi cung ứng dịch vụ đến khách hàng trên toàn quốc và cũng là cuộc cạnh tranh với các định chế tại chính khác đang cung ứng dịch vụ thanh toán. Đồng thời, tính khả thi và các giải pháp thúc đẩy Mobile Money cũng là vấn đề đặc biệt được quan tâm trước mắt.
Cạnh tranh trong, ngoài
Theo thống kê đến giữa năm 2020, Việt Nam có 96 triệu dân, nhưng có tới 130 triệu thuê bao di động phủ rộng cả nước. Trong khi đó, mới có khoảng 63% dân số có tài khoản ngân hàng và những người không có tài khoản ngân hàng đều nằm ở các vùng nông thôn xa xôi.
Mức độ phủ sóng của các nhà mạng cũng như các điểm dịch vụ cũng phổ biến hơn, thậm chí hoạt động và hỗ trợ liên tục cho người dân khi cần. Như vậy, có thể thấy, tính khả thi của Mobile Money là hoàn toàn trong tầm ngắm.
Trao đổi với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Trung, chuyên gia chuyển đổi số cho biết, việc tài khoản Mobile Money gắn với sim sẽ đặt nhà mạng vào việc cạnh tranh với các định chế tài chính khác như ngân hàng hay các tổ chức thanh toán trực tuyến. Mobile Money gắn với sim có thể tạo ra một thực thể có lợi thế không chỉ với các nhà mạng mà mà còn với chính người sử dụng, khi nhà mạng có thể áp dụng các khuyến mại đối với dịch vụ này.
“Về cơ bản, tôi cho rằng việc đặt tỷ lệ thanh toán so với tiền mặt 1:1 không phải là vấn đề và thời gian 2 năm là thoải mái để thí điểm với những vùng đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và vươn tới các tỉnh thành, những vùng sâu, vùng xa hơn. Ba nhà mạng hiện được thí điểm Mobile Money là Viettel, Mobifone và VNPT, các đơn vị này đã có kế hoạch, kể các trước đó, bản thân họ cũng đã có ví của riêng mình để triển khai loại hình này. Có lẽ việc sử dụng Mobile Money sẽ được thúc đẩy nhanh trong giai đoạn tới”, ông Trung nhận định.
Trước đó, Tập đoàn Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ và sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel.
Còn theo chia sẻ của đại diện Tổng công ty Truyền thông VNPT, thời điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money cho người dùng tùy thuộc vào thời gian cấp phép của cơ quan chức năng. Hạ tầng, kỹ thuật VNPT đã thử nghiệm và sẵn sàng, chỉ cần được cấp phép là VNPT sẽ cung cấp dịch vụ cho người dùng ngay. Một tháng nữa là khoảng thời gian sớm nhất mà VNPT mong muốn để thực hiện.
Riêng MobiFone vừa mới được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, nên nhà mạng này cũng đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam.
Mobile Money gắn với sim có thể tạo ra một thực thể có lợi thế không chỉ với các nhà mạng mà mà còn với chính người sử dụng
Cũng theo ông Trung, việc dùng Mobile Money có lợi thế khi được dùng để thanh toán các khoản chi nhỏ như mua rau,… với công cụ triển khai dễ dàng nhất, bởi ở những khu vực này đường truyền mạng internet hay 3G, 4G đều kém hơn khu vực đô thị, khó dùng app hay ví điện tử của các ngân hàng. Đây là thách thức mà các định chế tài chính rất khó vươn tới nhưng lại hoàn toàn dễ dàng khi dùng sim vì các cột sóng lắp đặt ở khắp nơi.
Hệ sinh thái Mobile Money
Trò chuyện với phóng viên, một vị chuyên gia đưa ra nhận định rằng, thực chất, Mobile Money là một dạng tiền điện tử thanh toán qua thiết bị di động. Giải pháp Mobile Money linh hoạt và đáng tin cậy sẽ cho phép phát triển một hệ sinh thái tài chính di động mạnh mẽ cho các nhà mạng, tương thích với tất cả các loại điện thoại di động và có thể dễ dàng tích hợp với các hệ thống công nghệ thông tin.
Đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử kết hợp với các dịch vụ tài chính di động sẽ bồi đắp cho nhau và phát triển mạnh mẽ hơn, bằng cách cung cấp cho người dùng sự tiện lợi, hiệu quả và trải nghiệm thực sự theo thời gian thực.
Để thúc đẩy thị trường Mobile Money sẽ bao gồm sự gia tăng số lượng thuê bao di động, các sáng kiến của Chính phủ về một nền kinh tế không dùng tiền mặt và số lượng doanh nghiệp sử dụng thanh toán kỹ thuật số. Với các giải pháp đúng hướng không chỉ hỗ trợ mobile money phủ sóng mà còn có thể giao thoa cùng các định chế tài chính khác. Cụ thể, Mobile Money có thể tạo ra một hệ sinh thái mở trong lĩnh vực tài chính di động bao gồm ba giải pháp phụ như:
Thứ nhất, giải pháp ngân hàng di động, đối với những thị trường không có đủ chi nhánh ngân hàng để đáp ứng nhu cầu địa phương, có thể sử dụng các kênh kinh doanh và cửa hàng dịch vụ hiện có để cung cấp dịch vụ chuyển tiền di động thuận tiện.
Thứ hai, giải pháp thanh toán di động đó là sử dụng nền tảng thanh toán mở, tương thích với nhiều ngân hàng và thương nhân để tạo ra một hệ thống mạng thanh toán rộng lớn cho khách hàng và doanh nghiệp, cung cấp các dịch vụ thanh toán giao tiếp gần và xa thuận tiện.
Thứ ba, giải pháp thị trường di động sẽ sử dụng nền tảng thương mại di động hướng tới tương lai để cung cấp danh mục hàng hóa, hướng dẫn mua sắm, dịch vụ quảng cáo và khuyến mại hàng hóa.
“Thị trường Mobile Money là một đại dương xanh rộng lớn, tạo ra hiệu suất cao trong nền kinh tế kỹ thuật số như hiện nay nếu phát triển đúng hướng. Mặt khác, công tác tuyên truyền về dịch vụ này cũng rất cần thiết, vì bất cứ loại hình nào mới ra đời cũng cần được phổ cập, hướng dẫn, không chỉ để người dân tiếp cận nhanh mà còn để phòng chống những rủi ro, lỗ hổng. Vốn dĩ, liên quan đến tiền luôn luôn phức tạp và có sự nhạy cảm riêng”, vị chuyên gia khẳng định.
Có thể bạn quan tâm