Ngân hàng có đang đi lùi?
Chúng ta đang xây những khát vọng to lớn và vô cùng đáng trân trọng, đáng phấn đấu, như trở thành trung tâm tài chính khu vực; song lại đang vướng phải rất nhiều bước thụt lùi…
Sau đây là hai ví dụ điển hình.
Quốc gia xuất khẩu lại khó về… chuyển khẩu
Chúng tôi làm “chuyển khẩu” từ những năm 2007, nghĩa là 14 năm về trước. Lúc đó chúng tôi mua hàng của công ty của Pháp và bán cho Hồng Kông, nhưng hàng xuất từ Madagasca và người mua cuối cùng là Arab Saudi. Khó nhất là vấn đề vay chiết khấu và thanh toán. Nhưng khi trình bày cho ngân hàng lúc đó, họ đồng ý cho vay và thanh toán.
Tuy nhiên, trong 14 năm qua, có những lúc ngân hàng cho phép thanh toán chuyển khẩu có lúc không! Hiện nay các quy định của NHNN làm cho hầu hết các ngân hàng thương mại không muốn làm việc này nữa. Nghĩa là không muốn cho vay chuyển khẩu nữa, trong khi đó rất nhiều các Công ty Singapore, Hồng Kông, Thái Lan… nói chung đại đa số các nước Đông Nam Á đều có thể làm nghiệp vụ này.
Gần đây, chúng tôi mua một lô hàng của khách hàng Ý và bán cho một khách hàng khác cũng của Ý. Mang hồ sơ đến ngân hàng thì họ nói họ không cho vay hình thức này nữa, tức là không cho vay chuyển khẩu nữa. Trong khi đó, hồi tháng 3 vừa qua, chúng tôi mua 1 lô hàng của Ấn Độ và bán cho khách hàng Hà Lan và được ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, lúc này, phía ngân hàng trả lời đã có quy định về Thông tư 42 (Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng – BBT) và văn bản 06 (văn bản hợp nhất số 06/2019/VBHN-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với người vay là khách hàng cư trú – BBT). Như vậy khó có thể cho vay chuyển khẩu.
Hoạt động kinh doanh vốn đã rủi ro, lại càng rủi ro. Trước đây, chúng tôi tiên phong thực hiện nghiệp vụ xuất khẩu này và trong 14 năm để có 1 chính sách mà các nước khác trên thế giới đã làm hàng trăm năm, nhưng sau đó thì lại đồng ý, không đồng ý, đồng ý… và không đồng ý. Vì vậy, chúng tôi cần một chính sách nhất quán để triển khai được nghiệp vụ xuất khẩu này. Cứ mỗi lần chúng ta không kiểm soát được, chúng ta lại chặn và nói không cho dễ, đỡ trách nhiệm. Chúng tôi xây dựng kinh doanh buôn bán quốc tế mà không biết tương lại sẽ lại như thế nào?
Như vậy, giấc mơ kinh doanh tự do trên thế giới hay muốn làm trung tâm buôn bán hàng hóa quốc tế rất xa vời, sẽ là rất xa vời. Chúng ta hay hô hào thế giới phẳng, các doanh nhân hãy vươn ra biển lớn, nhưng chúng ta không có cơ chế cho hoạt động kinh doanh thì mãi mãi chỉ là giấc mơ. Còn các doanh nghiệp nước ngoài phát triển mạnh mẽ ngay trên sân nhà Việt Nam chúng ta.
Những nghiệp vụ được lập trình máy móc
Cũng câu chuyện với ngân hàng và khát vọng trung tâm tài chính khu vực; có những việc nhỏ mà ngành ngân hàng cũng đang quản lý theo kiểu lập quy trình một cách khá máy móc, dù mang danh để quản lí và quản trị rủi ro. Gần đây, chúng tôi có vay tiền ngân hàng mua nhà ở trung tâm quận I để làm văn phòng. Một ngân hàng đồng ý cho chúng tôi vay 50% giá trị nhà. Hợp đồng xong nhưng do sếp đi công tác và phê duyệt hơi lâu và chúng tôi lại cam kết với bên bán, vì vậy chúng tôi trả trước tiền từ tài khoản ngân hàng mà họ cho chúng tôi vay.
Tuy nhiên, khi nói chuyện với ngân hàng thì lại không thể giải ngân vào tài khoản của công ty được. Chúng tôi hỏi tại sao? Câu trả lời là do Ngân hàng quy định, đã có văn bản nào đó vì lo sợ… không quản lý dòng tiền đi đúng mục đích vay. Chúng tôi đưa ra bằng chứng là tiền từ ngân hàng chuyển đi, tài khoản của người bán trên hợp đồng, song vẫn không nhận được sự chấp thuận đó là giao dịch/ tài khoản hợp lệ.
Vậy làm thế nào để hợp lệ và được giải ngân? Ngân hàng trả lời là phải tạo ra một việc khác? Chúng tôi đang vay đúng nhưng lại phải tạo phải một việc khác, sai mục đích để được giải ngân? Thật sự chúng tôi muốn lý giải nhưng không lý giải nổi điều gì đang xảy ra, với các nghiệp vụ ngân hàng, thanh toán, chuyển khoản vô cùng đơn giản mà vẫn vướng các quy định như vậy!
Doanh nghiệp kinh doanh đã rất khổ! Dịch giã diễn ra suốt hơn năm qua, muốn tìm mọi giải pháp buôn bán chuyển khẩu, giao dịch tài chính thanh toán chuyển khoản online… nhưng làm gì cũng vướng. Vậy chúng tôi phải làm sao?
Có thể bạn quan tâm
Phúc Sinh vì sao chọn bán lẻ hàng nguyên liệu đến tận tay người dùng?
12:32, 31/03/2021
Phúc Sinh Group trên hành trình mở lối tương lai
11:02, 12/02/2021
Phúc Sinh tiên phong chuyển đổi số trong nông nghiệp, ra mắt KPhucsinh app
14:42, 05/11/2020
Phúc Sinh tái định hình thị trường hồ tiêu Việt
11:48, 04/12/2019