Kinh tế địa phương

Hải Phòng: Hỗ trợ hộ nuôi trồng thủy sản phục hồi sản xuất

Hải Ngân 07/10/2024 1:36

Các địa phương trên địa bàn TP Hải Phòng đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn hộ kinh doanh nuôi trồng thủy sản khắc phục thiệt hại, từng bước khôi phục sản xuất.

11.1.jpg
Công tác khoan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản đang được các cơ quan chuyên môn tiến hành để chuẩn bị sẵn sàng cho phục hồi sản xuất

Chủ động khắc phục

Theo UBND TP Hải Phòng, bão số 3 Yagi đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản của địa phương, tập trung ở các quận huyện Cát Hải, Đồ Sơn, Kiến Thuỵ, Dương Kinh… Khoảng 4.600ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, nhiều diện tích nuôi mất trắng.

Nửa tháng sau bão số 3, gia đình ông Cao Minh Luân, một trong những nuôi trồng thuỷ sản tại vụng O thuộc quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) mới mua được tôn, thuê được thợ, lợp lại mái nhà tại bè nuôi trồng thuỷ sản. Cơn bão đi qua đã khiến một phần bè cá bị bục, mái nhà bị bay và nhiều đồ đạc trong nhà bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại của gia đình ông Luân khoảng 300 triệu đồng.

“Bây giờ đau buồn mãi cũng không giải quyết được việc gì, việc cần làm phải khắc phục, để tiếp tục nuôi trồng, có tiền trả nợ. Vay mượn đến đâu, gia đình tôi tiến hành sửa chữa, khắc phục đến đó. Gia đình tôi cũng củng cố dần dần, tiếp tục bắt giống để chăn nuôi. Mất đến đâu thì khắc phục đến đấy thôi, mất lớp cá kia thì mình phải bổ sung, gối vụ lớp mới vào. Trước mắt gia đình tôi làm lại nhà ở đã, rồi mới củng cố bè, bổ sung thêm chăn nuôi, mua thêm cá giống gối vụ vào”, ông Luân chia sẻ.

10.jpg
Các hộ nuôi trồng thủy sản tại các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà khắc phục thiệt hại sau bão số 3

Cũng là một trong những hộ kinh doanh, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề sau bão, gia đình bà Dương Thị Cẩn - Xã Trân Châu, huyện Cát Hải vừa phải khắc phục hậu quả sau bão, vừa phải lo xoay sở trả tiền lãi vay Ngân hàng hàng tháng.

“Nhà tôi bị đánh sập mất 1 giàn 6 ô, 1 lồng cá to và hơn 100 con cá con. Bè bị tốc mái đằng sau với 2 bờ hồi, mái trên. Cả cá, cả bè thiệt hại gần 400 trăm triệu. Bây giờ, hàng tháng, tôi phải trả gần 10 triệu tiền ngân hàng, cả gốc cả lãi. Mà giờ bè mảng tan nát, tôi chưa đi làm được cái gì ra tiền để đóng tiền ngân hàng. Tôi mong muốn được Ngân hàng giảm lãi suất để gia đình khắc phục dần dần”, bà Cẩn tâm sự.

Chung tay của nhiều “nhà”

Ngay sau bão, các địa phương trên địa bàn TP Hải Phòng đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn hộ kinh doanh nuôi trồng khắc phục thiệt hại, từng bước khôi phục sản xuất.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, cùng với những hỗ trợ về vật chất, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương xây dựng kế hoạch và giải pháp khôi phục, phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

“Liên quan đến lĩnh vực thuỷ sản, đây là thiệt hại lớn. TP Hải Phòng đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương để rà soát các hộ bị thiệt hại và bắt đầu có hỗ trợ. Thứ nhất, động viên, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ bà con, để bà con sớm khối phục sản xuất. Thứ hai, hướng dẫn quy trình xử lý sau bão; cái này rất quan trọng, nếu chúng ta không làm bài bản thì có thể để lại hậu quả”.

Còn ông Hoàng Trung Cường – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cát Hải cho biết, ngay sau bão, huyện Cát Hải đã phối hợp các Sở, ngành của TP Hải Phòng thống kê thiệt hại, lập danh sách cụ thể từng cơ sở, từng hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại để đề xuất Trung ương, TP Hải Phòng có cơ chế hỗ trợ người dân. Đồng thời, đề xuất ngân hàng hoãn, giãn nợ, giảm lãi đối với các khoản vay của các cơ sở, các hộ gia đình trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản... Huyện Cát Hải cũng huy động các nguồn xã hội hoá, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ các gia đình khắc phục thiệt hại ban đầu.

Ông Phạm Trường – Chủ tịch Hội doanh nghiệp doanh nhân huyện Cát Hải chia sẻ: “Sau cơn bão số 3 ập đến, các hộ nuôi trồng thủy sản tại Cát Bà bị thiệt hại rất nhiều, thậm chí là mất trắng. Trước những thiệt hại đó, phía hội đã kết nối với hội golf Hải Phòng, trên tinh thần lá lành đùm lá rách, gửi một phần tấm lòng của các golfer TP Hải Phòng đến huyện đảo, động viên cho các hộ nuôi trồng thủy sản vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất”.

12.1.jpg
Các doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản tại Cát Hải bị thiệt hại sau bão

Được biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp TP Hải Phòng cũng phối hợp Cục Nuôi trồng Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiến hành quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản, kết nối các doanh nghiệp sản xuất con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng cho các hộ nuôi.

Theo ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Nuôi trồng Thủy sản, hiện nay, trên biển và trên sông, đặc biệt là hệ thống nuôi lồng trên sống vẫn còn rất gian nan với môi trường. Rác thải, cây, xác động vật sẽ làm chậm tiến độ để xuống giống và khôi phục lại sản xuất cho nuôi biển, sản xuất lồng bè.

“Môi trường ổn định đạt điều kiện thì mới thả giống. Khi môi trường chúng ta chưa dọn dẹp sạch sẽ, chưa đảm bảo các điều kiện mà chúng ta lại vội vàng thả xuống thì thiệt hại lại tăng lên rất nhiều”, ông Trần Đình Luân cho biết.

Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, hiện đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục hạ tầng ao nuôi, kho đựng vật tư bị tốc mái, hư hại do bão, tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ao nuôi thủy sản, những vùng trũng, ngập lụt kèo dài sau khi nước rút… Đồng thời, thu gom, xử lý rác thải, chất thải trong nuôi trồng thủy sản không để gây ô nhiễm môi trường, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu, dụng cụ cần thiết để ổn định sản xuất, sẵn sàng thả giồng thủy sản tái sản xuất tại các diện tích bị thiệt hại sau bão khi các điều kiện cho phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Hỗ trợ hộ nuôi trồng thủy sản phục hồi sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO