Nhu cầu đặt, giao thức ăn tại nhà thúc đẩy thanh toán trực tuyến
Khảo sát về thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa cho thấy hơn một nửa số người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng siêu ứng dụng trên thiết bị di động.
Theo khảo sát, công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới Visa cho biết, có tới 87% người tiêu dùng đang sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà và 98% trong số họ đã đặt giao hàng thường xuyên hơn trong giai đoạn đại dịch. Người tiêu dùng cũng xếp hạng những mối quan ngại hàng đầu về bảo mật bao gồm công nghệ để bảo vệ các giao dịch bằng điện thoại di động, thông tin cá nhân và thông tin tài chính.
Visa đã khuyến khích người tiêu dùng cài đặt tính năng lưu trữ thông tin thẻ và sử dụng thẻ Visa để thanh toán trực tuyến nhanh chóng, tiện lợi và an toàn thông qua các giải pháp thanh toán của Moca trên ứng dụng Grab và các nền tảng thương mại điện tử khác.
Công ty này cũng nhắc đến công nghệ lưu trữ thông tin thẻ (card-on-file, COF) – mã hoá các thông tin của chủ thẻ trên nền tảng đáng tin cậy để đơn giản hóa việc mua hàng trong tương lai – mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm an toàn và tiện lợi khi mua sắm trực tuyến, với khả năng xử lý giao dịch ngay lập tức.
Theo Visa, đây là tính năng có ý nghĩa thúc đẩy người dùng tăng cường đón nhận các nền tảng thương mại điện tử bằng cách giúp quá trình mua hàng được diễn ra liền mạch, nhờ đó thu hút người tiêu dùng mua sắm thường xuyên hơn và mang đến nhiều khách hàng hơn cho các nhà bán hàng. Công nghệ này được chứng minh là mang lại lợi ích đáng kể cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ, do giao dịch được bảo vệ bởi công nghệ mã hóa bảo mật tài khoản (tokenization) của Visa, thay thế thông tin thanh toán nhạy cảm bằng một mã token.
Báo cáo Kinh tế Đông Nam Á năm 2019 ước tính thị trường đặt và giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt 302 triệu USD vào năm 2020, và lượng người dùng dự kiến tiếp tục tăng từ 10,5 triệu lên 17 triệu vào năm 2024. Đây là thị trường màu mỡ đang được các ông lớn công nghệ đầu tư mạnh.
Đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á, sự tăng trưởng đột phá của Việt Nam về lượng người sử dụng internet, thiết bị di động đã tạo hấp lực lớn để mọi ứng dụng đặt và giao thức ăn trực tuyến nở rộ. Ngoài siêu ứng dụng Grab, hiện top các ứng dụng cạnh tranh trên thị trường này ở Việt Nam đang có đủ mặt anh tài gồm GoJek, Now, Beamin, Loship...Các ứng dụng này cũng mở rộng cửa kết nối với các kênh thanh toán trực tuyến đa dạng gồm liên kết cả ngân hàng, ví điện tử, các công ty trung gian thanh toán... nhằm mang đến sự tiện lợi tối ưu cho người dùng. Điều này được cho là động lực thúc đẩy thị trường trực tuyến sớm đạt được những cột mốc mới ngay trong năm nay, khi nhu cầu "ngồi một chỗ mua được mọi thứ" sẽ càng phổ biến hơn như là phương thức chung để người tiêu dùng thích nghi với đại dịch.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào nhận định, trong bối cảnh ngành thanh toán đang phát triển mạnh mẽ, sự thích nghi của tất cả mọi người trước những xu hướng này là điều cần thiết. "Chúng tôi sẽ mang đến trải nghiệm thanh toán nhanh chóng, thuận tiện và bảo mật cho người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội", bà nói.
Có thể bạn quan tâm
Bảo mật dữ liệu trong bối cảnh thanh toán không tiếp xúc gia tăng
15:00, 08/06/2021
Doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn: Có khả thi?
05:45, 10/06/2021
Doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt hoàn toàn: Vẫn cần ngưỡng phù hợp
05:00, 12/06/2021
Người trẻ sẽ quyết định tương lai thanh toán số
13:27, 30/04/2021
"Bùng nổ" thanh toán số
04:30, 02/11/2020