Quản lý đất đai luôn là nhiệm vụ được Quảng Ninh chú trọng. Mới đây, tỉnh mới có cuộc họp rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật.
>>>Khát vọng nâng tầm giá trị nông sản Quảng Ninh
Siết chặt quản lý đất đai để tạo động lực phát triển
Trước đó, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 19/5/2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách liên quan đến quản lý đất đai; tăng cường chỉ đạo công tác này.
Tỉnh đã chỉ đạo sửa đổi, hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng đất đai đối với các nội dung thuộc thẩm quyền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật về đất đai và phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương, như: Chính sách về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quy định về hạn mức, giao đất, tách thửa đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; quy định về việc giao đất đối với các thửa đất nhỏ lẻ, xen kẹp…
Với sự phát triển năng động, nhiều dự án đầu tư vào địa bàn như hiện nay, Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch chuẩn bị quỹ đất để bố trí ít nhất 50.000 suất tái định cư trong giai đoạn 2023-2030; chủ động đi trước một bước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch và thực hiện hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Nhờ đó đến nay, tổng số suất tái định cư đã có quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 8.828 suất, tổng số suất tái định cư đã bố trí giai đoạn 2024-2025 là 6.863 suất; tổng số suất tái định cư dự kiến bố trí giai đoạn 2026-2030 (theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) là 34.309 suất, đảm bảo hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy.
Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; luôn đảm bảo sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; tăng cường đào tạo nghề, tạo việc làm để ổn định đời sống, sản xuất và chỗ ở cho người có đất bị thu hồi…
Chính quyền các cấp thực hiện công tác quản lý thị trường đất đai, bất động sản, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá đất làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc giao đất, cho thuê đất bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất… Tỉnh cũng xây dựng cơ chế điều tiết hợp lý hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuế đất giữa ngân sách các cấp ở địa phương theo thẩm quyền, phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai thúc đẩy phát triển KT-XH.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai cũng được tăng cường. Từ tháng 6/2022 đến 30/11/2023, tỉnh đã chỉ đạo 12 cuộc kiểm tra, giám sát của cấp tỉnh liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư. Đồng thời chỉ đạo nhiều cuộc thanh tra liên quan đến lĩnh vực đất đai, trong đó Thanh tra tỉnh đã ban hành 52 kết luận thanh tra KT-XH liên quan đến lĩnh vực đất đai...
UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2023, thanh tra chuyên đề diện rộng trên địa bàn Quảng Ninh đối với 175 dự án sử dụng đất, mặt nước từ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ và đã đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với 69 dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tỉnh còn phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý, sử dụng đất; phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập, sai phạm trong thi hành chính sách, pháp luật về đất đai để cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý kịp thời, hiệu quả.
Lập lại trật tự
Theo tỉnh Quảng Ninh: Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh có nhiều chủ trương rất quyết liệt trong việc lập lại trật tự, kỷ cương, siết chặt quản lý trong lĩnh vực đất đai nhưng đến nay việc tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu, chưa có nhiều chuyển biến, chủ yếu ở cấp huyện, sở, ngành. Việc phát hiện các dự án có vi phạm, sai phạm để xem xét xử lý theo quy định pháp luật còn chậm và chưa hiệu quả; vẫn còn tiềm ẩn vi phạm, sai phạm.
Nguyên nhân được chỉ ra do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp huyện chưa sát sao; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của một số cấp chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý đất đai, quy hoạch yếu kém. Thanh tra nhà nước ở cấp huyện nhiều nơi chưa được chú trọng; thanh tra chuyên ngành còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…
Về nhiệm vụ thời gian tới, đối với việc giao đất, cho thuê đất, quản lý đối với đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện quản lý, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, trực tiếp đồng chí Bí thư cấp ủy chỉ đạo, Phó bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra toàn diện công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản của hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của cấp huyện và chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát.
Trường hợp địa phương không phát hiện sai phạm hoặc báo cáo sót, báo cáo không trung thực trong khi trên thực tế đã có vi phạm, sai phạm về đất đai, quy hoạch, xây dựng; sau này nếu thông qua tiếp công dân hoặc qua các cơ quan chức năng phát hiện, dư luận báo chí nêu, có tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thất thoát, lợi ích nhóm thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật, trước BTV Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh.
Đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo rà soát. Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo rà soát từng trường hợp cụ thể nằm trên địa bàn của địa phương. Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý KKT tỉnh phối hợp rà soát kỹ từng trường hợp, phân loại rõ từng dự án, đánh giá đúng bản chất để gắn trách nhiệm của cấp huyện trong việc đề xuất với UBND tỉnh và các cơ quan quản lý thực hiện các biện pháp thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm theo quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm