Tiền kỹ thuật số quốc gia: Mơ giấc không xa...
Ngày Việt Nam có đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành như nhiều quốc gia trên toàn thế giới đang thử nghiệm và đẩy mạnh, dường như không còn xa...
CBDC vào năm 2022: Gia tăng thử nghiệm và cạnh tranh
CBDC – Việt Nam không “ngược hướng gió”
Rất nhiều băn khoăn về việc Việt Nam có nên phát hành đồng tiền CBDC (Central Bank Digital Currency) hay không. Lại có nhìn nhận hội nhập kỷ nguyên số là phải đưa đồng VND lên số hóa thay thế tiền vẫn đang lưu thông...
Thực tế, các nhà điều hành luôn nhận định tình hình chính xác, kịp thời, có động thái đón đầu xu hướng tiền tệ trong tương lai.
Ngay từ năm 2020, khi còn ngồi ghế Phó Thống đốc NHNN, tham gia Hội nghị bàn tròn giữa Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) với các Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên IMF/WB, bà Nguyễn Thị Hồng nhận định rằng: Sự ra đời và phát triển của tiền ảo/tiền kỹ thuật số là một xu thế ngày càng rõ nét, đặt ra những cơ hội và vấn đề, thách thức mới cho nền kinh tế, cho công tác điều hành chính sách tiền tệ, quản lý và thanh tra, giám sát hệ thống tài chính.
Nhận diện xu hướng mới, trên cương vị mới, hẳn nhiên Tân Thống đốc không bỏ quên các cơ hội lẫn thách thức. Tổ nghiên cứu tiền ảo của Bộ Tài chính được lập cũng 2020, đã thêm tín hiệu tiền đề cho những quyết định chính sách kế tiếp.
Một lát cắt cho thấy xu hướng không thể đi ngược của việc triển khai CBDC: Đầu 2021, PwC thống kê: Có hơn 60 quốc gia đang thử nghiệm triển khai CBDC từ 2014 cho đến nay. Đến tháng 10/2021, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, có tới khoảng 110 quốc gia đang ở các giai đoạn khác nhau trong việc xem xét CBDC.
Tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN giữ vai trò nghiên cứu và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số, dựa trên công nghệ blockchain, trong vòng 3 năm tới. Cuối 2021, NHNN có Quyết định 1813 để phát triển thanh toán không tiền mặt, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.
Cơ chế nào cho tiền kỹ thuật số của Việt Nam?
Bà Đinh Hồng Hạnh, P. Tổng Giám đốc PwC Việt Nam khẳng định: “Người Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ CBDC. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận với tiền kỹ thuật số của NHTW. Quyết định 942/QĐ-TTg hứa hẹn sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam đối với các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến khác”.
Tiền Việt Nam đồng kỹ thuật số, bắt đầu từ đâu?
Chính sách đã có, song việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia vẫn rất cần sớm được cụ thể hóa. Bởi làm thế nào để xây dựng chính sách tiền tệ kỹ thuật số với đồng CBDC như một đối trọng, lấn át được các đồng tiền kỹ thuật số tư nhân; Làm thế nào để CBDC Việt Nam phát huy được những lợi thế và vượt thoát những rủi ro – 2 mặt của một đồng tiền – vốn đang trong quá trình thử nghiệm ở mọi quốc gia nên chưa hiển lộ đầy đủ, rõ ràng?...
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, ở 2022, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, không thể "vội" với CBDC. "Bởi ngay Trung Quốc và một số quốc gia đi trước cũng trước nghiên cứu rất lâu và cũng chỉ mới có một số thí điểm đồng tiền này", Phó Thống đốc chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp.
GS.TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, trong bối cảnh mới, Việt Nam hội đủ điều kiện để xây dựng và trở thành trung tâm tài chính hàng đầu với việc cần đặt trọng tâm phát triển các đặc khu kinh tế thế hệ mới theo mô hình khu kinh tế tự do kỹ thuật số (DFTZ). Có rất nhiều điều cần để đưa DFTZ đến vụ “nổ fintech” tương tự như nước Anh để đảm bảo là trung tâm tài chính toàn cầu, song việc Bắc Kinh lập khu thương mại tự do (FTZ) cho trung tâm đổi mới, tập trung vào thanh toán kỹ thuật số và thiết lập khu vực tiền tệ kỹ thuật số pháp định và hệ thống tài chính số, hay mô hình Campuchia chọn công ty fintech làm Ba-kong, theo GS, là những mô hình cần nghiên cứu, trên quan điểm “an ninh quốc gia, chủ quyền kinh tế - tiền tệ số luôn được xem là yếu tố sống còn đối với các DFTZ và trung tâm tài chính quốc tế tương lai”.
“Việt Nam có thể chọn một hướng tiếp cận như phát triển DFTZ tại TP HCM, cho thí điểm tiền VND kỹ thuật số, kết nối thử nghiệm với 1, 2 ngân hàng như BIDV, Agribank... để thúc đẩy thanh toán CBDC”, GS.TS Trần Ngọc Thơ nói.
Hãy thử hình dung rằng trong một mai của 2022 hoặc chậm hơn, bên bờ sông nơi TP phía Đông, một DTFZ thực sự mọc lên không chỉ là những tòa nhà chọc trời đua cùng tháp Landmark 81, còn có sự hiện diện những fintech, những “cư dân” đổi mới. Hơn thế, đây cũng là tổ chức trung gian tư nhân dưới vai trò điều hành, quản lý, giám sát NHNN để đảm bảo duy trì hệ thống tài chính hai cấp, thực thi chính sách tiền tệ cho sự ổn định tài chính sẽ ổn định hơn với thử nghiệm thanh toán đầu tiên bằng VND kỹ thuật số...
Từ NHNN, các trung gian và đến chúng ta, thanh toán trực tuyến toàn cầu rồi sẽ có thêm một lựa chọn. Ngày đó cũng sẽ là dấu mốc khẳng định thêm sức mạnh, chủ quyền tiền tệ Việt Nam trên không gian số.
Có thể bạn quan tâm
Ngân hàng Trung ương Anh: Còn khá xa để CBDC đi vào thực tế
05:00, 13/11/2021
Các quốc gia tích cực tham gia vào “cuộc đua” CBDC
01:02, 01/11/2021
Toàn cảnh tiền tệ kỹ thuật số (kỳ 4): Một số tiền CBDC tiêu biểu
04:30, 29/09/2021
Việt Nam sẽ sớm bắt kịp xu hướng thế giới với CBDC
13:50, 08/09/2021
UAE phát hành tiền CBDC
11:35, 13/07/2021