Tài chính đa chiều: “Sáng đèn” chuyện thuế

LÊ MỸ 28/11/2020 05:25

Nhìn chung một hướng, nhìn chung về thuế, là mối quan tâm của doanh nghiệp và người dân khi kỳ tính thuế cuối năm đang đến gần.

Khi Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 5/12 tới đây, nhiều chính sách thuế sẽ được áp dụng điều chỉnh cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp.

Nghị định 126 có nhiều điểm khiến cả người dân, doanh nghiệp - đối tượng bị điều chỉnh bởi chính sách thuế, bất ngờ

Nghị định 126 /2020/NĐ-CP có nhiều điểm khiến cả người dân, doanh nghiệp - đối tượng bị điều chỉnh bởi chính sách thuế, bất ngờ. Ảnh: Nộp thuế tại chi cục Thuế (Thanh Thủy)

Với cá nhân, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định, ngân hàng sẽ phải cung cấp cho cơ quan thuế các thông tin như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch của khách hàng. Điều này phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều băn khoăn nảy sinh quanh quy định này khi yếu tố bảo mật thông tin khách hàng (đã có quy định trong Luật) có thể bị xem nhẹ nếu bất kỳ cá nhân nào cũng có thể được ngành Thuế đưa vào danh sách yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin.

Thực tế, Nghị định 126 cũng quy định rõ các ngân hàng thương mại chỉ cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng sau khi có văn bản yêu cầu của Tổng cục Thuế với những cá nhân cụ thể cùng các lý do về nghi ngờ trốn thuế, kê khai thuế không chính xác,... chứ không phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của tất cả người nộp thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của pháp luật.

Do đó, một Luật sư cho rằng chỉ những ai có giao dịch không minh bạch mới lo ngại về việc ngân hàng cung cấp thông tin cho ngành thuế. Nếu cứ minh bạch "tiền vào tiền ra" thì sao phải ngại?

Hơn thế, nếu nhìn rộng ra xu hướng của nền kinh tế số đúng nghĩa mà Việt Nam đang hướng tới, đây cũng mới chỉ là bước “khởi động” để liên thông dữ liệu (trong khung khổ các quy định pháp luật phù hợp) và tạo nền tảng cho Việt Nam tiến tới các mục tiêu quản lý dân cư bằng số hóa, xây dựng hệ thống điểm đánh giá điểm tín dụng cá nhân (credit score), xây dựng mã QR thống nhất thanh toán...

Nhiều doanh nghiệp lo ngại bị

Nhiều doanh nghiệp lo ngại bị "xử ép" khi doanh thu phát sinh theo mùa vụ đặc thù trong quý cuối, theo đó, sẽ bị nộp phạt vì tăng cao

Dù vậy, việc người dân e ngại, dị ứng, thậm chí “sợ hãi” và không ít người đã cho rằng nếu để tiền ở ngân hàng cũng bị ngành thuế “soi” thì chi bằng rút tiền về cất tủ…vẫn là có căn nguyên, nằm ở chỗ: Cần có các hướng dẫn cụ thể hơn nữa, tường minh hơn nữa trong quy định. Cũng như, cần hơn nữa là chiến lược truyền thông chính sách của chính ngành thuế, để người dân đều luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu.

Tương tự, việc doanh nghiệp “rên xiết” bởi những quy định trong cùng Nghị định 126 khi họ có thể phải đối mặt với nguy cơ phạt chậm nộp thuế nếu hiệu quả kinh doanh quý 4 được tính ngay từ niên độ tài chính năm nay, tăng vượt trội so với các quý đầu năm. Nhưng nếu thực hiện đúng nghị định 126 thì doanh nghiệp lại bị chiếm dụng vốn.

Cụ thể theo Nghị định 126 được Bộ Tài chính trình và Chính phủ vừa ban hành hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế có hiệu lực vào ngày 5-12 tới, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm.

Nếu so Nghị định mới với các quy định cũ, thực tế con số chênh lệch giữa nguồn doanh nghiệp tạm nộp là 5%/doanh thu 3 quý đầu năm. 75% hay 80% đối với doanh nghiệp, một đồng cũng là tiền. Hơn thế, xác định con số nào để phù hợp với hoàn cảnh chung của các doanh nghiệp bao gồm cả các doanh nghiệp có đặc thù tăng doanh thu mùa vụ quý cuối, là trách nghiệm và nghĩa vụ của các nhà hoạch định chính sách, của cơ quan thuế, mà dường như lại chưa được quan tâm đủ.

Ngay cả với một giải pháp được không ít doanh nghiệp tính đến, song cũng e ngại “mắc kẹt”, là chuyện xin hoàn thuế trên phần tạm nộp khi doanh nghiệp không đoán chắc doanh thu, họ có thể chọn nộp dư nhằm tránh phạt chậm. Doanh nghiệp nếu đã chấp nhận "chôn vốn" một phần, ứng tạm nộp dôi dư, thì ngành thuế hà cớ gì không tính toán tháo gỡ triệt để các vướng mắc thủ tục khi doanh nghiệp xin hoàn thuế?

Hoàn thuế, không chỉ trước khi Nghị định 126 được ban hành, doanh nghiệp mới kêu than về chuyện thủ tục "hành là chính", mà việc thực hiện trước nay với nhiều đơn vị, vẫn là một dạng “ác mộng đêm hè”. Nhân các nỗi niềm quanh quy định thuế mới, nên chăng, đây cũng là dịp để xem xét một lần và sửa đổi?

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế: Lo ngại tính bảo mật

    Ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế: Lo ngại tính bảo mật

    04:50, 26/11/2020

  • Mô hình mới cho quản lý thuế các doanh nghiệp lớn

    Mô hình mới cho quản lý thuế các doanh nghiệp lớn

    00:37, 22/11/2020

  • Doanh nghiệp thấp thỏm vì quy định

    Doanh nghiệp thấp thỏm vì quy định "thuế tạm nộp 3 quý không thấp hơn 75% thuế năm"

    04:50, 20/11/2020

LÊ MỸ