Cần thêm trợ lực để doanh nghiệp… vượt khó

Bài: YẾN NHUNG - Ảnh: QUỐC TUẤN 06/04/2024 03:50

Trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi, doanh nghiệp còn đối diện với khó khăn, thách thức, chuyên gia kiến nghị, cần tiếp tục có chính sách trợ lực cho doanh nghiệp...

>> Dự thảo chính sách về Quỹ Hỗ trợ đầu tư chưa hỗ trợ doanh nghiệp

Theo đó, sự suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tới nền kinh tế trong nước cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian qua. Điều này làm cho tổng cầu trong nước giảm theo, đây là nguyên nhân chính dẫn tới sự thoái lui của hàng chục ngàn doanh nghiệp.

Trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi, doanh nghiệp còn đối diện với khó khăn, thách thức - Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi, doanh nghiệp còn đối diện với khó khăn, thách thức - Ảnh minh họa

Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tháng 01/2024, cả nước có 13.536 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 24,8% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, cả nước cũng ghi nhận có 53.888 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 7.798 doanh nghiệp, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp giải thể là 2.165 doanh nghiệp, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là những doanh nghiệp có thời gian hoạt động ngắn (dưới 5 năm); quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng). Đây là nhóm doanh nghiệp dễ chịu ảnh hưởng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh, cũng như khó khăn của năm 2023 và cũng là nhóm doanh nghiệp thuộc diện “dễ đóng, dễ mở”.

Mặt khác, những doanh nghiệp (có thời gian hoạt động trên 5 năm) phải tạm dừng hoạt động cũng có tỷ lệ khá cao. Nguyên nhân là do thiếu vốn, thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao…

>> Quỹ Hỗ trợ đầu tư: “Nới” điều kiện với doanh nghiệp công nghệ cao

Nhiều ý kiến cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, cần tiếp tục có các chính sách trợ lực cho doanh nghiệp - Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, cần tiếp tục có các chính sách trợ lực - Ảnh minh họa

Thực thế cho thấy, xuất khẩu dệt may đã giảm trên 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Cùng với đó, các doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giản các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu để tiếp tục duy trì hoạt động.

Tương tự, ngành xây dựng công nghiệp cũng gặp khó khăn do thị trường giảm, lãi suất cao, đơn hàng giảm. Đặc biệt, khi doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền trong chuỗi cung ứng. Hiện nay hầu hết các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ và vì thế kéo theo nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế.

Trước thực trạng nêu trên, để trợ lực cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục duy trì các chính sách khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp. Đồng thời, duy trì chính sách tài khóa mở rộng; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch nội địa. Đặc biệt là gia hạn thời gian giảm thuế VAT sang tháng 6/2025.

“Cơ quan chức năng cần nỗ lực thực hiện hiệu quả biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, cung cấp đầy đủ tín dụng cho doanh nghiệp và người dân. Tăng cường hơn nữa xúc tiến thương mại, tìm kiếm những thị trường mới, thị trường ngách”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh kiến nghị.

Đồng quan điểm rằng cần giải bài toán về vốn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội chia sẻ, thực tế các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn và năng lực tài chính.

Theo chuyên gia này, việc tiếp vốn cho doanh nghiệp là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn nhiều.

Cùng với đó, mặc dù doanh nghiệp đã có sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại. Chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí... cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài.

“Do vậy, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp”, ông Vân nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Văn Được, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành từ lâu, nhưng chưa thực sự hiệu quả. Tiêu biểu như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực gần 5 năm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ.

“Trong giai đoạn khó khăn này, cần có sự vào cuộc hơn nữa của cơ quan chức năng, hỗ trợ doanh nghiệp, khi doanh nghiệp qua được khó sẽ tạo việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và góp phần tăng trưởng kinh tế”, ông Được bày tỏ.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

    Quảng Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

    02:00, 04/04/2024

  • Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mục tiêu nhanh

    Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mục tiêu nhanh

    12:18, 03/04/2024

  • Dự thảo chính sách về Quỹ Hỗ trợ đầu tư chưa hỗ trợ doanh nghiệp

    Dự thảo chính sách về Quỹ Hỗ trợ đầu tư chưa hỗ trợ doanh nghiệp

    03:30, 30/03/2024

  • VCCI nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Canada

    VCCI nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Canada

    17:18, 27/03/2024

  • Noventiq hỗ trợ doanh nghiệp Việt dùng Microsoft Copilot để thoát ‘bẫy nợ số’

    Noventiq hỗ trợ doanh nghiệp Việt dùng Microsoft Copilot để thoát ‘bẫy nợ số’

    16:55, 26/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần thêm trợ lực để doanh nghiệp… vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO