Doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn: Có khả thi?

DIỄM NGỌC 10/06/2021 05:45

Mở rộng hạ tầng thanh toán, hạ tầng công nghệ - viễn thông để người dân tiếp cận nhiều hình thức chi trả, là điều kiện cho doanh nghiệp thực thi thanh toán không dùng tiền mặt 100%.

Phù hợp bối cảnh nhưng tùy thuộc doanh nghiệp

Theo quy định hiện hành, với những giao dịch thanh toán dưới 20 triệu đồng, các doanh nghiệp không bắt buộc phải thanh toán chuyển khoản. Tuy nhiên, đứng trước các mục tiêu về chuyển đổi số, cũng như nhằm đảm bảo sự minh bạch tài chính và hỗ trợ cơ quan thuế trong việc kiểm soát doanh thu, chi phí của các tổ chức có hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường tính nghiêm minh trong công tác quản lý thuế, Cục Thuế TP. HCM đã có công văn kiến nghị Chính phủ xem xét, quy định các tổ chức áp dụng thanh toán không sử dụng tiền mặt với tất cả các giao dịch mua vào, bán ra không giới hạn tổng giá trị thanh toán.

Các doanh nghiệp cho rằng áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn là phù hợp với bối cảnh hiện nay

Theo cơ quan Thuế, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn là phù hợp với bối cảnh hiện nay

Ngoài ra, Cục Thuế còn kiến nghị Chính phủ xem xét và nghiên cứu các quyền điều tra cho cơ quan thuế. Theo thông lệ quốc tế, hầu như thuế quan tại các nước đều có chức năng này. Trước mắt, có thể chỉ giao quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp Tổng cục. Về lâu dài, sau khi lực lượng dịch vụ công ngành thuế được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của điều tra chức năng thì có thể mở rộng quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp tỉnh thành.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Công nghệ thông tin thuộc Tập đoàn MAVIN cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn đã được Tập đoàn MAVIN áp dụng từ rất lâu. Ghi nhận nhiều doanh nghiệp, các đối tác của MAVIN cũng vậy.

Tuy nhiên, mô hình hoạt động ở các doanh nghiệp chia thành nhiều loại khác nhau như B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), hay B2C (doanh nghiệp với khách hàng) và gần đây còn có hình thức D2C (bán hàng trực tiếp không qua trung gian).

Trong các mô hình đó, B2B sẽ hưởng ứng việc thanh toán hoàn toàn qua chuyển khoản không dùng tiền mặt hơn cả, phụ thuộc vào các yếu tố như: Khoảng cách địa lý, cam kết giao dịch,... Khi các điểm bán đặt ở những nơi xa, khách hàng phải thực hiện chuyển khoản thanh toán thì doanh nghiệp mới cung cấp sản phẩm. Còn với B2C hay D2C, bản chất là bán lẻ cho nên sẽ khó khăn hơn trong giao dịch, vì thói quen tiêu tiền mặt tại Việt Nam vẫn ăn sâu vào đời sống người dân.

Đơn cử như tại tập đoàn chúng tôi, khi phát triển thị trường, đến các vùng sâu vùng xa, hạ tầng thanh toán còn yếu kém, không có điểm giao dịch cũng gặp nhiều khó khăn. Khi đó thường phải có các hỗ trợ bằng máy POS kèm theo, hoặc thông qua các hình thức ví điện tử như VNPTpay, thanh toán quét QR code,... đồng thời hướng dẫn khách hàng đến các điểm giao dịch để thanh toán. Một mặt giúp mọi người mở rộng ý thức về thanh toán không tiền mặt, mặt khác sẽ giúp công khai về tài chính, phòng ngừa những rủi ro phát sinh về sau”, ông Long cho biết.

Theo ông Long, tới đây khi mô hình Mobile money đi vào thực tiễn, người dân có thể tiếp cận với thanh toán không tiền mặt nhanh và nhiều hơn, tháo gỡ một phần nút thắt trong giao dịch. Song, Chính phủ vẫn cần tích cực mở rộng hạ tầng thanh toán trên toàn quốc, hạ tầng công nghệ, viễn thông để mọi vùng miền, mọi người dân đều có tài khoản cá nhân, tương tác trên môi trường công nghệ thông tin thuần thục hơn.

Riêng đề nghị của Cục thuế trong công tác giám sát và quản lý thuế, ông Long cho là về tổng quan thì hoàn toàn hợp lý. Vì nhiều doanh nghiệp hiện nay còn “mập mờ” về thu, chi hòng trốn thuế. Nếu doanh nghiệp làm việc thiếu minh bạch, chỉ mang lại lợi ích nhỏ cho doanh nghiệp đó, nhưng vô hình chung lại làm hỏng môi trường kinh doanh và hình ảnh chất lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, trong khi chúng ta đang hướng tới hội nhập, toàn cầu hoá. Cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh minh bạch sẽ mang lại lợi ích lớn lao và bền vững hơn trong tương lai.

Tính khả thi khi áp dụng thực tế: Còn vấn đề cần bàn

Dù được đánh giá là đề xuất có ý nghĩa lớn trong đột phá việc mở rộng và thực thi chiến lược thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, kinh tế số của quốc gia, nhưng tính khả thi trong việc áp dụng vào thực tế lại vẫn còn rất nhiều vấn đề cần bàn. Bởi như doanh nghiệp nêu, khi rất nhiều dịch vụ, con người vẫn phải dùng tiền mặt, thì doanh nghiệp sẽ làm sao để áp dụng thanh toán online, lấy hóa đơn, hay sẽ tốn kém thêm để thực thi hay hợp thức các giao dịch chưa thể thanh toán không tiền mặt?

Một điểm giao dịch lưu động bằng ô tô phục vụ người dân vùng sâu vùng xa

Một điểm giao dịch lưu động bằng ô tô phục vụ người dân vùng sâu vùng xa

Một chuyên gia tài chính số phân tích rằng, hiện nay, tốc độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở Việt Nam khá mạnh mẽ. Có thể nói đại dịch COVID-19 đã tạo tiền đề tăng tốc hoạt động này. Bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp với tầm nhìn lâu dài đã xác định việc chuyển đối số là chiến dịch dài hạn, số hoá tài chính là số hoá xương sống của doanh nghiệp. Do đó nếu gặp khó khăn thì doanh nghiệp sẽ tự tìm cách thích ứng để phù hợp. Như vậy, đề xuất này một khi trở thành yêu cầu có tính pháp lý, có các hướng dẫn cụ thể, sẽ giúp việc thực hiện quy củ hơn, không còn tình trạng công ty này chuyển khoản, doanh nghiệp kia nộp tiền mặt; song trước mắt hay ngắn hạn nếu áp dụng ngay, vẫn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa chú trọng chuyển đổi số.

Ngoài ra, việc áp dụng thanh toán chuyển khoản hoàn toàn cũng cần áp dụng với các cơ quan hành chính sự nghiệp, để đảm bảo tính toàn diện và công bằng. Chúng ta dễ thấy rằng, các ngành kinh tế mũi nhọn thường được Chính phủ quan tâm và đầu tư hơn về số hoá, nhưng các ngành kinh tế ít trọng điểm thì vẫn nề nếp cũ như tại một số trường đại học, hay một số cơ quan hành chính công khác. Điều đó ảnh hưởng đến bối cảnh chung”, vị chuyên gia đề nghị.

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội khẳng định, thanh toán không dùng tiền mặt có một vai trò quan trọng trong việc giảm khối lượng tiền mặt lưu thông, giúp cho quá trình thanh toán diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và giảm bớt chi phí cho các chủ thể tham gia.

Các nghiệp vụ thanh toán không dùng tiền mặt đều được thực hiện thông qua hệ thống các ngân hàng, do đó góp phần giúp cho Ngân hàng Trung ương thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm soát được nạn “rửa tiền” , kiểm soát hoạt động của các đơn vị kinh tế của các ngành nghề một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời đưa ra các giải pháp giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt và bền vững.

"Bất cứ quy định pháp luật nào ra đời cũng đều cần có thời gian để người dân và doanh nghiệp thích ứng, dù việc sàng lọc và loại bỏ những tiêu cực đối với minh bạch tài chính, quản lý thuế rất quan trọng và càng cần thiết ở giai đoạn hiện nay", chuyên gia nhìn nhận.

Có thể bạn quan tâm

  • Thời thanh toán điện tử, ứng xử sao với tiền chuyển nhầm?

    Thời thanh toán điện tử, ứng xử sao với tiền chuyển nhầm?

    05:30, 21/08/2020

  • DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 18- 23/5: Cơ hội thúc đẩy ngân hàng số và thanh toán điện tử

    DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 18- 23/5: Cơ hội thúc đẩy ngân hàng số và thanh toán điện tử

    11:30, 24/05/2020

  • “Mở lối” phát triển ngân hàng số và thanh toán điện tử

    “Mở lối” phát triển ngân hàng số và thanh toán điện tử

    11:30, 23/05/2020

  • TRỰC TUYẾN: Ngân hàng số và thanh toán điện tử - Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19

    TRỰC TUYẾN: Ngân hàng số và thanh toán điện tử - Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19

    14:04, 21/05/2020

  • TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP: Ngân hàng số và thanh toán điện tử - Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19

    TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP: Ngân hàng số và thanh toán điện tử - Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19

    13:55, 21/05/2020

DIỄM NGỌC