Gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất của doanh nghiệp
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phê duyệt chủ trương xây dựng Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đề xuất tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất
Theo Bộ Tài chính, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, trong đó nghiêm trọng nhất là ngành du lịch, vận tải.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021.
Cụ thể, đối với thuế giá trị gia tăng, để không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị thời gian gia hạn là 5 tháng. Dự kiến, số thu ngân sách của các tháng đó giảm khoảng 68.800 tỷ đồng.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn 3 tháng, thời hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý 1, quý 2 kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng được gia hạn. Ước tính số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn khoảng 40.500 tỷ đồng.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn. Dự kiến số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn khoảng 1.300 tỷ đồng.
Đối với tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được giảm. Dự kiến số tiền thuê đất được gia hạn khoảng 4.400 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế đợt này ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng. Đây là lần thứ 3, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Chi phí hỗ trợ chống dịch COVID-19 được trừ thuế
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù cùng trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp, tổ chức trên khắp cả nước, ở trung ương và địa phương đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, hưởng ứng và chung tay cùng Nhà nước trong các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Trong đó, các tổ chức, doanh nghiệp đã ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật (thuốc men, trang thiết bị y tế, lương thực - thực phẩm...), hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Việc ủng hộ, tài trợ này là nghĩa cử tốt đẹp, mang tính nhân đạo cao cần được động viên, khuyến khích, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Theo Phó Vụ trưởng, Vụ chính sách thuế Nguyễn Thị Thanh Hằng, Pháp luật về thuế TNDN hiện hành đã có quy định cho phép doanh nghiệp, tổ chức được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với một số khoản chi ủng hộ, tài trợ. Tuy nhiên, đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có một số khoản chi mới phát sinh trong thực tế thời gian qua thì chưa được quy định tính vào chi phí được trừ.
“Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép các khoản chi của doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ, tài trợ cho phòng, chống dịch COVID-19 được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN. Được sự chấp thuận của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19”, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết.
Trên thực tế, việc xác định những khoản chi ủng hộ, tài trợ được quy định tại Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Theo đó, doanh nghiệp, tổ chức được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với 5 nhóm chi ủng hộ, tài trợ. Cụ thể các nhóm: chi tài trợ cho giáo dục; chi tài trợ cho y tế; chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai; chi tài trợ làm nhà người nghèo mà đối tượng nhận tài trợ là hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; chi tài trợ làm nhà tình nghĩa, làm nhà đại đoàn kết.
Ước tính các doanh nghiệp đã chi ủng hộ cho các hoạt động phòng chống dịch trong năm qua đạt tổng cộng xấp xỉ 900 tỷ đồng. Số thuế mà Nhà nước giảm thu khi khoản này được doanh nghiệp khấu trừ vào chi phí, ước khoảng 170 tỷ đồng.
Với đề xuất gia hạn các loại thuế và tiền thuê đất, cũng như quy định được hạch toán trừ vào chi phí các khoản thực thi trách nhiệm cộng đồng, đây được đánh giá là những nội dung có ý nghĩa hỗ trợ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực dòng tiền trong những tháng tính nộp thuế năm qua. Qua đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được "khoan, thư" thuế, vượt dịch COVID-19 lần 3. Tuy nhiên, về phía Nhà nước, điều này sẽ làm tăng thêm áp lực giảm thu ngân sách với một tỷ lệ nhất định.
Có thể bạn quan tâm
Gia hạn nộp thuế TTĐB đối với doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước
11:30, 20/08/2020
TP. HCM: Gần 30.000 doanh nghiệp xin gia hạn nộp thuế
00:11, 17/08/2020
Tiếp tục rà soát, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất
16:44, 11/06/2020
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất
11:00, 04/06/2020