Giao dịch liên kết (Kỳ I): Kiểm soát rủi ro tiềm ẩn
Theo Deloitte, với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng do COVID-19, mô hình chuỗi cung ứng hiện tại của các tập đoàn có thể phải thay đổi về dài hạn và những rủi ro tiềm ẩn cần xem xét.
Đại dịch COVID-19 có thể là một sự kiện bất ngờ để thức tỉnh và buộc các doanh nghiệp đa quốc gia trên toàn cầu nhận ra sự mong manh của nền kinh tế và nhìn nhận lại mô hình chuỗi cung ứng của họ.
Theo Deloitte, đại dịch COVID-19 đã làm cho cả thế giới bị tác động mạnh mẽ khi xuất phát từ Trung Quốc – nơi được xem là công xưởng sản xuất của toàn thế giới, dẫn đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng. Rất nhiều nhà quản lý thuế và tài chính của các doanh nghiệp đa quốc gia đang xem xét nên bắt đầu từ đâu trong việc phục hồi và kiến thiết lại chiến lược cho doanh nghiệp. Sau đây là một số đề xuất nhằm hỗ trợ cho quá trình xem xét này.
Rủi ro di dời cơ sở sản xuất
Việc xem xét các cơ sở sản xuất thay thế nằm ngoài Trung Quốc trở nên cấp thiết. Các công ty có thể xem xét phân bổ lại hoạt động của toàn bộ chuỗi giá trị trong Tập đoàn, dẫn tới việc tái cấu trúc các thỏa thuận giao dịch liên kết trong Tập đoàn.
Việc xem xét di dời cơ sở hoạt động nên được cân nhắc một cách toàn diện trước khi thực hiện nhằm đánh giá được chức năng, rủi ro của các công ty thuộc chuỗi cung ứng, và phân tích công ty nào nên chịu rủi ro cao nhất hoặc rủi ro doanh nghiệp tự chủ. Việc đánh giá này vô cùng quan trọng nhằm tối ưu hóa về mặt kinh doanh và rủi ro (ngay cả về phương diện thuế) đối với hoạt động kinh doanh hậu đại dịch COVID-19.
Tránh truy vấn từ phương diện giá
Trong hầu hết các chuỗi cung ứng thông thường, các Tập đoàn thường có các đơn vị chịu rủi ro thấp, như các nhà phân phối, các nhà sản xuất theo hợp đồng... Những đơn vị này thông thường sẽ đạt được mức lợi nhuận ổn định. Như vậy, bất kỳ sự sụt giảm nào về kết quả hoạt động trong tình hình hiện nay cũng đều cần sự điều chỉnh về chính sách giá để đảm bảo các đơn vị này sẽ đạt được mức lợi nhuận như trước, nhằm tránh những truy vấn từ phương diện giá giao dịch liên kết có thể phát sinh từ các bên có liên quan (như nhà cung cấp, khách hàng, cổ đông và đặc biệt là cơ quan thuế).
Phân tích lỗ phát sinh
Các doanh nghiệp trên thực tế vẫn phải gánh chịu rủi ro ở mức độ nhất định. Theo đó, việc phân tích chi tiết chuỗi cung ứng và phân tích lỗ phát sinh sẽ hỗ trợ cho việc đánh giá sự cần thiết thực hiện điều chỉnh chính sách giá giao dịch liên kết.
Điều chỉnh các hệ thống liên quan
Các hệ thống mà công ty đang sử dụng, bao gồm cả hệ thống thông tin cho mục đích quản lý nội bộ, cũng nên được xem xét (và điều chỉnh nếu cần) một cách cẩn trọng, để việc phản ánh chính sách giá mới được thể hiện chính xác qua các dự báo và kết quả tài chính/kế toán. Những điều chỉnh này sẽ dẫn tới các thay đổi không chỉ đối với hệ thống, mà còn liên quan đến các vấn đề khác, như khoản mục chi phí nên được cân nhắc, cũng như mức biên lợi nhuận hoặc mức giá giao dịch liên kết cần đạt được.
Phòng ngừa truy vấn của cơ quan thuế
Các công ty cần xem xét và lưu giữ hồ sơ phản ánh các tác động của đại dịch lên chuỗi cung ứng để có thể bảo vệ công ty hiệu quả trước những truy vấn của cơ quan thuế trong các cuộc thanh/kiểm tra thuế trong tương lai. Từ góc độ tuân thủ, hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết cần thiết phải ghi nhận rõ các khoản lỗ hoặc sụt giảm về biên lợi nhuận. Hồ sơ không chỉ nên ghi nhận biên lợi nhuận thấp là do đại dịch COVID-19, mà nên bao gồm phân tích chi tiết về tác động đối với sản lượng, năng suất sản xuất, chi phí… dẫn đến kết quả này; đồng thời cũng nên được phản ánh qua phân tích ngành nhằm chứng minh được tác động đang lan rộng toàn ngành.
Tóm lại, mô hình chuỗi cung ứng hiện tại của các Tập đoàn đa quốc gia có thể chứng kiến sự thay đổi hoàn toàn trong môi trường hậu đại dịch COVID-19 thay đổi nhanh và thường xuyên. Các nhà quản lý tài chính và thuế điều hành Tập đoàn ở cấp độ khu vực cần thích nghi với môi trường đang thay đổi nhanh chóng, và quản lý chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo một tương lai bền vững.
Theo Deloitte, trong bối cảnh này, các nhà quản lý cần nắm được bức tranh tổng thể và xem xét đến những ảnh hưởng tới quá trình hoạch định tài chính do sự thay đổi trong các thỏa thuận và các giao dịch liên kết tại từng nước sở tại. Tại Việt Nam, các quản lý tài chính (như Giám đốc Tài chính, Kế toán trưởng) cần phải tham gia sâu sát để hỗ trợ cho các cấp lãnh đạo tại khu vực hiểu được “toàn cảnh” tình hình Việt Nam, bao gồm những vấn đề liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp và quy định về giao dịch liên kết.
Có thể bạn quan tâm