Năm 2021, SCIC sẽ bán vốn những doanh nghiệp nào?
Danh sách các doanh nghiệp mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến triển khai bán vốn năm nay lên tới 88 đơn vị, trong đó có nhiều tên tuổi được nhà đầu tư chờ đợi.
Cụ thể, danh sách doanh nghiệp SCIC dự kiến triển khai bán vốn năm 2021 có 88 doanh nghiệp, trong đó có nhiều tên tuổi như Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI – tỷ lệ 50,7%), Tổng công ty cổ phần Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – 36%), Nhựa TN Tiền Phong (37,1%), CTCP FPT (5,93%), Tập đoàn Bảo Việt (BVH – 3,26%), Tổng công ty Sông Đà (SJS- 99,79%), Tổng công ty Licogi (40,71%), Tổng công ty Thăng Long (25%), Tập đoàn Dệt May (Vinatex – 53,49%), Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam (Seaprodex – 63,38%), TCT CP Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex – 36,3%), TCT Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen – 98,16%)…
Có thể thấy nhiều doanh nghiệp được định giá hàng tỷ USD đã xuất hiện trong danh sách này và nhiều doanh nghiệp đã được nhà đầu tư "chờ cửa". Chẳng hạn như với cổ phần của SCIC tại Vocarimex, từ giữa tháng 12/2020, đã có nhà đầu tư cá nhân đăng ký đặt mua để đạt tỷ lệ sở hữu từ 0 nâng lên số cổ phần sở hữu dự kiến sau giao dịch tới 36.6%. Tuy nhiên sau đó SCIC đã gia hạn thời gian công bố thông tin và điều chỉnh thời gian tổ chức đấu giá. Kế tiếp, bước sang đầu 2021 là thông báo không tổ chức buổi đấu giá cổ phần của SCIC tại Vocarimex tại HNX...
Năm 2021, bán vốn là một trong những kế hoạch mà SCIC đặt trọng tâm. Tổng Công ty đã có báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung các văn bản hướng dẫn về cơ chế bán vốn đặc thù trong hạ giá khởi điểm của SCIC, xác định giá trị văn hoá, lịch sử, đất thuê trả tiền hàng năm…
Đồng thời về danh mục, SCIC sẽ chủ động lựa chọn doanh nghiệp và thời điểm bán vốn phù hợp với tình hình doanh nghiệp và diễn biến thị trường để thực hiện nhằm mang lại hiệu quả cho Nhà nước.
Hiện danh mục của SCIC đang quản lý có 157 doanh nghiệp trong đó có nhiều doanh nghiệp mới tiếp nhận năm 2020 và 2021.
Tổng giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong danh sách này là hơn 16.700 tỷ đồng (tính theo mệnh giá), trong đó Nhà nước có vốn nhiều nhất tại Sudico, Vinatex, Sabeco, Viwaseen, BMI, FPT, Vocarimex…
Năm 2021, SCIC đặt kế hoạch 6.498 tỷ đồng doanh thu và 3.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Con số này thấp hơn so với thực hiện 2020 lần lượt 18,2% và 49,8%.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, kế hoạch triển khai bán vốn của SCIC trong năm nay đã trôi mất gần 2 quý và những thời điểm sôi động một cách chắc chắn nhất thị trường chứng khoán - "dung môi" cho các hoạt động bán vốn Nhà nước đạt hiệu quả cao gần như đã trôi qua. Tuy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn và đang thu hút các dòng tiền quốc tế quay trở lại quan tâm; triển vọng của thị trường chứng khoán thậm chí vẫn còn được đánh giá tích cực kéo dài từ nay đến cuối 2021 nhưng bên cạnh đó, đã có nhiều rủi ro xuất hiện với: Định giá thị trường ở nhiều cổ phiếu, nhiều nhóm ngành không còn rẻ; COVID-19 đã và đang là ẩn số chung; Lạm phát với cơn sốt giá hàng hóa liệu có thể xác lập một chu kỳ tăng phi mã thực sự và tác động đến các dòng vốn đầu tư toàn cầu hay không... Do đó, kế hoạch bán vốn của SCIC mặc dù có nhiều hàng hóa tên tuổi được thị trường mong đợi, song vẫn phụ thuộc vào cách thức triển khai, giá dự kiến chào bán hay thời điểm chọn bán vốn...
Kế hoạch bán vốn tại 88 doanh nghiệp SCIC theo Danh-sach-du-kien-ban-von-2021.
Có thể bạn quan tâm