Bitcoin giảm giá, thị trường tiền điện tử đầy biến động

DIỄM NGỌC 09/10/2022 14:00

Bitcoin giảm giá trị, châu Âu ban hành Dự luật về tiền điện tử đồng thời cấm các khoản thanh toán tiền điện tử từ Nga trong một gói trừng phạt mới, còn Ấn Độ tuyên bố sẽ ra mắt CBDC.

>>Chính sách của FED có thể sẽ đánh trượt giá Bitcoin

Bitcoin chưa thoát đà giảm

Bitcoin (BTC) - đồng tiền điện tử lớn nhất thị trường đang bị mắc kẹt trong phạm vi 19.000 – 20.000 USD/BTC. Tâm lý thị trường không thuận lợi đã khiến diễn biến giá Bitcoin trở nên ì ạch, cùng các thông tin kinh tế vĩ mô cũng góp phần đáng kể quyết định giá trị của đồng tiền này.

Giá Bitcoin đã giảm 2,42% trong 24 giờ và giao dịch quanh mức 19.490 USD/BTC vào tối ngày 8/10

Giá Bitcoin đã giảm 2,42% trong 24 giờ và giao dịch quanh mức 19.490 USD/BTC vào tối ngày 8/10

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục lập trường diều hâu để kiềm chế mức lạm phát trong nước, những rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn cầu đang thách thức quyết tâm của Fed. Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, ông muốn Fed sẽ không lay chuyển chính sách tiền tệ diều hâu của mình và Fed có thể giải quyết suy thoái sau khi kiềm chế thành công lạm phát.

Tính đến tối ngày 8/10, giá Bitcoin đã giảm 2,42% trong 24 giờ và giao dịch quanh mức 19.490 USD/BTC. Có thể thấy, Bitcoin có mối tương quan chặt chẽ với thị trường chung. Khi Fed tăng cường thắt chặt tiền tệ, chỉ số S&P 500 và NASDAQ trở nên biến động mạnh hơn, ngay lập tức Bitcoin thể hiện sự ảnh hưởng với một đợt bán tháo lớn.

Nhiều nhà đầu tư tại Phố Wall bày tỏ, việc thắt chặt mạnh tay của ngân hàng trung ương là không cần thiết và đề cập đến một cuộc suy thoái tiềm ẩn. Ngân hàng Thế giới cũng nhận định rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với cuộc suy thoái lớn vào năm 2023.

Tuy nhiên, các quan chức chủ chốt của Fed tỏ vẫn ra khá kiên quyết trong lập trường diều hâu của họ. Neel Kashkari, Chủ tịch Fed Minnesota tuyên bố, ông không thấy bằng chứng nào về việc lạm phát đạt đỉnh, còn dữ liệu thất nghiệp từ Bộ Lao động Mỹ cũng đã giúp củng cố thêm lập trường của Fed. Tất cả những điều này có thể dẫn đến việc giảm giá trị Bitcoin thêm nữa.

>>EU đạt được thỏa thuận về quy định tiền điện tử, CBDC sẽ thắng thế?

Thị trường đầy biến động

Trong tuần qua, thị trường cũng chứng kiến hai sự kiện chính sách quan trọng ở châu Âu đó là Dự luật Thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA) mang tính bước ngoặt của EU đã được thông qua tại Hội đồng Châu Âu và EU cấm các khoản thanh toán tiền điện tử từ Nga trong một gói trừng phạt mới.

EU cấm các khoản thanh toán tiền điện tử từ Nga trong một gói trừng phạt mới

EU cấm các khoản thanh toán tiền điện tử từ Nga trong một gói trừng phạt mới

Theo đó, Dự luật MiCA đặt ra mục tiêu đưa việc phát hành tiền điện tử theo quy định có thể chế và thiết lập chế độ lần đầu cho các nhà cung cấp dịch vụ tài sản tiền điện tử trên khắp các quốc gia thành viên của EU. Dự luật sẽ cần phải thông qua một cuộc bỏ phiếu bổ sung tại Nghị viện châu Âu vào tuần tới. Nếu được thông qua, luật sẽ có hiệu lực sớm nhất vào đầu năm 2024.

Đối với lệnh cấm tiền điện tử tại Nga của Liên minh Châu Âu , nó đã giảm mức giới hạn 10.000 Euro trước đây đối với các khoản thanh toán bằng tiền điện tử từ Nga xuống con số 0. Gói trừng phạt nhằm đáp trả cuộc trưng cầu dân ý gần đây ở các khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine.

Theo The Block, là một phần của các biện pháp trừng phạt mới của EU đối với Nga, công ty Dapper Labs của NFT đã đưa ra cảnh báo cho những người dùng có mối liên hệ với Nga rằng, các khoản tiền được giữ trong ví tiền điện tử dựa trên tài khoản của họ đã bị đóng băng. Thư xin lỗi từ công ty cho biết, khách hàng có thể xem các tài sản NFT của họ, nhưng không thể bán hoặc chuyển chúng sang các ví khác.

Bất chấp những biến động trên thị trường tiền điện tử, mới đây, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã phát đi thông báo rằng, họ sẽ sớm bắt đầu triển khai thử nghiệm đồng rupee điện tử của mình. Đồng thời, sớm có một số trường hợp sử dụng cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số quốc gia.

Theo báo cáo trong một ghi chú khái niệm về tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC), RBI đã đề cập loại tiền này nhằm mục đích bổ sung vào hệ thống tiền tệ chứ không có nhiệm vụ thay thế. Tuy nhiên, đồng rupee điện tử sẽ làm cho hệ thống thanh toán có quy củ hơn và có thể kiểm soát các hoạt động rửa tiền.

Chính phủ Ấn Độ đã có bài phát biểu về việc khởi động CBDC từ năm tài chính 2022-2023, trong khi nhiều nhà chức trách nước này đã chọn cách tiếp cận tiêu cực đối với việc sử dụng tiền điện tử trong nước. Nhưng song song với việc tuyên bố ra mắt CBDC, thì Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cũng thông báo áp thuế 30% đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch tiền điện tử.

Trang Coingape cho hay, ông Rabi Sankar, Phó Thống đốc RBI đã đưa ra một cảnh báo rõ ràng đối với các loại tiền điện tử tư nhân, rằng việc ra mắt CBDC có thể loại bỏ các mã thông báo kỹ thuật số tư nhân. Ông cũng khuyến nghị không nên cho phép tiền điện tử hoạt động vì nó được hỗ trợ bởi blockchain hoặc công nghệ cao. Riêng đồng rupee điện tử sẽ sớm truyền tải các tính năng nổi bật của nó theo thời gian.

Như vậy, hình thức kỹ thuật số của các loại tiền tệ do một trung tâm phát hành đã trở thành tâm điểm của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới. Đến nay đã có hơn 60 ngân hàng trung ương thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến CBDC. Có một số nước đã thực hiện chương trình thí điểm cho cả hai phần Bán lẻ và Bán buôn. Còn một số quốc gia vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm hoặc đưa ra khuôn khổ nhất định xung quanh CBDC.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc đã trấn áp toàn diện tiền điện tử ra sao?

    13:00, 29/09/2022

  • Nguy cơ “mùa đông tiền điện tử” kéo dài

    04:50, 27/09/2022

  • Chính sách của FED có thể sẽ đánh trượt giá Bitcoin

    16:30, 20/09/2022

  • Bitcoin nổi sóng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro

    04:00, 11/09/2022

  • Bitcoin thủng mốc 19.000 USD/BTC báo hiệu nhiều rủi ro

    04:50, 08/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bitcoin giảm giá, thị trường tiền điện tử đầy biến động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO