GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: “Cần các chính sách đồng bộ cộng hưởng sức mạnh”

Bài: ĐỖ HUYỀN - Ảnh: QUỐC TUẤN 27/10/2021 14:32

Đây là nhấn mạnh của ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khi nói về bức tranh doanh nghiệp thời điểm hiện tại.

Chiều ngày 27/10, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh".

ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quốc Tuấn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong suốt 2 năm qua và đặc biệt là trong nửa đầu năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh với biến chủng Delta diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức; thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với đất nước.

Nhưng cũng phải chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn họ phải từng ngày từng giờ đối mặt, vượt qua”, ông Vinh nhấn mạnh.

Trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.

Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh của quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

Các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định đại dịch COVID-19 sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến cách thức vận hành của nền kinh tế, đến quản trị quốc gia, quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp. Quá trình phục hồi kinh tế kéo dài, nhiều nước đưa ra các quy định pháp luật mới, các chính sách đặc biệt có thời hạn nhiều năm để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động.

Theo ông Vinh, ở nước ta, cuộc chiến chống COVID-19 đã làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ, tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền, tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã. Việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải, nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đồng thời, nói như Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, “trong nguy có cơ”, những quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới” thì doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Những quốc gia có sự phản ứng chính sách với thị trường mới tốt thì doanh nghiệp cũng có cơ hội chớp được thời cơ sớm, nhanh nhạy chớp thời cơ, đi đầu và tăng doanh thu.

"Tôi nhìn thấy sự thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, đem lại nhiều cơ hội cho chuyển đổi số", ông Vinh nói.

 Diễn đàn Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh" thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Quốc Tuấn

Cũng phải khẳng định rằng, đồng hành với người dân, doanh nghiệp Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt.

Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; cắt giảm thủ tục hành chính; hỗ trợ lãi suất,… liên tục được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ban hành để giúp cho các doanh nghiệp, người dân vượt qua những khó khăn như Nghị định 52, Nghị định 75, các Nghị quyết 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP.

Để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cùng nỗ lực, đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững niềm tin, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ; tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể. Chính phủ đang triển khai lộ trình “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Được biết, mới đây nhất, ngày 19/10/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Trong đó quy định cụ thể về 4 giải pháp miễn, giảm thuế của năm 2021 với 3 lần đầu tiên được áp dụng.

Đó là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế phải nộp phát sinh trong các quý 3 và 4 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong một số ngành nghề và miễn tiền chậm nộp.

Đây là một trong những chính sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể sớm vượt qua khủng hoảng của COVID-19.

Tuy nhiên, để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để chính những chính sách này cộng hưởng sức mạnh.Trên phương diện kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh cũng phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội”, ông Vinh kiến nghị.

Chính vì vậy, ông Vinh cho rằng sự hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.

Cũng theo Tổng thư ký VCCI cho biết, tại Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh", các ý kiến, những hiến kế từ thực tiễn sản xuất kinh doanh sẽ được tổng hợp và kiến nghị để thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngày một phục hồi sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất "nới" điều kiện giảm thuế TNDN 30% cho doanh nghiệp từng lĩnh vực

    14:17, 27/10/2021

  • Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh"

    09:00, 27/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
GIẢM CHI PHÍ ĐỂ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI: “Cần các chính sách đồng bộ cộng hưởng sức mạnh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO