Huy động tổng lực để an dân: Người dân cần an sinh
Chi ngân sách hỗ trợ người dân không chỉ là chi theo gói 26.000 tỷ đồng. Dịch bệnh diễn biến khác khiến kế hoạch hỗ trợ cho người dân lúc này cũng phải khác.
UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ ngân sách cho TP HCM với số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo. Để đảm bảo an sinh, đây được coi là giải pháp cấp thiết.
Đó không chỉ là chi theo gói cơ bản như 62.000 tỷ đồng hay 16.000 tỷ đồng của 2020, không “bỏ ai ở lại phía sau”, mà là chi để “không một ai bị đói”.
Cơ sở chi ngân sách đã có
Nghị quyết kỳ họp lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV cho đã cho phép Chính phủ ưu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hiện tại, COVID-19 đã lan rộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, có Thành phố lớn như TP HCM, nơi có tỷ lệ điều tiết giữ lại từ các khoản thu phân chia về ngân sách về Trung ương thấp nhất cả nước (theo Nghị quyết 129/2020/QH14 là 18%), cũng là nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt COVID-19 bùng phát lần thứ tư. Sau TP HCM, các địa phương có đông đảo lao động tập trung như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa, Vũng Tàu... thì có tỷ lệ điều tiết giữ lại cao hơn.
Từ Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 tiếp tục xác định tỉ lệ % được giữ lại của 63 tỉnh thành, đã có cơ sở để đối chiếu với Quyết định 437/QĐ-TTg. Những địa phương nào cần được hỗ trợ ngân sách, mức nào, hoặc chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương, đã rất rõ.
Vì sao cần mở rộng “phạm vi chi tiêu”?
Tuy nhiên, việc sử dụng ngân sách hoặc cần hỗ trợ ngân sách để chi tiêu cho công tác phòng chống dịch, vẫn có giới hạn nhất định về mặt phạm vi chi tiêu.
Theo các văn bản liên quan và gần nhất, theo Nghị quyết 78 của Thủ tướng, thì sẽ có danh chi tiêu mua sắm tập trung đối với các sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế… phục vụ phòng, chống dịch trong đó có tỷ lệ mua sắm dự phòng; theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg sẽ chi về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn (gói 26.000 tỷ đồng); chi cho hoạt động cách ly và khám, xét nghiệm, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, chi cho các đối tượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch, chi cho hoạt động thúc đẩy mua và tiêm vaccine theo chiến lược miễn dịch cộng đồng,...
Trong đó, riêng về mua và tiêm vaccine, các hoạt động chi tiêu của các cấp địa phương cũng chưa thể chủ động thực sự. Điển hình như TP HCM muốn được giữ lại số tiền mà các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch nói chung và ủng hộ kinh phí mua vaccine nói riêng, thì phải được sự đồng ý của Mặt trận tổ quốc và Bộ Tài chính.
Hơn nữa, tại Nghị quyết 78, cũng khẳng định Công tác bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, việc đầu tư, mua sắm sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế... kịp thời, hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; cùng với đó yêu cầu các địa phương phải đảm bảo quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Mặc dù công tác an sinh xã hội được nhấn mạnh và các địa phương hiện tại cũng đã nỗ lực để thực thi công tác an sinh này, chẳng hạn như TP HCM ứng phó với 30 ngày giãn cách mới từ 16/8, đã nêu cam kết sẽ có 1 triệu gói hỗ trợ an sinh, hỗ trợ lương, không để ai bị đói; nhưng cũng do các ràng buộc trong chi tiêu từ ngân sách, chắc chắn TP HCM cũng như các địa phương sẽ phải rất “liệu cơm gắp mắm” trong kế hoạch cung cấp thực phẩm, thuốc men đầy đủ đến người dân, để dân thực hiện ai ở đâu yên đó dài hạn.
Việc gấp rút hỗ trợ ngân sách cụ thể về các địa phương có tỷ lệ điều tiết giữ lại thấp, và cho phép sử dụng như gói an sinh trong dài hạn lúc này là vô cùng cần thiết để các nhà lãnh đạo đứng đầu các tỉnh thành có “dư địa” thực hiện nhiệm vụ “nuôi dân” - giữ mạch sống, đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch như mục tiêu.
Nghị quyết 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 tiếp tục xác định tỉ lệ % được giữ lại của 63 tỉnh thành. Theo đó 16 địa phương có tỉ lệ điều tiết giữ lại là TPHCM (18%), Hà Nội (35%), Bình Dương (36%), Đồng Nai (47%), Vĩnh Phúc (53%), Bà Rịa-Vũng Tàu (64%), Quảng Ninh (65%), Đà Nẵng (68%), Khánh Hoà (72%), Hải Phòng (78%), Bắc Ninh (83%), Quảng Ngãi (88%), Quảng Nam (90%), Cần Thơ (91%), Hưng Yên (93%), Hải Dương (98%), các tỉnh còn lại là 100%. |
Có thể bạn quan tâm
Huy động tổng lực để an dân: Các gói hỗ trợ người dân, vượt dịch
15:00, 21/08/2021
DUY TRÌ MẠCH SỐNG CHO TP HCM: Chiến lược Sinh kế - An dân
14:18, 18/08/2021
TP.HCM kiến nghị 4 nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất
12:43, 18/08/2021
DUY TRÌ MẠCH SỐNG CHO TP HCM: 4 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19
01:23, 17/08/2021
[eMagazine] Sau 1 tháng phát tiền cho dân, xin đừng chậm trễ hơn nữa!
18:31, 31/07/2021