Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã từng bước hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong SXKD. Tạo động lực cho doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, đóng góp phát triển KT-XH của địa phương.
>>>Quảng Ninh: Phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đẩy mạnh các giải pháp
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tín dụng ưu tiên… ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Hội nghị với sự tham gia của gần 500 doanh nghiệp, doanh nhân.
Đây không chỉ là hoạt động thiết thực kịp thời lắng nghe các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; khích lệ, động viên, thôi thúc doanh nghiệp không ngừng nỗ lực đổi mới, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển mà còn lần nữa thể hiện cam kết luôn đồng hành và liên tục đổi mới trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.
Điều này cũng được thể hiện rõ nét khi trong ngày đầu tiên của năm mới Giáp Thìn 2024 (ngày 10/2), lãnh đạo tỉnh đã đi thăm, động viên công nhân, người lao động làm việc xuyên Tết và kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh tại Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam), KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên. Việc lãnh đạo tỉnh chọn đến thăm, động viên, chúc Tết cán bộ, công nhân, người lao động ngay ngày đầu năm mới thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Thời gian qua, các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, hành động quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành, phục vụ doanh nghiệp một cách tốt nhất; giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; xử lý những khó khăn, vướng mắc, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư.
Theo Cục Hải quan tỉnh: Để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, đơn vị đã xây dựng "Cửa khẩu số", "Hải quan số"; triển khai hiệu quả hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCISS, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan… Cùng với đó, Hải quan Quảng Ninh đã tiên phong thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật; rà soát, đề xuất cắt giảm kiểm tra chuyên ngành đối với 13 nhóm mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu; xây dựng 104 quy trình ISO cho các TTHC thuộc thẩm quyền…
Sát cánh cùng doanh nghiệp
Theo Ban quản lý Khu kinh tế: Quảng Ninh đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết, kế hoạch, văn bản. Cùng với đó, từ tỉnh đến sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; thường xuyên trao đổi, lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng tạo ra mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ…
Nhằm rút ngắn thời gian, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, Ban Quản lý KKT tỉnh thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản pháp luật chưa phù hợp; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định về TTHC, quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh ngay trong quá trình dự thảo văn bản. Cùng với đó, Ban kiên quyết không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho công tác quản lý nhà nước.
Ông Bruno Jaspaert - Tổng Giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C (TX Quảng Yên), cho biết: Quảng Ninh được đánh giá là địa phương đi đầu trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Từ linh hoạt các chính sách ưu đãi, tỉnh đã cụ thể hóa hoạt động hỗ trợ, từng bước tháo gỡ cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của địa phương.
Theo UBND thành phố Hạ Long: Là thành phố thủ phủ, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, TP Hạ Long đã luôn sát cánh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó, thành phố cũng sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, tăng tính liên kết, đảm bảo liên thông giữa các khu vực.
Nhiều công trình đã và đang được triển khai, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, thu hút nguồn lực đầu tư như: Cầu Bình Minh, đường nối qua KCN Việt Hưng đến nút giao An Tiêm, đường nối từ tỉnh lộ 342 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương… Thành phố cũng duy trì các buổi gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn theo từng chuyên đề, nội dung liên quan đến du lịch, thuế, phòng cháy chữa cháy; phối hợp tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức…
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Thực tế cho thấy, thời gian qua, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức từ thị trường, nguyên liệu, cơ chế… Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cũng như nhà đầu tư nước ngoài luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh. Bên cạnh tổ chức hội nghị, café doanh nhân…, lãnh đạo tỉnh luôn dành thời gian để trao đổi với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh không chỉ dừng lại ở lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành mà còn lan tỏa mạnh mẽ tới từng địa phương.
Đây là động lực rất lớn để các doanh nghiệp vượt khó, ổn định sản xuất, đóng góp cho ngân sách địa phương, từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu thành lập mới 2.000 doanh nghiệp để toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp trong năm 2024, cũng như kiến tạo nên một Quảng Ninh với môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, bình đẳng.
Có thể bạn quan tâm