Ngân hàng Mỹ "mở cửa" với tiền điện tử?
Sự gia tăng khủng khiếp về giá trị của các loại tiền điện tử và sự tham gia của Paypal, Tesla, Mastercard, Facebook… , đã khiến nhiều ông lớn trong ngành tài chính Mỹ phải suy nghĩ lại.
Theo CNBC, hàng trăm ngân hàng tại Mỹ sẽ hợp tác với một quỹ đầu tư tài sản kỹ thuật số để cung cấp giao dịch bằng Bitcoin trong vài tháng tới.
Quỹ đầu tư NYDIG và công ty tài chính FIS đạt thỏa thuận cung cấp dịch vụ trao đổi bằng tiền mã hóa thông qua nhiều ngân hàng tại Mỹ. Khách hàng có thể mua, lưu trữ và bán Bitcoin bằng tài khoản hiện tại.
Đây là bước đi quan trọng, hướng đến việc tài sản mã hóa này được chấp thuận như một loại tiền tệ.Theo thỏa thuận giữa các bên, FIS sẽ xử lý liên kết với người cho vay, trong khi NYDIG chịu trách nhiệm lưu ký Bitcoin và thực hiện giao dịch.
Vậy việc các ngân hàng Mỹ bắt đầu quan tâm đến tiền điện tử nhiều hơn đã nói lên điều gì?
Liên quan đến vấn đề này phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Đinh Hồng Sơn – Tổng giám đốc FinanceX.
- Theo ông tín hiệu từ các ngân hàng Mỹ có thể hiện quan điểm “cởi mở” hơn của các ngân hàng Mỹ với tiền điện tử không thưa ông?
Thực tế Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới từ năm 2013 đã có pháp lý rất chặt chẽ cho tiền điện tử. Các ngân hàng lớn tại đây như JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Morgan Stanley… từ lâu đã nhìn ra tiềm năng lớn của loại tiền này.
Bên cạnh các quốc gia đã cho phép ứng dụng khá rộng rãi tiền điện tử như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Liên minh Châu âu… thì tiền điện tử đã được công nhận là tiền hợp pháp theo đúng nghĩa của nó tại Mỹ vào tháng 9/2016.
Có thể nói rằng, với giá trị vốn hóa đã bằng 1/5 giá trị vốn hóa của vàng (10 nghìn tỷ USD) trên thế giới thì không có lý do gì các ngân hàng không coi đó là miếng bánh ngon và sẵn sàng lao vào cuộc chơi mới này.
Việc họ cởi mở hơn là điều dễ hiểu và tôi cho rằng tới đây thôi sẽ có nhiều các hoạt động rầm rộ hơn để đưa tiền điện tử vào danh mục đầu tư quan trọng của các ngân hàng tại Mỹ.
- Tiền điện tử trong thời gian qua đang có những biến động mạnh khi thay vì đi theo xu hướng tăng – giảm của đồng Bitcoin, nhiều đồng tiền khác lại có xu hướng “độc lập” hơn ví dụ ETH. Liệu việc chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa có tạo nên một đợt biến động tăng giá trên thị trường?
Ở đây có hai vấn đề cần quan tâm: Một là, đa phần các nước không cấm giao dịch, mua bán, lưu trữ tài sản số như tiền điện tử, công nhận nó là tài sản được phép nắm giữ còn lại phần lớn chưa công nhận hoặc không cho phép người dân được dùng tiền điện tử làm phương tiện thanh toán.
Hai là, tính biến động lớn của thị trường tiền điện tử thoạt nhìn thì dễ bị phản ứng và cho rằng rủi ro cao, không ổn định, khi mà giá trị của một loại tiền như Bitcoin được ví như Vàng cũng có thể dao động 30% giá trị trong vòng 15-20 phút. Tuy nhiên, đây lại chính là điều làm nên tính hấp dẫn của thị trường này.
Thực tế, giai đoạn tiền điện tử rơi vào trạng thái ít biến động “Sideway” không nhiều, đặc điểm của các loại tiền phi tập trung là biến động liên tục và biên độ dao động lớn.
Từ cuối năm 2020 đến nay, thị trường đang ghi nhận và được dự báo sẽ có xu hướng tăng dài hạn, Bitcoin vẫn là nhân vật số 1 với giá trị vốn hóa luôn lớn hơn 60% tổng vốn hóa thị trường. Bitcoin vẫn luôn và mãi mãi là vàng trong thế giới tiền điện tử.
Tuy nhiên, khi mà xu hướng DeFi xuất hiện và phát triển mạnh vào đầu năm 2021 thì Ethereum (ETH) đã dần đi vào quỹ đạo riêng của nó với khả năng tăng trưởng và độc lập với giá Bitcoin rất cao. Đã có rất nhiều nhà đầu tư lớn bắt đầu chuyển từ lưu trữ Bitcoin sang ETH vì nhìn ra tiềm năng và khả năng phát triển bền vững của loại tiền này.
Bên cạnh xu hướng DeFi làm nóng thị trường, thì theo thời gian, cứ mỗi một quốc gia, một vùng lãnh thổ nào đó cho phép dùng tiền điện tử làm phương tiện thanh toán chính thức sẽ là chất xúc tác khiến cho tiền điện tử ngày một tăng giá và tạo vị thế mới trên thị trường tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng việc tăng giá vì nguyên nhân này sẽ không cao trừ khi các quốc gia lớn đồng loạt xây dựng hành lang pháp lý và cho phép ứng dụng rộng rãi tiền điện tử trong đất nước họ.
- Thanh toán bằng tiền điện tử mang yếu tố ẩn danh, tuy nhiên khi cho phép vào giao dịch ngân hàng lại quy định phải định danh rõ ràng. Liệu việc các ngân hàng Mỹ tiến tới cho phép thanh toán bằng tiền điện tử có mâu thuẫn nhau không thưa ông?
Người ta hay đưa ra tiêu chí ẩn danh như một lợi thế lớn của tiền điện tử nhưng trên thực tế nó không hẳn là thứ người giao dịch quan tâm, cái người nắm giữ và đang tham gia thị trường này cần đó là lợi ích của họ, tính tiện ích, nhanh gọn, phi tập trung và đặc biệt sinh lời cao là những thứ đem đến sự hấp dẫn lớn cho nhà đầu tư.
Hơn thế nữa, ngoài các hình thức giao dịch như “chợ đen” thì các phương pháp truyền thống khi giao dịch trên các sàn tại Mỹ như Coinbase người giao dịch vẫn cần KYC, một khi bạn đã KYC thì nó cũng không còn ẩn danh thực sự nữa cho nên việc các ngân hàng Mỹ cho phép thanh toán bằng tiền điện tử hoàn toàn không mâu thuẫn với những gì các nhà đầu tư tiền điện tử đang dùng và kỳ vọng.
Không một quốc gia nào cho phép bạn sử dụng tiền để thanh toán dịch vụ mà không biết chủ thể tiền đó là ai nếu như bạn muốn loại tiền mà bạn dùng được pháp luật công nhận.
- Khi hàng trăm ngân hàng nhỏ tại Mỹ chấp nhận Bitcoin, các ông lớn như JPMorgan Chase và Bank of America sẽ đối mặt với áp lực cung cấp dịch vụ tương tự. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Hiện tại top 10 ngân hàng lớn tại Mỹ đang rất nghiêm túc nghiên cứu và sớm muộn sẽ đưa tiền điện tử vào danh mục giao dịch của họ, vừa là miếng bánh vừa là để giải quyết nhiều vấn đề trong giao dịch và trao đổi tiền tệ.
Trên thực tế trước đây, các ngân hàng nói riêng và các chính phủ nói chung thường tập trung vào phát triển và ứng dụng nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) hơn là tiền điện tử.
Tuy nhiên, gần đây sự gia tăng khủng khiếp giá trị của các loại tiền điện tử và một loạt các hãng lớn ngay chính tại Mỹ tham gia như Paypal, Tesla, Mastercard, Facebook… đã khiến các ông lớn trong ngành tài chính Mỹ phải suy nghĩ lại.
Hiện tại, tôi không nghĩ các ngân hàng nhỏ của Mỹ sẽ đi trước các ngân hàng lớn trong vấn đề tiền điện tử mà chính các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Bank of America hay Goldman Sachs sẽ làm điều này và dẫn dắt thị trường.
Đối với một quốc gia chặt chẽ về pháp lý như Mỹ sẽ không có ngân hàng nào dám đi sai, đi trước trước khi các chính sách chính thống được ban hành và một khi các ngân hàng lớn này thực sự công nhận và vào cuộc, thì đó là lúc tôi tin rằng thị trường tiền điện tử sẽ bắt đầu sang một trang mới.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm