Hơn 2 năm ở Việt Nam, trong mỗi sự kiện của SmartPay – Ví điện tử của Công ty TNHH Mạng Lưới Thông Minh (SmartNet), ông đều xuất hiện đầy lạc quan khi nói về tương lai của thanh toán số...
- Chính thức phát triển tại Việt Nam chưa lâu, nhưng SmartPay đã trở thành một thương hiệu ví điện tử lớn trên thị trường. Nhìn lại quãng thời gian đã qua, đâu là thành quả đáng nhớ với ông?
Ông Marek Eugene Forysiak: Để có được một chứng nhận và xuất hiện trên thị trường Việt Nam là không dễ, nhưng chúng tôi đã thực hiện điều này thành công trong năm 2019. Trong gần 2 năm qua, với kế hoạch đạt triệu người dùng (users) sử dụng ví điện tử SmartPay, chúng tôi đã đạt mục tiêu đề ra ban đầu.
Nếu tháng 12/2019, chúng tôi chỉ có khoảng 50.000 lượt giao dịch (transactions)/ tháng, thì đến tháng 12/2020, con số này đã lên đến gần 3 triệu giao dịch/ tháng. Có nghĩa là chúng tôi không chỉ đã đạt được mục tiêu thu hút người dùng, mà quan trọng hơn là người dùng cảm thấy thích thú và gắn bó lâu với SmartPay.
Trọng điểm trong kế hoạch kinh doanh của SmartPay là phát triển mạng lưới tiểu thương, nhà bán hàng nhỏ lẻ. Thực tế, chỉ trong vòng gần 2 năm qua, chúng tôi đã phát triển được hơn 600.000 điểm bán hàng.
- 600.000 tiểu thương mà SmartPay đã kết nối, liệu có sự trùng lắp khách hàng cùng các đơn vị thanh toán ví điện tử khác?
Tôi nghĩ rằng, khi thị trường trung gian thanh toán phát triển, nhiều đơn vị tham gia vào đường đua này thì tất nhiên sẽ có sự trùng lắp, nhưng SmartPay chọn tập trung chính vào người bán lẻ, tiểu thương. Và điều này đã không tạo nên sự trùng lặp, hay nói cách khác là tạo ra sự khác biệt của SmartPay.
- Ông từng chia sẻ rằng, SmartPay gặp nhiều thách thức chọn đối tượng hỗ trợ chính là tiểu thương. Vậy tại sao đến giờ, SmartPay vẫn kiên trì đi trên con đường đầy khó khăn, chông gai như vậy?
Hiện tại, theo thống kê, cả nước có khoảng từ 4 đến 5 triệu tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể và SmartPay chỉ chiếm 10% phân khúc khách hàng này. Mục tiêu của SmartPay vào cuối năm 2021 là sẽ chiếm 25% thị phần và kì vọng trong vòng 3-5 năm tới SmartPay sẽ chiếm 50% phân khúc này.
Nhóm khách hàng tiểu thương, mSME đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Mỗi năm, họ đóng góp đến 50% trong tổng giao dịch thương mại bán lẻ của Việt Nam với giá trị hơn 100 tỷ USD. Chúng tôi tin rằng, trong 5-10 năm tới, mSME sẽ là động lực quan trọng tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
- SmartPay đã có những chương trình gì để hỗ trợ và giúp khách hàng mSME sẵn sàng tiếp cận cái mới, cởi mở hơn?
Để tiểu thương, nhà bán hàng nhỏ lẻ trở thành đơn vị chấp nhận thanh toán, chúng tôi đã triển khai rất nhiều chương trình nhằm khuyến khích sự tương tác giữa người dùng và nhà bán hàng. Trước đây, trong tệp khách hàng của hệ sinh thái tài chính số, các nhà bán lẻ, tiểu thương chưa được chú trọng. Còn với SmartPay, họ dễ dàng tham gia vào hệ sinh thái tài chính công nghệ và trở thành những “chiến binh” trong hệ sinh thái đó.
Khi phát triển được lượng khách hàng tiểu thương này, rõ ràng SmartPay đã hiểu họ hơn, lượng giao dịch họ thực hiện, lượng khách hàng của họ là những ai và họ đang ở đâu để có thể mang đến những nền tảng, giải pháp, bao gồm những dịch vụ tài chính cụ thể cho các nhóm khách hàng này.
Hiện tại, trên một “mặt phẳng” công nghệ, người bán lẻ tiểu thương của SmartPay không chỉ tiếp cận được khoản tiêu dùng nhất định từ Đối tác của chúng tôi, mà họ còn có thể chủ động tạo ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại, khuyến khích khách hàng đến với họ nhiều hơn... Tất cả đều được thực hiện trên một ứng dụng SmartPay.
Chẳng hạn, chúng tôi vừa ra mắt gói “Tiêu dùng thông minh” trong tháng 3 này. Đối tác tham gia đồng hành cùng SmartPay trong chương trình là FE Credit, Công ty tài chính của VPBank. Sản phẩm này bao gồm thẻ tiêu dùng đa năng phi vật lý có hạn mức từ 1-3 triệu đồng và gói siêu ưu đãi thanh toán tiêu dùng hàng ngày. Với gói “Tiêu dùng thông minh” này, SmartPay mong muốn khuyến khích người dùng có thể mua sản phẩm, dịch vụ ở tất cả các điểm chấp nhận thanh toán của SmartPay là các tiểu thương, nhà bán hàng nhỏ lẻ và thực hiện thanh toán các hóa đơn, chi tiêu hàng ngày trên nền tảng thanh toán số. Điểm đặc biệt của chiếc thẻ đa năng là lãi suất 0% đến trọn đời, miễn phí thường niên và khách hàng có cơ hội nâng cấp lên thẻ vật lý với hạn mức đến 60 triệu đồng sau 3 tháng sử dụng.
Với chiếc thẻ đa năng hạn mức ban đầu từ 1-3 triệu đồng, tuy nhỏ nhưng chính là yếu tố để giữ chân người dùng sử dụng mỗi ngày và theo đó trong tương lai người dùng sẽ rất quen thuộc với thanh toán không tiền mặt.
- Lãnh đạo của một ngân hàng chú trọng khai thác nhóm khách hàng tiểu thương có nói rằng khi họ tiếp cận khách hàng mSME trong dịch, do không bán được hàng nên nhóm khách hàng này rất hào hứng, nhưng khi hết dịch, họ lập tức quay lại các phương thức kinh doanh và thanh toán truyền thống theo thói quen cũ…
Hiện tại, mô hình phát triển về thương mại mới đang có sự phân hóa theo hướng: Các mSME đã bắt đầu cập nhật và duy trì thói quen thanh toán số, sử dụng ứng dụng công nghệ để kinh doanh, thanh toán. Còn các nhóm mSME nhỏ hơn, họ đang ở trong tình thế nếu không hội nhập xu hướng, họ có nguy cơ tụt lại hoặc thua thiệt và rời khỏi thị trường.
Theo quan sát của tôi, thanh toán không tiền mặt sẽ được ưa chuộng trong vòng 3-5 năm tới do tốc độ phát triển của ngành thương mại điện tử. Điều đó cũng sẽ khiến các tiểu thương phải quyết định họ sẽ sử dụng phương thức kinh doanh thanh toán nào khi khách hàng, người mua sẽ không còn muốn đến cửa hàng hoặc đến cửa hàng thì cũng sẽ không mang theo tiền mặt. Khách hàng hiện tại đã quá dễ dàng ngồi một chỗ vẫn được vận chuyển hàng, thức ăn đến tận nơi. Do đó, các tiểu thương phải thay đổi. Sứ mệnh SmartPay chúng tôi có mặt lúc này chính là để giúp họ, hướng dẫn họ nhanh chóng nắm bắt thanh toán không tiền mặt và tiến tới “contactless” (không dùng tiền mặt một cách tối đa nhất) để hòa nhập với xu hướng tương lai.
- Một câu hỏi có lẽ khá quen với ông là vậy tiền di động có cạnh tranh với ví điện tử, khi người dùng tiền di động không cần tài khoản ngân hàng? Và Mobile Money thì đã chính thức được thí điểm…
Dưới góc độ của tôi, thực sự đây là điều hết sức tích cực cho thị trường. Rõ ràng chúng ta thấy, Chính phủ và các tổ chức, công ty như SmartPay đang nỗ lực để người dân, người dùng “contactless” – không dùng tiền mặt một cách tối đa nhất. Mobile Money là một trong những giải pháp cho điều đó. Nhưng tôi nghĩ, dù cho tất cả các ví điện tử, nhà mạng viễn thông,… có làm gì thì đều nhắm đến đích là thanh toán không tiền mặt.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã rất sẵn sàng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, điều chỉnh các quy định để các loại hình thanh toán số phát triển. Khi Chính phủ hỗ trợ như vậy, trong cuộc cạnh tranh lớn để cùng giảm thiểu sự phụ thuộc thanh toán tiền mặt, các doanh nghiệp đều sẽ cố gắng để thay đổi thị trường. Và đây chính là động lực để thị trường thanh toán tiến đến thanh toán số của Việt Nam sẽ không có nguy cơ quay ngược lại như trường hợp của Ấn Độ.
Tin rằng, khi Mobile Money phát triển, chúng tôi cũng đã phát triển và tất cả sẽ cùng nhau đóng góp cho thị trường này.
-Theo ông, cần có thêm những yếu tố gì để Việt Nam sớm tiến tới kinh tế số, kinh tế không tiền mặt?
Hiện tại, NHNN đã đưa ra nhiều quy định để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số vấn đề như việc chuẩn hóa QR Code, tất cả các công ty doanh nghiệp thanh toán điện tử trên thị trường đều chưa có sự chuẩn hóa. Điều này ảnh hưởng khá lớn trong việc kết nối giữa các bên. Tôi tin rằng, nếu việc chuẩn hóa hoàn tất và thông qua thì đây sẽ là lợi ích rất lớn, có ý nghĩa đáng kể thúc đẩy công nghệ số trên thị trường. Điều này cũng sẽ giúp cho việc kết nối giữa các công ty trở nên dễ dàng hơn. Các đơn vị cũng không phải mất thời gian để phát triển công nghệ, mà thay vào đó sẽ đầu tư cho các giải pháp có giá trị lớn hơn.
Ngoài ra, nếu thiếu sự chuẩn hóa QR code, việc các ví điện tử nước ngoài muốn kết hợp với các đơn vị ở Việt Nam cũng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan như an toàn hệ thống, an ninh bảo mật dữ liệu người dùng và quốc gia,…, chúng ta cũng cần kiện toàn để có thể mở rộng cửa kết hợp với họ.
Dù vậy, tôi vẫn khẳng định một điều mà tôi thấy hết sức tuyệt vời cho đến hiện nay là ở Việt Nam các quy định đều dành cho tất cả, các đơn vị đều như nhau và cùng cạnh tranh trong môi trường lành mạnh, công bằng. Chúng tôi giỏi ở việc chúng tôi làm đến đâu và tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng đến đâu, đó là cơ hội của chúng tôi trong môi trường này.
-Là một người đã gắn bó và quan sát trên nhiều thị trường trước khi đến Việt Nam, ông có nhận xét gì về người dùng (tiểu thương và khách hàng cá nhân) của Việt Nam, họ có sẵn sàng thay đổi thói quen, dễ dàng tiếp cận công nghệ mới hơn?
- Trước đây, khi làm việc tại Nga, một trong những thị trường châu Âu mà tôi đã từng trải qua, tôi có cơ hội gặp một người đồng hành, một nhà sáng lập của VPBank và chúng tôi đã ấp ủ những câu chuyện về thị trường tài chính Việt Nam. Tôi đã dành 5 năm nghiên cứu dự án về Việt Nam. Gần 3 năm tại đây, tôi dốc hết sức lực, tâm huyết với mong muốn góp phần thay đổi thị trường thanh toán số ở đây.
Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển thanh toán không tiền mặt. Dân số trẻ rất lớn, lượng người dân sử dụng di động chiếm tỷ trọng cao – đây là điều kiện quan trọng để phát triển thanh toán số. Đặc biệt, với những người trẻ từ độ tuổi 19-25, khi thấy cách họ tư duy về dịch vụ tài chính, tôi cảm thấy đây là một thế hệ hoàn toàn khác biệt với chúng tôi ngày hôm nay.
Tôi cũng đã quan sát chính nhân viên của mình, những người rất trẻ. Và tôi nhận thấy rằng, tôi không phải là người quyết định mang đến cho họ điều gì mà chính họ sẽ là những người góp phần quyết định tương lai của thanh toán số. Còn nếu là tôi, có lẽ khi đó, tôi sẽ chọn đến lúc đi đến Hồ Tràm để chỉ ngồi yên và chơi golf (cười)…
-Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!