Bitcoin - Sản phẩm thay thế hay bổ trợ đầu tư?
Thực nghiệm về tác động của giá Bitcoin đến các chỉ số chứng khoán của một số quốc gia châu Á, có thể đặt nền tảng cho các nghiên cứu trong tương lai về tác động của Bitcoin đến TTCK.
>>Bitcoin trồi sụt, tiền điện tử AI nổi sóng trong “cơn sốt” ChatGPT
Tính đến hiện nay, các nghiên cứu về tiền mã hóa (Bitcoin) thường tập trung xem xét mối quan hệ giữa tỷ suất sinh lợi của Bitcoin và các chỉ số chứng khoán nhằm đánh giá khả năng sử dụng Bitcoin để đa dạng hóa danh mục cũng như làm tài sản phòng vệ hoặc tài sản trú ẩn cho các chỉ số chứng khoán. Rất ít nghiên cứu quan tâm đến đồng liên kết (mối quan hệ trong dài hạn) giữa Bitcoin và chỉ số chứng khoán.
Sự hiện diện của Bitcoin tại các nền kinh tế châu Á
Bitcoin là một loại tiền mã hóa (cryptocurrency) có giá trị giao dịch lớn nhất trên thế giới. Theo số liệu từ trang Coinmarketcap, tính đến tháng 02/2021, tổng giá trị của Bitcoin trên thị trường là hơn 916 tỷ USD, bỏ xa các đồng tiền đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba là Ethereum (204 tỷ USD) và Tether (32 tỷ USD). Sự kiện công ty Tesla của Mỹ đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và thông báo kế hoạch chấp nhận cho khách hàng sử dụng đồng tiền này để mua xe của hãng đã đánh dấu sự tăng giá đột biến của Bitcoin khi chạm mức 48.000 USD vào ngày 09/02/2021, thiết lập đỉnh giá cao nhất trong lịch sử. Một tuần sau đó, vào ngày 16/02/2021, kỷ lục tiếp tục bị phá vỡ khi giá Bitcoin tăng lên hơn 49.000 USD.
Mặc dù giá Bitcoin đã giảm sâu trong năm 2022, Bitcoin vẫn là đồng tiền mã hóa đứng đầu về giá trị giao dịch trên thế giới. Các thông tin trên phản ánh sự quan tâm rất lớn mà công chúng, các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, v.v… dành cho Bitcoin nói riêng và sự phát triển của các đồng tiền mã hóa nói chung trong những năm vừa qua kể từ lúc Bitcoin ra đời vào năm 2008 vì bên cạnh những ưu điểm (như thanh toán quốc tế nhanh chóng, tiết kiệm, đảm bảo sự riêng tư của các giao dịch, không bị kiểm soát bởi các chính phủ, tránh được lạm phát như các đồng tiền pháp định), vẫn còn những rủi ro rất lớn khi đe dọa sự tồn tại của các trung gian tài chính, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các quốc gia và tạo điều kiện cho tội phạm trốn thuế, hacker và các loại tội phạm khác.
Cuộc khảo sát ở 74 quốc gia trong năm 2020 cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ những người trả lời đã từng sử dụng hay sở hữu tiền mã hóa. Cụ thể, tỷ lệ này của Việt Nam là 21%, chỉ đứng sau Nigeria (32%), và con số này cao hơn rất nhiều so với các nước có nền kinh tế lớn như Trung Quốc (7%), Mỹ (6%), Đức (5%) và Nhật Bản (4%). Một cuộc khảo sát khác vào năm 2019 cho thấy Việt Nam đứng thứ 16 thế giới và thứ 2 Đông Nam Á về số lượng truy cập các trang web tiền mã hóa.
Các dữ liệu trên là bằng chứng cho thấy sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư Việt Nam đối với tiền mã hóa nói chung và Bitcoin nói riêng. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tiền mã hóa ở Việt Nam trong thời gian qua hầu hết tập trung vào khía cạnh pháp luật và chính sách quản lý Bitcoin, trong khi mối liên hệ giữa Bitcoin và thị trường chứng khoán như thế nào là một câu hỏi vẫn còn bỏ ngõ.
>>Bitcoin nhắm mốc 30.000 USD/BTC
Các nước châu Á, đặc biệt là các nước có nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, cũng có vị trí cao trong bảng xếp hạng lượt truy cập các trang web tiền mã hóa. Cụ thể, Nhật Bản giữ vị trí thứ 2, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc lần lượt xếp thứ 5 và 6. Đây là bằng chứng cho thấy Bitcoin cũng rất được quan tâm tại các quốc gia này.
Tác động của Bitcoin đến thị trường chứng khoán
Tại các nền kinh tế lớn của châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, đã có một số nghiên cứu phân tích mối liên hệ giữa Bitcoin và thị trường chứng khoán, và hầu hết đều tập trung xem xét mối quan hệ giữa tỷ suất sinh lợi của Bitcoin và các chỉ số chứng khoán để đánh giá khả năng sử dụng Bitcoin trong đa dạng hóa danh mục cũng như làm tài sản phòng vệ hoặc tài sản trú ẩn cho các chỉ số chứng khoán.
Tuy nhiên, rất ít nghiên cứu quan tâm đến đồng liên kết (mối quan hệ trong dài hạn) giữa Bitcoin và chỉ số chứng khoán, hơn nữa, kết quả thu được cũng không có sự nhất quán. Wang và cộng sự (2019) không tìm thấy đồng liên kết giữa Bitcoin và chỉ số CSI 300 Index của Trung Quốc. Dirican và Canoz (2017) cũng không tìm thấy sự tồn tại mối quan hệ dài hạn giữa giá Bitcoin và chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản, nhưng lại phát hiện đồng liên kết giữa giá Bitcoin và các chỉ số chứng khoán của Mỹ và Trung Quốc. Dirican và Canoz (2017) cho rằng, khi đồng liên kết được tìm thấy giữa giá Bitcoin và các chỉ số chứng khoán, quyết định mua bán chứng khoán của các nhà đầu tư ở các nước này có thể bị ảnh hưởng bởi giá Bitcoin trong dài hạn. Zhu và cộng sự (2017) đánh giá tác động của các yếu tố kinh tế đến giá Bitcoin trong giai đoạn 2011 - 2016 với dữ liệu theo tháng và tìm thấy bằng chứng về đồng liên kết, trong đó đồng USD có tác động mạnh nhất lên giá Bitcoin.
Lập luận cho tác động của Bitcoin đến thị trường chứng khoán có lẽ lần đầu tiên được đề cập trong Sami và Abdallah (2020), khi họ tìm thấy bằng chứng về tác động của tỷ suất sinh lợi Bitcon đến tỷ suất sinh lợi của thị trường chứng khoán ở các nước Trung Đông và Bắc Phi (MENA). Sami và Abdallah (2020) cho rằng nếu Bitcoin và chứng khoán là các sản phẩm bổ trợ thì khi giá Bitcoin tăng, các nhà đầu tư mua chứng khoán để đa dạng hóa danh mục (nhằm duy trì tỷ trọng tương đối giữa các loại tài sản trong danh mục), dẫn đến giá chứng khoán tăng.
Ngược lại, nếu Bitcoin và chứng khoán là các sản phẩm thay thế thì giá Bitcoin sẽ có ảnh hưởng ngược chiều đến giá chứng khoán. Cụ thể, khi nhà đầu tư kỳ vọng Bitcoin tăng giá, họ có thể chuyển dòng tiền từ chứng khoán sang Bitcoin làm giá chứng khoán giảm.
Ở chiều hướng ngược lại, khi nhà đầu tư kỳ vọng Bitcoin giảm giá, dòng tiền cũng có thể chuyển dịch từ Bitcoin sang chứng khoán làm giá chứng khoán tăng. Như vậy, tác động của Bitcoin đến giá chứng khoán theo hướng nào dường như là một câu hỏi mang tính thực nghiệm mà câu trả lời tùy thuộc việc nhà đầu tư ở tại quốc gia cụ thể chủ yếu sử dụng Bitcoin như là sản phẩm thay thế hay là sản phẩm bổ trợ để đa dạng hóa danh mục của mình.
Dựa trên các lập luận của Sami và Abdallah (2020), chúng tôi đánh giá tác động của giá Bitcoin đến các chỉ số chứng khoán VN-Index (Việt Nam), SSE Composite Index (Trung Quốc), BSE SENSEX (Ấn Độ) và Nikkei 225 (Nhật Bản) trong giai đoạn 10/2014 - 08/2020. Các thị trường chứng khoán được xem xét vừa bao gồm cả thị trường cận biên (là Việt Nam), hai nền kinh tế lớn nhất trong nhóm các quốc gia mới nổi và đang phát triển ở châu Á (là Trung Quốc và Ấn Độ), và nền kinh tế phát triển xếp thứ 3 trên thế giới (là Nhật Bản). Các quốc gia này cũng là những quốc gia có thứ hạng cao về số lượng truy cập các trang web giao dịch Bitcoin. Sự khác biệt trong các cấp độ phát triển của các thị trường sẽ cho phép chúng ta đánh giá ảnh hưởng của giá Bitcoin đến các chỉ số chứng khoán một cách toàn diện hơn.
Bitcoin và cổ phiếu ở các nước Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản là các sản phẩm bổ trợ
Sử dụng dữ liệu theo tháng từ tháng 10/2014 đến tháng 08/2020; Chỉ số VN-Index được cung cấp bởi công ty chứng khoán VNDIRECT; Các chỉ số SSE Composite Index (Trung Quốc), BSE SENSEX (Ấn Độ), Nikkei 225 (Nhật Bản) và giá Bitcoin được thu thập từ trang web finance.yahoo.com, các kết quả nghiên cứu cho thấy:
Đối với Việt Nam, giá Bitcoin có tác động cùng chiều đến VN-Index trong dài hạn. Hơn nữa, trong ngắn hạn, Bitcoin cũng thể hiện tác động cùng chiều lên VN-Index. Tương tự với trường hợp Việt Nam, kết quả ước lượng cho các chỉ số SSE Composite Index của Trung Quốc, BSE SENSEX của Ấn Độ và Nikkei 225 của Nhật Bản đều cho thấy tác động cùng chiều của giá Bitcoin trong dài hạn và ngắn hạn. Kết quả này ủng hộ giả thuyết Bitcoin và chứng khoán là các sản phẩm bổ trợ nhau. Trong nghiên cứu của Sami và Abdallah (2020), tác động cùng chiều của tỷ suất sinh lợi Bitcoin đến thị trường chứng khoán cũng được tìm thấy ở các quốc gia Ai cập, Israel, Jordan, Li-băng và Ma-rốc. Mối quan hệ cùng chiều này được giải thích là do nhà đầu tư sử dụng Bitcoin và chứng khoán như là các sản phẩm đầu tư để đa dạng hóa danh mục.
Tóm lại, có thể xác nhận sự tồn tại của đồng liên kết giữa Bitcoin và các chỉ số VN-Index, SSE Composite Index, BSE SENSEX và Nikkei 225 trong giai đoạn nghiên cứu, và mối quan hệ cùng chiều giữa Bitcoin và các chỉ số chứng khoán nghiên cứu ủng hộ lập luận Bitcoin và cổ phiếu ở các nước Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản là các sản phẩm bổ trợ đầu tư. Tuy nhiên, đây đơn thuần là kết quả thực nghiệm.
Trên thực tế, hoạt động đầu tư và giao dịch Bitcoin vẫn chưa được quy định bởi pháp luật tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nên loại hình đầu tư này tiềm ẩn rủi ro cao cho nhà đầu tư, và có thể vượt quá lợi ích có được từ đa dạng hóa.
*Đại học Kinh Tế TP.HCM (UEH)
Có thể bạn quan tâm
Bitcoin liệu đã gần kề đáy?
05:00, 05/01/2023
Bitcoin giảm sâu nhất trong vòng 2 năm
05:20, 12/11/2022
Bitcoin nổi sóng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro
04:00, 11/09/2022
Chính sách của FED có thể sẽ đánh trượt giá Bitcoin
16:30, 20/09/2022
Bitcoin giảm giá, thị trường tiền điện tử đầy biến động
14:00, 09/10/2022