Cần gói hỗ trợ mới với quy mô đủ lớn để phục hồi kinh tế
Đó là chia sẻ của PGS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM tại Talkshow trực tuyến “Phác đồ hồi phục” diễn ra mới đây.
>>>Việt Nam có thể nâng quy mô gói hỗ trợ lên 5-7% GDP
Nhận định khó khăn của kinh tế Việt Nam hiện nay đến từ tổng cung lẫn tổng cầu, PGS. TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, gói kích thích kinh tế thời gian tới phải đảm bảo đủ liều lượng để khuyến khích cả tổng cung lẫn tổng cầu.
Đánh giá về quy mô gói hỗ trợ của các nước, PGS Trần Hoàng Ngân cho rằng, mỗi nước đều khác nhau, song bình quân các nước phát triển là 16% GDP, đơn cử Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các nước có thu nhập trung bình cao như Thái Lan cũng có gói trên 15% GDP. Trong khi đó, các nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam thì gói hỗ trợ bình quân chỉ khoảng 4% GDP.
PGS Trần Hoàng Ngân cho biết, đã có rất nhiều Hội thảo, bàn tròn, Hội nghị…đã có những kiến nghị là Chính phủ cần sớm trình Quốc hội gói hỗ trợ mới với quy mô đủ lớn để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, vấn đề quan trọng là gói hỗ trợ đó cần hỗ trợ vào đâu và cho đối tượng nào? Ông cho rằng, điều đầu tiên Việt Nam cần phải đưa ra được một thông điệp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng là chúng ta sẽ kiểm soát tốt dịch, không còn giãn cách nghiêm ngặt, đóng cửa hay đứt quãng sản xuất. Do đó, cần phải dành nguồn lực cho ngành y tế có thể đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
“Bên cạnh đó, cần tiếp tục có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp theo 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp. Trước mắt những khoản mà doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách Nhà nước, cần tạm hoãn bằng cách tiếp tục thực hiện các nghị quyết về hoãn, giãn, miễn thuế, phí, tiền thuê đất… có thể kéo dài hết 2022”, PGS Trần Hoàng Ngân chia sẻ.
Đối với dòng tiền, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nhấn mạnh, phải hỗ trợ cho doanh nghiệp vay được vốn. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn do gặp khó về tài sản thế chấp nên cần khôi phục quỹ bảo lãnh cho nhóm doanh nghiệp này. Ngoài ra, cần hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp, khoảng 2% mỗi năm.
>>>Doanh nghiệp mong chờ gói hỗ trợ đủ "kích thích"
Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, tất cả các gói hỗ trợ đều cần thiết, song cần phải xác định gói hỗ trợ đúng đối tượng, nên tập trung vào doanh nghiệp có thể hoặc đang hoạt động, có kế hoạch cho 2021 nhưng bị dừng lại do dịch và đã có kế hoạch cho 2022.
"Gói hỗ trợ mới phải là gói cần sử dụng ngay cho nhóm trên, ưu tiên cho các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn bởi lực lượng lao động này chính là người tiêu dùng, người tạo ta nguồn cầu cho Thành phố", ông Việt Anh đề xuất.
Phó Chủ tịch HUBA cho rằng doanh nghiệp cần một thủ tục tiếp cận vốn nhanh, đồng thời những chính sách miễn và giảm cần phải rõ ràng. Theo ông, hiện Việt Nam đang nhập khẩu nguyên vật liệu rất lớn, đến 70-80%, khi hàng về doanh nghiệp phải đóng ngay VAT nên doanh nghiệp đang mong giảm, giãn thuế này.
Ngoài ra, ông Việt Anh cũng đề xuất cần có gói hỗ trợ an sinh cho người lao động, lo nơi ăn chốn ở đạt chuẩn, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để cải tạo nhà trọ theo đúng chuẩn, có internet, không ngập, đảm bảo 5K…
Trong khi đó, ông Nguyễn Đặng Hiến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX & TM Tân Quang Minh (Bidrico), cho rằng, Nghị quyết 406 về giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp "đúng nhưng chưa đủ". Lý giải nhận định của mình, ông Hiến nói chỉ giảm VAT 3 tháng là quá ngắn, riêng ngành dịch vụ là chưa đủ. Đồng thời giảm 30% cũng quá ít, do đó cần phải có một lộ trình giảm VAT 50% trong 6 tháng, 30% trong 6 tháng tiếp theo, sau đó hạ xuống và nên giảm chung cho tất cả các ngành.
“VAT là thuế gián thu, nếu giảm thì hàng hóa đến tay người tiêu dùng giảm hơn, kích thích mua nhiều thêm khiến nhà sản xuất nhiều hơn, việc phân phối lợi tức cũng nhiều hơn, kích hoạt được cả chu trình từ tiêu dùng, sản xuất, phân phối, kể cả logistics… do đó, giảm VAT sẽ có tác động lớn”, ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO 10/12: Dư địa “gói hỗ trợ mềm” là vô hạn
05:30, 10/12/2021
Dư địa “gói hỗ trợ mềm” là vô hạn
19:02, 09/12/2021
Việt Nam có thể nâng quy mô gói hỗ trợ lên 5-7% GDP
11:00, 06/12/2021
Không để dòng tiền từ gói hỗ trợ kinh tế chảy vào đầu cơ bất động sản
11:00, 06/12/2021
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Cần gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài
01:00, 06/12/2021