Coolcat vừa đá bóng vừa thổi còi với mô hình “bảo hiểm vốn”

DIỄM NGỌC 23/04/2021 10:00

Không chỉ dùng các chiêu thức cũ, Coolcat còn tạo ra khẩu vị mới mang tên “bảo hiểm vốn” lôi kéo nhiều người nhẹ dạ cả tin sập bẫy.

Chiêu thức cũ

Những năm gần đây, thực trạng lừa đảo mang danh giao dịch tài chính diễn ra tương đối phổ biến, cùng với sự bùng nổ của công nghệ và mức độ sử dụng điện thoại thông minh tăng cao.

Khi đầu tư vào Coolcat app, nhà đầu tư sẽ có thu nhập từ 2 nguồn chính là thu nhập khi giao dịch và nhận hoa hồng đại lý

Khi đầu tư vào Coolcat app, nhà đầu tư sẽ có thu nhập từ 2 nguồn chính là thu nhập khi giao dịch và nhận hoa hồng đại lý

Bên cạnh đó, làn sóng tăng giá của Bitcoin, Vàng, Chứng khoán,... mà những người trong ngành gọi là xu hướng “up trend”, cũng thúc đẩy nhiều người có ham muốn được đầu tư "làm giàu chỉ trong một đêm". Từ đây, mở thêm ra nhiều loại hình kiếm tiền qua mạng nghe rất đơn giản, dễ dàng nhưng thực chất là những cạm bẫy khôn lường. Cú sập của Coolcat vừa qua tiếp tục viết thêm về một kịch bản lừa đảo mới, làm đắng lòng người.

Theo đó, Coolcat được giới thiệu là công ty cung cấp các sản phẩm đầu tư đa dạng cho các nhà đầu tư trên toàn cầu và hiện đã thành lập nhiều văn phòng tại các quốc gia trong khu vực châu Á, châu Âu cũng như khác khu vực khác. Sản phẩm giao dịch chính của Cool Cat bao gồm vàng, Bitcoin, USD,… Được ủy quyền và quản lý bởi Ủy ban chứng khoán Bahamas (SCB) Mã: SIA-F212.

Coolcat app thực chất là sàn giao dịch thuộc tập đoàn Ruimei-global có trụ sở tại Anh và có chi nhánh tại châu Á đặt tại Hàn Quốc. Cho phép nhà đầu tư nạp tiền từ chính quốc gia đó để giao dịch vàng, Bitcoin, USD. Đảm bảo mức lợi nhuận cho nhà đầu tư từ 10-30% mỗi ngày và bảo hiểm 100% vốn.

Thông tin trên Ruimei Global cho hay, Coolcat đã hoạt động hơn 5 năm và có hơn 6 triệu thành viên. Khi đầu tư vào Coolcat app, nhà đầu tư sẽ có thu nhập từ 2 nguồn chính là thu nhập khi giao dịch và nhận hoa hồng đại lý.

Phương thức rất đơn giản, nhà đầu tư chỉ cần nạp tiền vào và giao dịch, sẽ có lợi nhuận sau mỗi lần giao dịch khi chiến thắng. Khi giao dịch trên Coolcat app, nếu thắng, người tham gia nhận được 75% tiền thắng, 10% phí giao dịch với sàn và 15% đóng phí bảo hiểm.

Trong trường hợp thua lỗ 6 lệnh liên tiếp và gửi yêu cầu đến bên bảo hiểm thì sẽ nhận lại 100% số tiền đã giao dịch thua trước đó. Như vậy, khi giao dịch thắng người chơi sẽ nhận được tiền và khi thua hoàn toàn không mất tiền. Câu hỏi đặt ra là số tiền được hoàn trả khi thu lấy lấy từ đâu? Phần lớn mọi người quan tâm đến lợi nhuận, khả năng sinh lời và bảo lãnh rủi ro, nhưng không ai phân tích xem điều này có hợp lý.

Ngoài ra, khi giới thiệu được thành viên mới tham gia, nhà đầu tư sẽ nhận được hoa hồng mà không cần bỏ tiền để đầu tư vào đây. Không giới hạn số lượng thành viên của mỗi cấp độ đại lý.

Giả thiết, người tham gia đầu tiên mời được thêm một người A, sau đó người A mời thêm B, B mời thêm C thì người đầu tiên đó sẽ nhận được hoa hồng cấp 1 của A; nhận hoa hồng cấp 2 của B và cấp 3 của C. Tương tự, A nhận hoa hồng cấp 1 của B, nhận hoa hồng cấp 2 của C và B nhận hoa hồng cấp 1 của C.

Đồng thời, khi người tuyến dưới nạp tiền vào tài khoản lần đầu tiên thì ngay lập tức người tuyến trên giới thiệu trực tiếp sẽ nhận được 80.000 đồng, số tiền nhận này không có giới hạn. Khi tài khoản của tuyến dưới có số dư thì mỗi ngày tuyến trên sẽ nhận 0,2% hoa hồng.

Theo chia sẻ, một nhà đầu tư giấu tên tại Vĩnh Phúc cho biết, chị và cả khu đã nhiều lần mất tiền qua các app tài chính như My Aladinz, Bigbuy24h,... đến nay là Coolcat, nhưng thực sự không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của nó. CoolCat vẫn sử dụng công thức chung của nhiều dự án là tiếp thị hoành tráng, khoe lãi rút tiền, tổ chức hội thảo, kể những câu chuyện thành công, thậm chí nói dối về uy tín …khiến cho người ban đầu không tin cũng phải tin.

Chúng tôichỉ nghĩ là bỏ một số tiền nhỏ đầu tư, coi như trứng bỏ nhiều giỏ, khi nào hoàn vốn và có chút lãi sẽ rút ra. Nhưng rồi cứ mời được người nọ người kia, nhận hoa hồng, rồi thành làn sóng, đến khi muốn ngừng không ngừng được. Bây giờ mất tiền cũng không biết khiếu nại đến ai, thậm chí ảnh hưởng đến các công việc và các mối quan hệ khác, trong khi cùng là mất tiền như nhau”, nhà đầu tư nói.

Khẩu vị mới

Theo các chuyên gia phân tích, sàn giao dịch tài chính nói chung và sàn giao dịch ngoại hối nói riêng luôn luôn tiềm ẩn rủi ro khi đầu tư. Riêng tại Coolcat thì được bảo hiểm vốn 100%, đây rõ ràng là một cách mới để câu dẫn, lôi kéo người tham gia.

Không chỉ dùng các chiêu thức cũ, Coolcat còn tạo ra khẩu vị mới mang tên “bảo hiểm vốn” lôi kéo nhiều người nhẹ dạ cả tin sập bẫy

Không chỉ dùng các chiêu thức cũ, Coolcat còn tạo ra khẩu vị mới mang tên “bảo hiểm vốn” lôi kéo nhiều người nhẹ dạ cả tin sập bẫy

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Sĩ Hoàng, chuyên gia blockchain cho biết, trong các kênh đầu tư tài chính vẫn có các hoạt động bảo hiểm vốn. Theo đó, bảo hiểm vốn là một “trò chơi xác suất” mà cơ bản sẽ luôn tồn tại 3 thành phần chủ chốt bao gồm: Thứ nhất là người mua bảo hiểm, là những người muốn bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro khi tham gia giao dịch, nếu xảy ra sự cố, họ sẽ được bồi thường theo hợp đồng đã được mã hóa sẵn trong hệ thống.

Thứ hai là người bảo hiểm, những người tin tưởng vào các hệ thống hay sản phẩm và sẵn sàng bỏ tiền ra để bảo hiểm cho những người khác. Khi người mua bỏ tiền ra mua bảo hiểm, số tiền này sẽ được chia cho những người bảo hiểm này.

Thứ ba là giao thức bảo hiểm, là bên đánh giá và đưa ra các loại hình bảo hiểm trong hệ thống của họ.

Trường hợp của Coolcat cũng xây dựng một mô hình tương tự và gieo niềm tin cho khách hàng về việc sẽ được bảo lãnh vốn với các khoản phí vô cùng nhỏ. Tuy nhiên, việc có đảm bảo các thành phần theo đúng nguyên tắc và giao thức bảo hiểm hay không thì không có ai kiểm chứng. Phải chẳng Coolcat đã “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong câu chuyện này? Sau khi thu hút được một lượng lớn người tham gia với số tiền huy động khổng lồ thì đánh sập hệ thống”, ông Hoàng phân tích.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Công an đã nhiều lần cảnh báo về mô hình hoạt động của các sàn đầu tư tài chính, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi lẽ, mọi giao dịch của người tham gia đều thông qua tài khoản được mở trên hệ thống Internet mà không có cơ quan quản lý tại Việt Nam cấp phép, trong trường hợp nếu có các vấn đề rủi ro liên quan đến hệ thống, thì kết quả đầu tư của người tham gia đều không được đảm bảo.

Mặt khác, nhà đầu tư còn bị những rủi ro khác khi tham gia các sàn đầu tư tài chính kiểu này như bị lừa đảo do sàn huy động vốn trái phép bằng cách sửa lệnh hệ thống, nhà đầu tư nghĩ là mình đang đầu tư theo lệnh thị trường, song thực tế là đánh với sàn, luôn luôn bị sàn cho thua, hoặc thậm chí khi số người tham gia nộp tiền đủ nhiều, sàn cũng sẽ tự… biến mất.

Các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng hình thức đầu tư kinh doanh, mô giới, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì khi có đầy đủ chứng cứ cũng sẽ bị xử lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Lừa đảo tài chính ngày càng nhiều

    Lừa đảo tài chính ngày càng nhiều

    10:00, 19/08/2020

  • Từ lừa đảo tài chính Ponzi đến các app thần kỳ thời 4.0 (kỳ cuối)

    Từ lừa đảo tài chính Ponzi đến các app thần kỳ thời 4.0 (kỳ cuối)

    14:11, 17/06/2020

  • Từ lừa đảo tài chính Ponzi đến các app thần kỳ thời 4.0 (kỳ 3)

    Từ lừa đảo tài chính Ponzi đến các app thần kỳ thời 4.0 (kỳ 3)

    08:08, 17/06/2020

  • Từ lừa đảo tài chính Ponzi đến các app thần kỳ thời 4.0 (kỳ 2)

    Từ lừa đảo tài chính Ponzi đến các app thần kỳ thời 4.0 (kỳ 2)

    20:01, 16/06/2020

DIỄM NGỌC