Kết nối máy tính tiền điểm bán lẻ với thuế: Kiểm soát trực tiếp doanh thu

DIỄM NGỌC 10/08/2021 16:05

Sự đồng bộ về hạ tầng công nghệ và sự hỗ trợ của hoạt động thanh toán không tiền mặt, sẽ hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, hạn chế tối đa thất thu.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Bộ Tài chính mới ban hành Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong đó, yêu cầu hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền, kết nối với cơ quan thuế 24/7, nhằm giúp mục tiêu quản lý thuế nhanh, gọn và chính xác hơn.

Bên cạnh việc không xuất hoá đơn cho khách hàng, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, nếu muốn rút doanh số bán hàng giảm xuống cũng dễ dàng vì không ai quản lý trực tiếp

Bên cạnh việc không xuất hoá đơn cho khách hàng, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, nếu muốn rút doanh số bán hàng giảm xuống cũng dễ dàng vì không ai quản lý trực tiếp (Ảnh: Internet)

Từ thực trạng né thuế

Trước đó, việc triển khai hoạt động của hoá đơn điện tử đã cho thấy, ngành thuế đang nỗ lực tăng cường minh bạch thuế của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng ăn uống, trung tâm thương mại,... do ngành thuế chưa kiểm soát được thông tin doanh thu tại thị trường bán lẻ. Nhiều đơn vị bán hàng đã không công khai thuế dẫn đến tình trạng thất thu ngân sách Nhà nước.

Thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt trong những năm gần đây, mức sống của người dân ngày càng cao, tác động đến nhu cầu mua sắm, sinh hoạt chất lượng và hiện đại. Điển hình là các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng,... có lượng bán hàng hoá rất lớn mỗi ngày. Tuy nhiên, việc công khai chính xác doanh thu bán hàng vẫn còn là ẩn số, điều này dẫn đến sự thiệt thòi cho những đơn vị làm ăn chân chính, minh bạch. Trong khi đó, người tiêu dùng ít khi yêu cầu xuất hóa đơn đối với các mặt hàng thiết yếu, nhỏ lẻ, nhưng cuối ngày các điểm bán vẫn cần xuất hoá đơn giá trị gia tăng để phù hợp với khối lượng mua đầu vào, những hóa đơn mà khách hàng không yêu cầu đến thì doanh nghiệp tự biết “xử lý”.

Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đã từng chia sẻ trên báo chí rằng, các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ khoảng 50% thị phần bán lẻ nói chung tại Việt Nam, bởi mỗi điểm bán hàng của các doanh nghiệp FDI doanh thu có thể gấp 10 lần một điểm bán của doanh nghiệp trong nước. Song, bên cạnh việc không xuất hoá đơn cho khách hàng, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, nếu muốn rút doanh số bán hàng giảm xuống cũng dễ dàng vì không ai quản lý trực tiếp.

Trong khi ở nước ngoài, tôi đã thấy dù cửa hàng bán 1 bát phở cũng phải chuyển thông tin giao dịch về cục thuế, nếu không sẽ bị rút giấy phép đăng ký kinh doanh ngay. Các nước quản lý bằng kỹ thuật, công khai, còn ở Việt Nam, dù có bán 5 bát phở nhưng chỉ nộp thuế 1 bát. Chính vì vậy, việc công khai thuế, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cần phải tiến tới triển khai kết nối phần mềm bán hàng thường xuyên với cục thuế để kiểm soát doanh thu”, ông Phú nói.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp có sở hữu một số siêu thị bán lẻ tại Hà Nội cho biết, rõ ràng khách hàng luôn phải trả 10% thuế GTGT cho mặt hàng mình đã mua, nhưng các đơn vị bán thường tìm cách không khai báo để né thuế. Như vậy, sẽ có nhiều đơn vị kinh doanh không mong muốn việc kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, hiện nay, các siêu thị bán lẻ đang phải chịu sự cạnh tranh của hai nền tảng đó là chợ dân sinh và kênh bán hàng online. Có nhiều mặt hàng trong siêu thị bán giá rẻ hơn so với thị trường do nhập số lượng lớn, chiết khấu cao, nhưng tồn kho cũng không nhỏ. Nếu tiến tới minh bạch hoá, không còn “cửa” né thuế, các điểm bán này sẽ phải tăng giá bán, không còn cạnh tranh về giá với bên ngoài nữa, trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các điều kiện khác lại cao hơn. Chính vì vậy, doanh nghiệp nào cũng muốn công bằng, cũng muốn việc minh bạch thuế phải toàn diện và các nền tảng thương mại điện tử cũng cần phải quản lý chặt chẽ thì mới tạo ra sự đồng lòng”, vị đại diện chia sẻ.

Đi tìm lời giải

Thất thu thuế sẽ làm cho hiệu quả điều hành nền kinh tế, xã hội của Nhà nước thông qua công cụ thuế bị hạn chế, nhất là trong cơ chế thị trường như hiện nay, không chỉ làm ảnh hưởng đến số thu cho ngân sách nhà nước mà còn không đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Cần đồng nhất về hạ tầng công nghệ và đẩy mạnh thnah toán không tiền mặt để hỗ trợ tốt nhất việc quản lý thuế đối với lĩnh vực bán lẻ

Cần đồng nhất về hạ tầng công nghệ và đẩy mạnh thnah toán không tiền mặt để hỗ trợ tốt nhất việc quản lý thuế đối với lĩnh vực bán lẻ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia trong ngành, những biểu hiện hành vi của người nộp thuế chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố có liên quan lẫn nhau, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan, xuất phát từ chính sách thuế, từ cơ quan thuế và từ bản thân người nộp thuế.

Các chuyên gia cũng phân tích, yếu tố ảnh hưởng tới chống thất thu thuế đến từ hai nhóm như:

Thứ nhất, yếu tố khách quan bao gồm: tình hình kinh tế - xã hội; đặc điểm của nền kinh tế; chính sách, pháp luật; việc ban hành và thực hiện các quy trình quản lý thuế; công tác hạch toán, kế toán và quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ; nhận thức của chủ doanh nghiệp và trình độ của kế toán doanh nghiệp.

Thứ hai, yếu tố chủ quan gồm: việc triển khai thực hiện các quy trình quản lý thuế; ứng dụng công nghệ thông tin vào các công cụ hỗ trợ quản lý thuế; sự phối hợp của các cơ quan hữu quan với cơ quan thuế; trình độ nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ làm công tác quản lý thuế; và tính hiệu quả của việc tổ chức thực hiện các chức năng quản lý thuế.

Ông Đinh Hồng Sơn, Chuyên gia tài chính số nhận định, bản thân là người tiêu dùng, ông cũng mong muốn các cơ quan thuế sẽ có các giải pháp quản lý hữu hiệu, nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước và để đồng tiền của người dân đi đúng chỗ.

Trên thực tế, sẽ có những khó khăn nhất định khi kết nối hệ thống quản lý bán hàng tại các cơ sở kinh doanh đến cơ quan thuế, ví dụ như sự đồng bộ về hạ tầng, sự nhất quán về các phần mềm quản lý… Hiện còn tồn tại một lượng lớn các điểm bán hàng không dùng phần mềm, không có máy tính để lưu trữ và khởi tạo hoá đơn. Đây sẽ là trở ngại lớn để ứng dụng công nghệ vào kiểm soát bán hàng của cơ quan thuế.

Mặc dù xu hướng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang dần có chuyển biến tích cực, nhưng chưa đạt hiệu quả cao với mua sắm bán lẻ. Để tiến tới tài chính toàn diện quốc gia, các chương trình về thanh toán không tiền mặt cần được làm quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt là thí điểm Mobile Money nên sớm đi vào thực hiện, thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Như vậy, việc kết nối các thông tin, giao dịch không có những điểm đứt gãy và dễ dàng kiểm soát hơn.

Nếu người dân vẫn còn sử dụng tiền mặt nhiều, với các mô hình buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ, đa dạng khó kiểm soát như hiện nay thì các điểm bán hàng vẫn có nhiều cách để né thuế. Họ có thể sử dụng những phần mềm riêng, hay hạch toán hàng hoá, mua bán hai sổ mà vẫn đảm bảo có kết nối đến dịch vụ Thuế bình thường. Suy cho cùng để triển khai thành công nhiệm vụ này quan trọng vẫn là nhận thức và ý thức của người dân ”, vị chuyên gia phân tích.

Có thể bạn quan tâm

  • Quản lý thuế sẽ kết nối với máy tính tiền các điểm bán lẻ 24/7

    Quản lý thuế sẽ kết nối với máy tính tiền các điểm bán lẻ 24/7

    09:10, 09/08/2021

  • Dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý thuế: Một số quy định chưa phù hợp và thiếu thống nhất

    Dự thảo Thông tư hướng dẫn về quản lý thuế: Một số quy định chưa phù hợp và thiếu thống nhất

    04:00, 07/04/2021

  • Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tăng cường thu ngân sách trên nền tảng số

    Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tăng cường thu ngân sách trên nền tảng số

    04:30, 10/08/2021

  • Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Sử dụng hiệu quả nguồn lực Dự trữ quốc gia

    Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Sử dụng hiệu quả nguồn lực Dự trữ quốc gia

    16:40, 04/08/2021

  • Quản lý thu thuế: Tập trung các lĩnh vực còn dư địa, tiềm năng

    Quản lý thu thuế: Tập trung các lĩnh vực còn dư địa, tiềm năng

    05:00, 07/08/2021

DIỄM NGỌC