Mặc dù được kỳ vọng sẽ tạo đột phá mới trong quản lý, thế nhưng, một số điểm tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP vẫn còn gây khó cho doanh nghiệp…
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, theo đó, Nghị định được kỳ vọng tạo sự minh bạch trong việc khoanh nợ, xóa nợ thuế, nâng cao vai trò trong quản lý thuế thương mại điện tử,... Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực và kỳ vọng lớn như đã nêu, một số điểm trong Nghị định số 126/2020/NĐ-CP vẫn còn tồn tại khiến doanh nghiệp không cẩn thận rất dễ bị đóng tiền chậm nộp.
Cụ thể, tại khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định “Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước”.
Như vậy, với quy định này, trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thu nhập quý 1, 2, 3 thấp nhưng quý 4 tăng, đặc biệt, tăng đột biến rất dễ dẫn đến tỷ lệ nộp thuế 3 quý đầu năm thấp hơn 75%, kéo theo đó doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền chậm nộp.
Minh chứng cho nội dung này, lãnh đạo một doanh nghiệp phân tích, quý 1 doanh nghiệp tôi có thu nhập 100 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp 20 tỉ đồng; quý 2 có thu nhập 100 tỉ đồng, tạm nộp 20 tỉ đồng; quý 3 thu nhập 100 tỉ đồng, tạm nộp 20 tỉ đồng; thế nhưng qua quý 4 có thu nhập tăng lên 200 tỉ đồng, thuế tạm nộp 40 tỉ đồng. Cộng lại cả năm, thu nhập của doanh nghiệp là 500 tỉ đồng, có số thuế phải nộp là 100 tỉ đồng.
Như vậy, số thuế tạm nộp của 3 quý chỉ đạt 60/100 tỉ đồng, tương ứng 60%, tức thấp hơn quy định 75% số thuế phải nộp là 75 tỉ đồng, nếu áp theo quy định trên, doanh nghiệp của tôi sẽ phải đóng thêm tiền chậm nộp 679,5 triệu đồng (75 – 60 = 15 tỉ đồng; 15 tỉ đồng x 0,03%/ngày x 151 ngày).
Theo một số doanh nghiệp, quy định này chưa thật sự thỏa đáng bởi thông thường, thời điểm cuối năm hầu hết các doanh nghiệp thường tăng tốc về hoạt động sản xuất kinh doanh, nên trường hợp thu nhập của doanh nghiệp trong quý này tăng và thậm chí tăng đột biến là điều bình thường, tuy nhiên, nếu nhìn vào quy định đã nêu không ít doanh nghiệp sẽ gặp khó.
Trước vẫn đề này, dư luận không khỏi quan ngại khi 3 quý đầu năm doanh nghiệp đã nộp đúng quy định của pháp luật thuế hiện hành, nhưng cuối năm nếu thu nhập quý 4 lớn hơn bình quân 3 quý đầu năm thì năm nào cũng bị tính tiền chậm nộp tiền thuế trong 5 tháng?
Quay trở lại ví dụ minh chứng, nếu thu nhập của doanh nghiệp trong quý 4 mà tăng lên 500 tỉ đồng, số tiền chậm nộp sẽ lên đến 2,718 tỉ đồng, Vậy, phải chăng, doanh nghiệp càng nỗ lực sản xuất kinh doanh vào thời điểm cuối năm, càng dễ dính vi phạm theo quy định này?
Thông tin với báo chí, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - ông Trần Xoa cho rằng, doanh nghiệp nộp thuế theo thu nhập phát sinh thực tế chứ không nên đưa điều khoản áp dụng tỷ lệ 75% trong 3 quý đầu năm để tính tiền chậm nộp của doanh nghiệp một cách tận thu bất hợp lý.
Theo ông Trần Xoa: Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/12, nên chưa rõ cơ quan thuế có áp dụng quy định này cho toàn bộ năm 2020 hay không, ngày 30/10, doanh nghiệp đã nộp xong thuế 3 quý đầu năm 2020, lúc này Nghị định chưa có hiệu lực thi hành, nếu tính tiền chậm nộp năm 2020 là đã hồi tố không đúng pháp luật. Trường hợp áp dụng quy định này, doanh nghiệp rất dễ bị tính tiền chậm nộp bởi các quý 1, 2, 3 gần như hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng nên trường hợp thu nhập thấp hoặc âm mà quý 4 tăng vọt sẽ bị tính tiền chậm nộp ngay.
Có thể bạn quan tâm