Hậu siêu sáp nhập, Gojek sẽ tính kế "sinh tồn" qua ví điện tử?
Gojek sau khi sáp nhập Tokopedia rất có thể sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam. Bởi trước đó, doanh nghiệp này đã thâu tóm ví điện tử WePay.
Miếng bánh còn lớn
Ví điện tử luôn luôn là một miếng bánh mà rất nhiều công ty toàn cầu muốn nhảy vào Việt Nam, vì 2 lý do: Thứ nhất, số lượng người dùng internet và sử dụng điện thoại để truy cập internet là rất lớn so với khu vực. Thứ hai, tỷ lệ người dân sử dụng ví điện tử ở Việt Nam còn khá thấp so với Indonesia và Malaysia, khi các quốc gia này thường dùng thanh toán bằng thẻ, không dùng tiền mặt đã rất phổ biến. Trong môi trường hiện tại, với việc Gojek mua lại Tokopedia, tăng sức mạnh hệ sinh thái khi vừa phát triển thương mại điện tử, vừa thúc đẩy giao hàng vận chuyển nhanh - 2 mảng đều có nhu cầu thanh toán điện tử cao, điều đó sẽ đặc biệt có tác dụng thúc đẩy việc triển khai ví điện tử mạnh hơn nữa của Gojek Việt Nam.
Ví điện tử có vai trò như cầu nối, dẫn dắt người dùng đến với trải nghiệm các dịch vụ khác. Việc mua bán và sử dụng dịch vụ thông qua ví mà hễ doanh nghiệp có nền tảng, phát triển được ước khoảng 100.000 người hoặc 1 triệu người dùng thì nhiều khả năng, doanh nghiệp đó sẽ khiến người dùng chạm được đến các dịch vụ khác.
Bởi vì, khi họ đã dùng ví đó rồi và hình thành thói quen, sẽ dẫn đến sử dụng các dịch vụ khác trên ví điện tử. Ví dụ khi sử dụng ví điện tử, người dùng có thể vừa đi lại, vừa mua sắm rất dễ dàng. Nguyên tắc "dẫn dắt" này sẽ quyết định phần nào thắng thua của các Fintech trong mảng ví điện tử, chứ không hẳn họ hơn thua nhau về suất đầu tư và khả năng đổ tiền "nuôi ví". Hay nói cách khác khả năng quyết định thành công của các Fintech ví điện tử, chính là câu chuyện ở đằng sau, là nền tảng mà họ cần có.
Nền tảng này có thể hình dung bao gồm:
Thứ nhất, năng lực công nghệ để đơn giản cách thức thanh toán, hỗ trợ một cách nhanh nhất và chạm được nhiều được nhiều người dùng nhất. Điều này có thể thấy ở Grab kết hợp với ví điện tử Moca và họ đã đẩy mạnh thêm nhiều dịch vụ như cung cấp đồ ăn, chuyển hàng. Theo đó, siêu app này hiện đang chiếm thị phần không nhỏ. Dù vậy, miếng bánh thị trường thanh toán ví còn lại rất lớn và sự cạnh tranh cũng rất cao khi thị trường có tới khoảng 40 nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử đang phục vụ.
Thứ hai, năng lực tạo dựng thói quen của người dùng. Có thể thấy hiện lượng người sử dụng ví điện tử mới chỉ tập trung ở các thành phố lớn, nhưng các thị trường các tỉnh, thành phố nhỏ thì chưa phát triển bằng. Do đó, đơn vị nào phát triển được dịch vụ tạo thói quen cho người dùng ở khu vực này thì người dân chắc chắn sẽ sử dụng nhiều hơn trong thanh toán; và như vậy miếng bánh sẽ xẻ dần cho đến khi việc thanh toán qua ví được phổ cập, bão hòa.
Chiếm lĩnh thị trường hay là “chết”?
Đáng chú ý, trong câu chuyện thanh toán qua ví điện tử cũng như thanh toán sử dụng Mobile Money, khi người dùng và độ phủ của sản phẩm ví định hình dịch vụ của 3 nhà cung cấp dịch vụ lớn, thì đến đơn vị thứ 4 lại gần như mất vị thế.
Grab và Gojek là những đơn vị đã thành công ở thị trường Indonesia. Dòng tiền của họ đang tốt hơn những công ty trong nước. Về cơ bản, cũng chưa thể khẳng định có cạnh tranh lại được thị trường nội hay không nhưng cơ hội dành “miếng bánh” thị phần là rất lớn, dù rằng như đã nói ở trên, "từ khóa" thành công không hẳn nằm ở chuyện "đốt tiền" nhiều hay ít.
Trong câu chuyện cạnh tranh của Gojek để chiếm thị phần ví điện tử, thực tế họ là kẻ đi sau rất nhiều so với Grab, hay các ví điện tử khác ở Việt Nam. Họ chỉ mới mua lại Wepay từ 2020 và nền tảng thanh toán này cũng chưa nằm trong top đầu nổi bật. Bản thân Gojek không có gì quá đặc biệt so với Grab. Do đó, phải xét đến việc họ tiến vào Việt Nam và xác định thị trường hướng tới là thị trường ngách hay trực tiếp đối đầu với Grab?
Gojek rất có thể sẽ đi theo hướng thay đổi bộ nhận diện, nâng cao trải nghiệm của người dùng, lấy người dùng làm trung tâm. Với tiêu chí lấy người dùng làm trung tâm, bản thân Grab cũng chưa hoàn thiện. Còn Gojek nếu làm dịch vụ và trải nghiệm tốt hoặc bằng Grab bây giờ thì họ cần phải giảm chi phí cho đối tác thấp hơn so với Grab, và Grab sẽ phải canh chừng.
Bởi người dùng Việt Nam rất thực tế, họ chỉ cần thấy dịch vụ nào dùng tốt, chi phí rẻ, họ sẽ chuyển rất nhanh sang nền tảng đó. Người dùng Việt Nam có tốc độ dịch chuyển về mặt công nghệ không hề chậm. Có thể thấy trong dịch COVID-19, khi học sinh phải học online, từ cấp tiểu học trở lên, việc ứng dụng công nghệ để học online chỉ mất 1-2 tháng để có thể thích nghi và tự học tập. Đó chính là lí do, là cơ hội cho Gojek phải thay đổi nếu muốn chiếm lĩnh thị trường.
Nhưng để đột phá là rất khó. Gojek hoàn toàn có thể tăng mức độ hoàn thiện dịch vụ và trải nghiệm của người dùng. Tăng thế nào còn phụ thuộc cách thức Gojek triển khai ở thị trường Việt Nam và cách hành xử với người dùng ở Việt Nam như chế độ đãi ngộ so với Grab.
Grab là một công ty toàn cầu, do đó, họ sẽ có chiến lược để cải thiện những vấn đề dịch vụ. Thực tế, họ là một doanh nghiệp thường xuyên nâng cấp trải nghiệm người dùng. Đồng thời không ngừng phát triển thêm nhiều trải nghiệm dịch vụ khác.
Và khi Grab và Gojek đối đầu, họ sẽ đưa ra thêm nhiều dịch vụ cho người dùng lựa chọn đâu là sản phẩm phù hợp với mình. Bên cạnh đó, lựa chọn chiến lược khai thác lượng khách hàng thân thiết cũng là một hướng đi. Thêm các coupon, giảm giá cho khách hàng thân thiết, chế độ đãi ngộ khác...là những cách thức chung.
Vì vậy, cuộc cạnh tranh sinh tồn của Gojek với Grab tại thị trường Việt Nam, nơi mà Grab đang nắm 75% thị phần dịch vụ vận chuyển, giao nhanh và có ví điện tử Moca mà họ tham gia đầu tư đang đi trước Wepay của Gojek, thì câu chuyện sẽ vừa là năng lực xoay sang tốc độ triển khai của đơn vị nào nhanh hơn và có cơ chế bảo vệ, quản lý khách hàng tốt hơn, vừa là kết hợp với nền tảng thanh toán đơn giản, hiệu quả, lợi ích hơn. Đơn vị làm tốt thì sẽ thắng.
Về mặt công nghệ, với các doanh nghiệp thanh toán ví, đến nay đã không còn đột phá. Có thể nói là mọi thứ đã được phơi bày. Vì vậy nhấn mạnh lại bên cạnh nguồn vốn lớn, vẫn là doanh nghiệp nào đủ khả năng để chạm vào thị trường có lượng người dùng lớn, thì sẽ bứt phá.
Ngược lại, khi doanh nghiệp nào không còn đủ sức chạy đua, không còn sức để tồn tại, xu hướng M&A là không thể tránh khỏi.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch Ví điện tử SmartPay: Không phải bạn hay tôi, người trẻ sẽ quyết định tương lai thanh toán số của Việt Nam!
11:00, 24/03/2021
Lắc lì xì online - “Tuyệt chiêu” lôi kéo người dùng của ví điện tử
13:00, 02/02/2021
Ví điện tử Việt Momo lên kế hoạch “siêu ứng dụng”
20:58, 18/01/2021
Nam A Bank liên kết cùng ví điện tử AppotaPay
15:53, 13/01/2021