Chuyên gia kiến nghị giải pháp chống chuyển giá, trốn thuế tại Việt Nam
Việt Nam nên khuyến khích các doanh nghiệp FDI có những tiếng nói đại diện và Chính phủ Việt Nam có thể đối thoại mà không mang tính cục bộ, đối đầu...
Việt Nam đã và đang rất nỗ lực để vừa hoàn thiện khung pháp lý tiệm cận thông lệ quốc tế và tạo hành lang cho các cơ quan quản lý có đủ quy định, chế tài đối thoại, thanh kiểm tra giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chấp hành pháp luật thuế.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, chuyển giá, né thuế tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp liên kết trong nước là vấn đề đã tồn tại lâu nay khiến Chính phủ đau đầu. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam nên tổ chức các cuộc thanh tra cùng với một công ty kiểm toán độc lập, làm thế nào để có một bên thứ ba, khách quan định lượng những vấn đề đó. Ngoài các công ty kiểm toán độc lập, có thể là một tổ chức tài chính quốc tế chuyên về chuyển giá. Mục đích chính là thể hiện tính đa chiều khi đánh giá một sự việc đang diễn ra.
Cụ thể tại Coca-Cola Việt Nam (như đã được phân tích ở các bài viết trước về trên Diễn đàn Doanh nghiệp, Coca-Cola Việt Nam có dấu hiệu chuyển giá và cơ quan quản lý thuế đã phải vất vả đặt trong tầm ngắm mới ban hành quyết định truy thu gần nghìn tỷ đồng. Quyết định này đã gặp phản ứng khiếu nại từ doanh nghiệp), nếu có đủ cơ sở chứng minh họ không chuyển giá thì Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận. Ngược lại, nếu vấn đề được các bên làm sáng tỏ thì công ty này buộc phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Chúng ta đều biết, những năm qua, việc thất thu thuế vì chuyển giá là phổ biến, điển hình là tại các doanh nghiệp FDI có hàm lượng giao dịch mua bán lớn với các đơn vị khác thuộc Tập đoàn/ Công ty mẹ bên ngoài. Theo đó, Chính phủ đã rất nghiêm túc, triệt để với các quyết sách một mặt tạo thuận lợi kinh doanh, ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam nhưng mặt khác, nghiêm minh với các hành vi không phù hợp quy định pháp luật kinh doanh của Việt Nam. Chính phủ càng cần khách quan nhằm đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên.
“Hiện nay, vẫn chưa có kết luận về phản biện của Coca-Cola Việt Nam, chính vì vậy, cần nhiều bên vào cuộc để thể hiện sự công bằng, minh bạch. Nhìn vào mặt tích cực sẽ thấy, các công ty FDI đã mang lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia như giải quyết các vấn đề về lao động, ngoại hối, ngoại tệ và dù ko chuyển giao công nghệ một cách hoàn hảo, nhưng Việt Nam đã học hỏi được nhiều về cách tổ chức, quản lý doanh nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện nhiều hiệp định tự do thương mại như RCEP, TPPP, FTA,...”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Có thể thấy, các nhóm doanh nghiệp thường có dấu hiệu chuyển giá là các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm, hàng điện tử, các hoạt động về thương mại, bán lẻ. Lỗ hổng nằm ở khâu hạch toán chi phí đến từ các công ty mẹ như nguyên vật liệu, phí quản lý cao, phí này được đánh giá một cách chủ quan, thậm chí bắt các công ty con phải chịu.
Trong một nghiên cứu về chống chuyển giá của TS. Phạm Hùng Tiến, Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư Nước ngoài, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện tượng chuyển giá tồn tại ở khắp nơi và dưới nhiều hình thức, thông thường các cơ quan thuế giám sát vấn đề dựa trên nguyên tắc xác định giá thị trường hay còn gọi là nguyên tắc so sánh bên ngoài. Tuy nhiên, việc xác định giá chuyển giao nội bộ cần nhìn vào chuỗi giá trị gia tăng của chi tiết, sản phẩm đó. So sánh giữa tổng chi phí đầu vào với giá bán ra có thể nhận thấy có hiện tượng chuyển giá hay không. Nếu chi phí đầu vào lớn hơn nhiều lần so với giá bán, chắc chắn hiện tượng chuyển giá đã được thực hiện.
“Việc quản lý giá thành sản xuất trên bình diện quốc tế là vấn đề phức tạp không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các quốc gia khác. Khó khăn lớn nhất của việc chống chuyển giá là xác định giá trị thực. Trong sản xuất hàng hóa, mỗi khâu đều có quy trình hình thành chi phí sản xuất qua từng công đoạn”, TS. Phạm Hùng Tiến nhận định.
Theo kinh nghiệm quốc tế, các chi phí tại mỗi công đoạn sản xuất có giá thành tương đối ổn định. Đối với giá của các mặt hàng là nguyên liệu đầu vào đã được công khai minh bạch hoàn toàn, ví dụ như giao dịch qua sàn (tương đương như giao dịch chứng khoán), thì có thể tận dụng được các thông tin đó để xác định doanh nghiệp có khai đúng giá hay không.
Bên cạnh đó, đối với hầu hết các mặt hàng thông thường mà doanh nghiệp trong nước đã tự sản xuất được, thì sẽ thuận tiện hơn trong việc so sánh giữa các doanh nghiệp FDI với các đơn vị độc lập sản xuất mặt hàng tương tự để tính giá trị thực. Đối với các mặt hàng không có sản phẩm tương tự để so sánh, cơ quan thuế Việt Nam có quyền áp giá cố định dựa trên lợi nhuận trung bình của ngành.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam nên khuyến khích các doanh nghiệp FDI thành lập Hiệp hội để có tiếng nói đại diện và Chính phủ Việt Nam có thể đối thoại với các đại diện mà không mang tính cục bộ, đối đầu. Khi có các tổ chức đại diện thì việc đối thoại sẽ chính thức, khách quan hơn, có thể bao trùm hơn về pháp lý, môi trường và chính sách. Hiện nay, trước các vấn đề này, Việt Nam vẫn đang xử lý dưới hình thức 1:1, chưa đại trà và thể hiện sự răn đe, cương quyết.
Chẳng hạn như trở lại với trường hợp của Unilever Việt Nam. “Ông lớn” tiêu dùng này cũng được kiểm toán xác định thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty phải nộp giai đoạn 2009 - 2013 là 575 tỉ đồng. Nhưng đến tận năm 2020 vẫn chưa truy thu được vì doanh nghiệp này cho rằng có sự bất nhất giữa chính sách đầu tư và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, Unilever là một doanh nghiệp rất lớn, đã tham gia vào thị trường Việt Nam hàng chục năm, có đủ kinh nghiệm để đối thoại cùng các cơ quan quản lý sở tại. Càng như vậy, Việt Nam càng cần sự linh hoạt, không đẩy doanh nghiệp ra khỏi thị trường, nhưng cũng không thể vì vậy mà nhân nhượng, dung thứ cho những hành động mang tính bất quy tắc.
Một thực tế khác nữa là Việt Nam hiện cũng đã rất khuyến khích và tôn trọng các tổ chức đầu tư FDI. Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng đã và đang là cầu nối để Việt Nam thu hút ngày càng hiệu quả hơn các dòng vốn đầu tư cũng như tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam, bao gồm cả các nhóm đại bàng lẫn chim sẻ ngoại.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có lợi thế khi tham gia các Hiệp định thương mại, như vậy có thể tận dụng các chế tài đảm bảo cơ sở pháp lý, trong khi các công ty này đều nằm trong các quốc gia thành viên có tham gia Hiệp định. Đây cũng đều là lợi thế để các bên có được nhịp cầu nối đối thoại cùng nhau công minh và hợp lý, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, thay vì dùng dằng “tay đôi”, dẫn đến những phản ứng mạnh và khó xử.
Có thể bạn quan tâm
Từ vụ truy thu thuế Coca-Cola: Đã đến lúc chống chuyển giá, né thuế triệt để (Bài 1)
09:22, 05/02/2021
Từ vụ truy thu thuế Coca-Cola: Đã đến lúc chống chuyển giá, né thuế triệt để (Bài 2)
06:30, 06/02/2021
Từ vụ truy thu thuế Coca-Cola: Đã đến lúc chống chuyển giá, né thuế triệt để (Bài 3)
11:00, 08/02/2021
55% doanh nghiệp FDI báo lỗ: Có hay không hành vi chuyển giá, trốn thuế?
04:30, 31/01/2021