GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: Đảm bảo đồng bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

DIỄM NGỌC 27/10/2021 15:47

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, đại diện Tổng Cục thuế, phải có chính sách đồng bộ, tránh xung đột, triệt tiêu lẫn nhau; bảo đảm sự thống nhất, tính khả thi của chính sách để doanh nghiệp thực hiện.

Đại dịch COVID-19 xảy ra như một “khách không mời mà đến”, sau khi trải qua 4 đợt dịch bùng phát, Việt Nam đã xác định sẽ chung sống với dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, nếu nhìn lại cả quá trình chống dịch, ngành y tế cả nước, lực lượng vũ trang, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị đều đã vào cuộc quyết liệt. Chưa có giai đoạn lịch sử nào chúng ta phải tập trung nhiều lực lượng với nhiều giải pháp chính sách đã được ban hành, trong đó có chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ...

Diễn đàn Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh" do Tạp chí DĐDN tổ chức, dưới sự chỉ đạo của VCCI. Ảnh Quốc Tuấn

Nhiều chính sách thiết thực

Phát biểu tại Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh” do Tạp chí DĐDN tổ chức, dưới sự chỉ đạo của VCCI, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, cái khó của ngân sách Nhà nước đó là làm sao có tiền để chi, vì bình thường đã phải lo cho đầu tư phát triển, trả nợ nước ngoài, ăn sinh xã hội, quốc phòng an ninh và phát triển cho sự nghiệp trong tương lai.

Riêng ngành thuế đã có những đóng góp nhất định trong cuộc chiến của đất nước ngày hôm nay, thuế được tạo ra từ sản xuất kinh doanh; sản xuất kinh doanh không phát triển, không hiệu quả thì không thể có nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Trong thời gian vừa qua, với tư tưởng “khoan thư sức dân”, ngành thuế đã nỗ lực làm mọi biện pháp giúp gánh nặng của doanh nghiệp giảm dần.

Đến nay, luật quản lý thuế đã cho phép giãn thời gian nộp thuế đối với doanh nghiệp có doanh thu 50 tỷ đồng trở xuống. Theo đó, các doanh nghiệp này được khai thuế theo quý, nghĩa là sau 90 ngày mới phải khai thuế. Tương tự như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp dựa vào khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp, có thực lãi, thực tích lũy thì mới áp thuế này. Đồng thời, doanh nghiệp căn cứ vào kết quả kinh doanh của năm trước, sau đó lượng hóa đến khả năng nộp thuế của năm sau và được quyền tạm chia số thuế ước tính nộp dần từng quý.

Trong năm 2020, khi dịch bệnh vừa xảy ra từ tháng 3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thời gian nộp tiền thuê đất. Do đó, chúng ta đã làm được một đợt hỗ trợ cho doanh nghiệp với hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã điều trần trước Quốc hội về gói giải pháp thực hiện năm 2020 và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NĐ-CP, nhằm trợ cấp cho người dân, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngành thuế đã chỉ đạo các địa phương triển khai ngay, hướng dẫn địa phương chủ động làm các tờ biểu tờ khai để khi Nghị quyết được ban hành có thể thực hiện được ngay.

Từ năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, quỹ phòng chống dịch với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng, tùy theo năng lực của từng doanh nghiệp. Vậy với nguồn ủng hộ của doanh nghiệp đó, từ 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2021 về hướng dẫn chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế với các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho công tác phòng chống dịch, bằng hiện vật hay tiền mặt. Từ đó, tiền thuế của doanh nghiệp được trừ ra và sẽ được chia sẻ theo tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp, thay vì để doanh nghiệp phải bỏ tiền túi. Để xác định những khoản chi này, doanh nghiệp chỉ cần có các biên bản xác nhận tài trợ có mẫu kèm theo, hoặc có văn bản, chứng từ tài liệu xác nhận hợp lý.

Cũng theo ông Phụng, năm 2021, Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ ban hành đã có phạm vi rộng hơn, nhanh hơn, được gia hạn thuế nhiều hơn, trong đó cho gia hạn thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 8/2020 với những doanh nghiệp khai thuế theo tháng và gia hạn thuế giá trị gia tăng quý 1, quý 2 nếu doanh nghiệp nộp thuế theo quý. Đến ngày 31/12 tới sẽ là thời hạn cuối cùng các doanh nghiệp phải thanh toán khoản những khoản tiền này.

Với tiền thuê đất, một năm đóng hai kỳ, nhưng đến nay cũng được gia hạn đến 31/12, như vậy trong thời gian doanh nghiệp chưa phải nộp tiền, thì có thể dùng dòng tiền nhàn rỗi tạm thời để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu tại chỗ.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn bình thường mới, doanh nghiêp sẽ phải thu xếp dần để nộp thuế, phí, đảm bảo cho thu ngân sách nhà nước tới cuối năm.

Tăng cường giải pháp hỗ trợ

Năm nay, Chính phủ cũng đã trình Quốc Hội cho phép doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2021. Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, do nguồn lực của đất nước có hạn, nên việc giảm thuế này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có mức doanh thu năm dưới 200 tỷ đồng, đồng thời doanh thu năm 2021 phải thấp hơn doanh thu năm 2019.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Ảnh Quốc Tuấn

Có rất nhiều kiến nghị xoay quanh chính sách này, tuy nhiên phải lý giải rằng các doanh nghiệp đang hoạt động có rất nhiều loại hình, nếu hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp, thì nguồn thu ngân sách sẽ không bảo đảm.Do đó, trong lúc khó khăn những doanh nghiệp nhỏ và vừa, dễ bị tổn thương cần được hỗ trợ nhiều hơn.

Cho dù biết rằng, doanh nghiệp lớn có khó khăn lớn, doanh nghiệp nhỏ có khó khăn nhỏ, nhưng đứng về lĩnh vực tài chính ngân sách, thì nguồn lực quốc gia chưa đủ, chưa có điều kiện để chia sẻ với doanh nghiệp lớn bằng tiền mặt, vì vậy sẽ chia sẻ bằng cơ chế chính sách,bằng những động thái để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phát triển, phục hồi nhanh”, ông Phụng chia sẻ.

Ngoài ra, trong năm 2020, đã có trên 30 loại phí và lệ phí liên quan đến hoạt động doanh nghiệp có ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được giảm từ 30-70% và điều này đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp.

Sáng ngày 27/10, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 92/NĐ-CP, để triển khai thực hiện Nghị quyết 106 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đây là một tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Phụng, cần có một số giải pháp chính sách cần thực hiện như:

Thứ nhất, có những giải pháp về vĩ mô, quyền kinh doanh, chi tiêu công mà doanh nghiệp có cơ hội tham gia triển khai để tăng sức lan toả.

Thứ hai, phải có chính sách đồng bộ, tránh tình trạng xung đột, triệt tiêu lẫn nhau. Cần phải ngồi lại với nhau để bảo đảm sự thống nhất và tính khả thi để doanh nghiệp có thể thực hiện.

Thứ ba, cần tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia và chia sẻ cùng Chính phủ trong việc phòng chống dịch bệnh. Đã đến lúc phải huy động nguồn lực của người dân. trong đó có sự đóng góp của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, theo quy định của thuế thu nhập cá nhân, người lao động có thu nhập từ tiền lương, tiền công và có thu nhập khác thì phải xác định thu nhập chịu thuế. Nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, khoản chi phí liên quan đến người lao động để đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho sản xuất thì không được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân, vì bản chất người lao động không được nhận thu nhập này”, ông Phụng cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: “Cần các chính sách đồng bộ cộng hưởng sức mạnh”

    GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: “Cần các chính sách đồng bộ cộng hưởng sức mạnh”

    14:32, 27/10/2021

  • TRỰC TIẾP: Diễn đàn trực tuyến “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”

    TRỰC TIẾP: Diễn đàn trực tuyến “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”

    13:00, 27/10/2021

  • Diễn đàn

    Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh"

    09:00, 27/10/2021

  • 27/10/2021: Diễn đàn trực tuyến “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”

    27/10/2021: Diễn đàn trực tuyến “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh”

    16:27, 25/10/2021

DIỄM NGỌC