Ruộng sâu, trâu nái, lại đầy... tài khoản ngân hàng
Thời kỷ nguyên số, những lợi ích từ công nghệ cũng được ứng dụng vào các lời chúc Tết đầu năm và phản chiếu một đời sống với những thước đo giá trị tiện lợi.
Tết ở nhà, hạn chế ra đường vì các khuyến cáo phòng chống dịch COVID-19, đây cũng là dịp để gia đình tôi quây quần…xem ti vi hay lên mạng xã hội chúc Tết mọi người và lắng nghe, nhận về thơm thảo nhiều lời chúc mừng Xuân.
"Hạnh phúc và Bình an từ thân tâm để có thể “chế tạo” chính những điều mình mong đợi cho mình và cho người", là lời chúc của Marketer Trần Tuấn Việt, Cựu CMO VPBank dành cho bạn bè “cõi mạng”. Anh Trần Duy Hưng, Chủ tịch SSI thì có điểm nhấn “trước tiên chúc tất cả bình an vượt qua dịch bệnh”. Ngay sau khoảnh khắc giao thừa đón Xuân mới, KOL, chuyên gia Tài chính Lâm Minh Chánh gửi lời chúc đến hơn 50 ngàn thành viên của cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp với khỏe mạnh, hạnh phúc, thịnh vượng và “Năm mới vận hội mới!”. Nhiều Facebooker chuyên ngành tài chính thì mong một năm "tài khoản nhân đôi nhân ba"... Anh Phan Minh Thông, CEO Phúc Sinh Group từ sớm trước giao thừa đăng tải lời cầu mong của mình gửi tới mọi người trên trang enternews.vn của Diễn đàn Doanh nghiệp là: “Tôi cầu mong thế giới bình an, sức khỏe và mọi người, gia đình có đủ tiền trong tài khoản để không ai bị đói, làm sao hết dịch để thế giới có thể quay lại trạng thái bình thường, có công ăn việc làm kết nối. Người mua của chúng tôi bán được hàng, các bạn hàng mạnh khỏe và chúng tôi có các đơn hàng kinh doanh buôn bán vượt được khó khăn, tiếp tục phát triển”…Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lại chúc bạn bè trong cộng đồng Facebook "năm mới với tâm hồn là một khu vườn thanh bình, ngập tràn hoa nở và tiếng chim"...
Có thể thấy năm nay, như mọi năm, các lời chúc đều là những lời lành tâm, thiện ý, phong phú vô cùng; cũng như lời chúc Tết nào hầu như cũng có nhắc đến yếu tố sức khỏe thân - tâm. Sức khỏe, bình an dường không còn là câu chúc cửa miệng mà là mong ước sâu xa cho mọi người, cho bản thân, của bất kỳ ai một mùa Tết chưa từng có trong lịch sử: Tết mọi nhà sống với 5K.
Và vì sống với 5K, với hạn chế tiếp xúc, nên chưa bao giờ như lúc này trong dịp Tết, chúng tôi thấy ứng dụng công nghệ thông tin đi vào đời sống có ý nghĩa thập phần lợi hại. Nhất là với những người sống ở đô thị, nơi mà tốc độ phát triển của viễn thông và công nghệ tài chính- thanh toán đi trước, mạnh mẽ hơn.
Lần đầu tiên rất nhiều người trong 13 triệu dân số của đại đô thị lớn nhất nước năm nay phải lựa chọn đón Tết ở đất Sài Thành. Tết không được về quê nhà, không gặp được Thầy U, không được ôm Ba Me cùng hít thở khí trời chôn rau cắt rốn, nhiều người trong chúng tôi đi vào, đi ra, mua mua sắm sắm, không khỏi có đôi chút bâng khuâng bận lòng khi nghĩ về hàng chục năm đến nhiều năm về trước, xếp hàng ra bưu điện đánh bức điện tín, gọi cuộc thoại về quê. Hay ra ngân hàng chờ tới lượt chuyển chút quà qua ngân hàng về cho nhà mà có khi tiền về tới, Tết đã qua. Năm nay chỉ cần như anh Thông nói, “có đủ tiền trong tài khoản”, ai cũng có thể click chuột hoặc touch màn hình nhoay nhoáy trong vài phút, thế là người nhà ở quê có tài khoản đã nhận được tiền quà, lì xì mừng Xuân.
Quà mừng thì không hẳn chỉ có tiền mới là giá trị. Dù tôi thực rõ cũng như hầu hết nhiều người đã rời quê tha hương, di cư vào Sài Thành, ra Thủ đô cắm rễ, phần là số phận, nữa là cơ duyên, còn có là lựa chọn hoăc đưa đẩy nhưng đa phần đều vì đây là những nơi chốn phồn hoa dễ kiếm sống, dễ làm ăn, chúng tôi có hơn điều kiện để giúp đỡ gia đình, hỗ trợ người thân. Hoặc đơn giản chỉ là thêm đôi chút động viên để đời sống tinh thần của mọi người tăng thêm động lực. Và cái điện thoại thông minh, cái tài khoản ngân hàng lúc này đây trở thành phương tiện kết nối hữu hiệu.
Lúc này, tôi vẫn chỉ mới nói đến tài khoản ngân hàng là bởi, ở nhiều vùng quê, khái niệm gọi là “tài chính toàn diện” vẫn chưa thực đa dạng, chưa thể toàn, vẫn là mục tiêu và còn rất nhiều khoảng trống, nhiều dư địa cần cung cấp, phát triển. Phổ biến nhất vẫn là đi theo các mạng lưới của hệ thống ngân hàng mà có các dịch vụ tài chính có hàm lượng công nghệ số, có sự tiện lợi và hiện đại, kết nối hiệu quả.
Thế nhưng một điều thú vị năm nay, tôi được biết người nhà ở quê cũng đã rất thành thạo trong sử dụng công nghệ để gửi các món quà tuy thiếu phong vị quê hương nhưng vẫn thấm đẫm thân thương, những lời chúc cầu thật tâm, ý nghĩa. Ví dụ như chị gái tôi, cháu trai, anh họ hàng xa, bạn bè xưa cũ… nay đều đã có thể sử dụng ZaloPay, ví MoMo, thậm chí VNPay hoặc đơn giản là dùng Mobile Banking để gửi lì xì đầu năm vào ví điện tử hoặc tài khoản của tôi theo những con số như 6,8,9 hoặc các con số khác thay lời chúc nguyện. Trên trạng thái đó, rõ ràng tất cả mọi người sử dụng được ví điện tử đều đã có tài khoản ngân hàng.
Với tôi trong trường hợp này, lì xì nhận được là một "chất liệu" thể hiện những lời chúc không hàm đựng giá trị vật chất. Dù vậy sâu xa, nó chứa đựng giá trị văn minh và sự tiện lợi của ứng dụng công nghệ đang lan tỏa trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, trong thanh toán, đến với mọi miền. Nó là một lát cắt phản ánh đời sống của người dân với các giá trị tiện lợi nhưng không mâu thuẫn hay xóa nhòa các giá trị truyền thống văn hóa cũ. Nó linh hoạt hơn và thích ứng được với mọi trạng thái. Chẳng hạn trạng thái Tết bình thường mới này.
Năm Tân Sửu, năm của chú Trâu lành hiền mà ai cũng mong bên cạnh việc tạm biệt chú Chuột Canh Tý phía sau giao thừa, cùng với lời chúc sức khỏe, là sự cầu mong một hành trình phía trước an yên, một đời sống có tiêu, có dùng, bình thường mới rồi thực sự trở lại bình thường. Cùng những gia đình nông hộ còn gắn với cuộc sống “Con trâu đi trước, cái cày theo sau” và chú Trâu là gia tài, là người bạn đồng hành góp sức làm nên những hạt ngọc mùa vàng, những bữa cơm lúa mới thêm lừng mỗi nếp nhà Việt đầu năm, cùng những gia đình bạn bè, người thân, đối tác… đều thành thạo công nghệ, thậm chí là những người sáng tạo ra các ứng dụng công nghệ cho tài chính, tôi cũng lắng nghe và nhận về lời chúc nguyện với mọi nhà đều sẽ là 356 ngày có “ruộng sâu, trâu nái, lại đầy tài khoản ngân hàng”.
Công nghệ đang thay đổi hành vi tiêu dùng và thói quen sử dụng dịch vụ tài chính, giao dịch thanh toán. Những thước đo giá trị vật chất cơ bản cho cuộc sống thông thường cũng đã và đang được gói gọn, văn minh, có dải ứng dụng phổ rộng hơn. Và khi cuộc sống có thể chưa đổi thay vì chúng ta vẫn còn đối đầu với đại dịch, nhưng công nghệ cũng đang giúp 365 ngày bước tới sẽ chảy trôi và tiện lợi, nhẹ nhàng hơn, giúp chúng ta có thêm công cụ để tích lũy, làm dày thêm các giá trị cũ, mới...
Có thể bạn quan tâm
“Bệ đỡ” cho hệ sinh thái ngân hàng số
11:30, 03/06/2020
DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 18- 23/5: Cơ hội thúc đẩy ngân hàng số và thanh toán điện tử
11:30, 24/05/2020
“Mở lối” phát triển ngân hàng số và thanh toán điện tử
11:30, 23/05/2020
GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Vừa chạy vừa xếp hàng với ngân hàng số
06:45, 23/05/2020
TRỰC TUYẾN: Ngân hàng số và thanh toán điện tử - Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19
14:04, 21/05/2020