Phát triển tài chính toàn diện (kỳ III): Rút ngắn bất bình đẳng xã hội

LÊ MỸ 22/09/2020 11:02

Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, góp phần rút ngắn bất bình đẳng xã hội.

Trong chương trình nghị sự của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, những năm gần đây, có 2 cụm từ được nhắc đến khá nhiều, đó là “tăng trưởng bao trùm” và “tài chính toàn diện”.

Một hình ảnh ví von ước lệ về mối tương quan của tăng trưởng bao trùm và nhu cầu tài chính toàn diện của người dân được thể hiện trong sáng tạo của mùa dịch COVID-19: Cây ATM gạo phát miễn phí cho dân nghèo (ảnh: PHGLock cc)

Một hình ảnh ví von ước lệ về mối tương quan của tăng trưởng bao trùm và nhu cầu tài chính toàn diện của người dân được thể hiện trong sáng tạo của mùa dịch COVID-19: Cây ATM gạo phát miễn phí cho dân nghèo (ảnh: PHGLock)

Trong đó, cụm từ “tăng trưởng bao trùm” được nhắc đến đầu tiên trong các báo cáo của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), với nghĩa là mô hình hướng đến tăng trưởng bền vững trên cơ sở tạo cơ hội cho tất cả đối tượng khác nhau, mọi thành phần kinh tế trong xã hội đều được tham gia và được nhận lại tương xứng đóng góp của mình.

Mô hình này khác với mô hình tăng trưởng trước đây khi Việt Nam còn là quốc gia ở ngưỡng thu nhập thấp, chọn tăng trưởng vì người nghèo; nay mở rộng và hướng đến mọi thành phần bao trùm hơn.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến các cụm từ “nhanh và bền vững” - Theo Thủ tướng, đây thực sự là từ khóa quan trọng và hàng đầu, là lựa chọn chiến lược và hành động xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua.

Trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam xác định 3 trụ cột quan trọng trong các chính sách và mô hình phát triển bao gồm kinh tế – xã hội và môi trường. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu bền vững.

Thủ tướng khẳng định phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh. Ngược lại, đó chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị. Đời sống của người dân cũng khấm khá hơn kể cả ở vùng nông thôn, miền núi và hải đảo.

Nói cách khác, bên cạnh tốc độ tăng trưởng, Việt Nam đã và đang hướng đến chất lượng tăng trưởng và sự lan tỏa của tăng trưởng đến mọi người dân. Việt Nam đã và đang thực thi đúng chiến lược chúng ta thường được nghe nhắc: Nhà nước tạo cơ hội tiếp cận, thụ hưởng thành quả tăng trưởng cho mọi người dân - Không bỏ ai ở lại phía sau.

Một trong những nội dung, chìa khóa của tăng trưởng bao trùm, theo giới chuyên gia, đầu tiên và sau cùng vẫn là vấn đề tài chính. Theo đó, để đáp ứng, hậu thuẫn, bệ đỡ, đòn bẩy…cho tăng trưởng bao trùm đòi hỏi nhiều yếu tố; và không thể thiếu phát triển hệ thống tài chính theo hướng phủ rộng.

Phổ cập kiến thức tài chính cùng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống là những ưu tiên cần trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Phổ cập kiến thức tài chính cùng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống là những ưu tiên cần có trong chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Cụ thể, việc tiếp cận nguồn lực tài chính đảm bảo khả năng hiện thực hóa các cơ hội kinh tế đến với các cá nhân và doanh nghiệp trong nền kinh tế, và bao gồm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, giúp giảm nghèo qua tăng trưởng bao trùm và hỗ trợ các nhóm yếu thế. Cùng với giảm nghèo là giúp các nhóm yếu thế được phổ cập kiến thức tài chính, tiếp cận các dịch vụ tài chính đầy đủ, công bằng, từ đó cải thiện mức sống, thu nhập, đó cũng là cơ sở để rút ngắn bất bình đẳng xã hội. Như vậy, trong tăng trưởng bao trùm có tài chính toàn diện bao trùm. Và tài chính toàn diện bao trùm là 1 phần nội hàm của tăng trưởng bao trùm.

Thực thi "không bỏ ai ở lại phía sau", bằng những nỗ lực, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và các gói hỗ trợ, đặc biệt là gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho nhiều đối tượng yếu thế, khó khăn trong xã hội, được giải ngân qua nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, trong khi gói hỗ trợ này tính đến tháng 7, theo báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã cơ bản giải ngân xong, nhiều ý kiến vẫn cho rằng "chính sách rất tốt, mục tiêu rất đẹp nhưng quá trình giải ngân quá chậm", và cũng chỉ mới hỗ trợ được một phần trong bối cảnh còn rất nhiều đối tượng yếu thế mong đợi tiếp cận nguồn lực tài chính để làm ăn, vượt dịch, giảm nghèo.

Theo đó, kỳ vọng đang đặt vào gói đề xuất thứ hai 18.600 tỷ đồng, có ý nghĩa hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trực tiếp người lao động gặp khó khăn. Gói này, hiện vẫn chưa đến được với các đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (dưới 10 lao động), hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh); người lao động tại khu vực nông thôn, là thêm một bước chậm kế tiếp.

"Cơ hội để phát triển tài chính toàn diện, chưa bàn đâu xa, cần được bắt tay ngay, với các chương trình tiếp sức đến đúng nơi, như với gói hỗ trợ này", một chuyên gia đánh giá.

Xa hơn, câu chuyện về tài chính toàn diện của Việt Nam cũng đã được kinh tế gia của World Bank, bà Ceyla Pazarbasioglu, dự báo: "Nhiều người Việt Nam hiện nay không tham gia hệ thống tài chính chính thức nhưng trên thực tế đang thực hiện nhiều giao dịch tài chính. Ví dụ, 39% người trưởng thành gửi tiền tiết kiệm bên ngoài hệ thống chính thức, cất tiền trong tủ hoặc sử dụng các hình thức không chính thức khác như chơi họ; 65% người gửi tiền hoặc nhận tiền gửi bên ngoài hệ thống chính thức hoặc thanh toán tiền học phí, tiền điện, nước bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhiều rào cản khác"

Những dự báo trước đây của bà Ceyla Pazarbasioglu, trong khó khăn của COVID-19, cũng có thể tiếp tục hiện hữu như là bức tranh với những mảng tối hơn của các nhu cầu giao dịch tài chính phi chính thức, các hình thức tài chính biến tướng khác như vay tín dụng đen, vay qua app tín dụng không rõ nguồn gốc với lãi suất cắt cổ... Do người dân một mặt vẫn chưa được phổ cập kiến thức và cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống; một mặt, là thành quả của tăng trưởng - với rất nhiều nỗ lực mà Việt Nam đã và đang giữ được- đâu đó với nhiều người, còn xa.

Có thể bạn quan tâm

  • Phát triển tài chính toàn diện (Kỳ II):

    Phát triển tài chính toàn diện (Kỳ II): "Đòn bẩy" từ công nghệ số

    11:30, 21/09/2020

  • Phát triển tài chính toàn diện (Kỳ I): Kinh nghiệm từ các quốc gia

    Phát triển tài chính toàn diện (Kỳ I): Kinh nghiệm từ các quốc gia

    06:00, 18/09/2020

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 15/9: Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện hoạt động như thế nào?

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 15/9: Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện hoạt động như thế nào?

    19:15, 15/09/2020

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện

    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện

    19:13, 14/09/2020

  • Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển không dùng tiền mặt

    Tài chính toàn diện trong xu thế phát triển không dùng tiền mặt

    16:50, 30/05/2019

LÊ MỸ