Tiền tệ song hành cùng tài khóa
Dư địa tài khóa còn lớn, trong khi dư địa tiền tệ hạn hẹp, nên cần tận dụng đối đa dư địa tài khóa để kích thích kinh tế.
>>> Năm 2022: Lạm phát, tăng trưởng GDP và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế
Quốc hội đã quyết nghị tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 từ 6-6,5%. Đây được xem là chỉ tiêu “vừa tầm” đặt trong những điều kiện cụ thể và với sự phối hợp của tiền tệ- tài khóa.
Ba yếu tố quyết định
Mô tả tốc độ lây lan của Omicron như "sóng thần hoặc lốc xoáy", Israel đã bắt đầu siết hạn chế, nhanh chóng thắt chặt kiểm soát biên giới và cấm hầu hết công dân nước ngoài nhập cảnh, đồng thời lên kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ 4 cho người dân từ tháng 12/2021.
Israel là điển hình của quốc gia đã “chống đỡ” nhanh nhạy với COVID-19 sau gần 2 năm để nỗ lực duy trì mở cửa trường học, kinh tế và hoạt động thích ứng với đại dịch. Nhưng sự “đổi hướng” của họ vào cuối 2021 cho thấy, không có “kịch bản cứng” nào có thể cứng rắn toàn phần trước dịch. Nói cách khác, thế giới bước vào một năm mới 2022 với cụm từ “thích nghi với dịch”. Đây đang và sẽ là yếu tố thách thức hàng đầu, cũng như, nếu thích nghi được, lại mở ra cơ hội lớn hàng đầu cho phục hồi, phát triển.
Ngoài dịch bệnh, theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright, còn 2 yếu tố quan trọng chi phối các diễn biến kinh tế: Sự đứt gãy hay duy trì chuỗi cung ứng; và Lạm phát.
Trong đó, do dịch bệnh và biến thể mới, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy không giải quyết được nhanh, có thể đến sang năm mới được vá lại, các Chính phủ, các quốc gia phục hồi không đồng đều, sẽ dẫn đến không chỉ khiến khan hiếm hàng hóa mà giá cả tăng lên, trực tiếp đẩy lạm phát leo thang. Cũng tùy điều kiện và sự phục hồi của các quốc gia mà thách thức hay cơ hội từ 2 yếu tố này có thể đến.
Chẳng hạn với Việt Nam, sự phục hồi của nhiều quốc gia dẫn đến nhu cầu nhập khẩu tăng cao là cơ hội cho xuất khẩu. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã lên lộ trình tăng lãi suất tới 3 lần 2022, hay Ngân hàng Trung ương Anh lần đầu tiên sau 2 năm Covid đã điều chỉnh lãi suất cơ bản vào cuối 2022... thì những động thái này theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, lại có thể khiến các nhà đầu tư ngoại rút vốn từ thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, để chuyển sang thị trường Mỹ, châu Âu nhằm tận dụng lãi suất cao.
>>> Linh hoạt nới lỏng tiền tệ
Trên thực tế, rút vốn ròng là động thái của khối ngoại đầu tư gián tiếp vào Việt Nam trong suốt cả 2 năm qua. Điều này tuy không gây tác động lớn đến VN-Index khi thanh khoản thị trường chứng khoán được chi phối bởi nhà đầu tư nội, nhưng phần nào lại tạo áp lực lên tỷ giá và các yếu tố không mong muốn khác, bao gồm lạm phát luôn có thể “đè” xuống nền kinh tế.
Tiền tệ phối hợp tài khóa và gói hỗ trợ
So sánh giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nền tảng kinh tế vĩ mô Việt Nam và dư địa chính sách giai đoạn sau vững chắc hơn, điều này kéo dài kể cả trong dịch bệnh 2021, tạo thuận lợi cho 2022. Theo đó, ngay cả 2021, dù khó khăn nhưng nền tảng vĩ mô Việt Nam không bị xói mòn, phục hồi tăng trưởng lại sau giai đoạn giãn cách, cán cân thanh toán quốc tế đang tăng lại, xuất khẩu tăng, dự trữ ngoại hối vẫn tích cực.
“Trong suốt đợt dịch thứ 4, Việt Nam so với nhiều quốc gia chưa phải sử dụng dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ chính sách do đó có dư địa cho chống dịch và chi phát triển vào 2022. Bên cạnh đó, Việt Nam đã sử dụng nhiều lần giảm lãi suất và tạo thanh khoản nhưng không quá mức như trước đây. Nhờ vậy đảm bảo thanh khoản ngân hàng dồi dào, tăng trưởng tín dụng tốt dù không dễ dàng tiếp cận, thị trường chứng khoán cũng được hưởng lợi nhưng không có bong bóng. Nếu lạm phát không tăng, Omicron không “biến”, kỳ vọng mặt bằng lãi suất này sẽ được duy trì, thanh khoản ngân hàng tiếp tục tốt trong 2022”, TS. Nguyễn Xuân Thành phân tích.
Theo chuyên gia, dù vậy, tiền tệ vẫn phải phối hợp với tài khóa, với kỳ vọng một một gói hỗ trợ quy mô đủ lớn nhưng trong kiểm soát, không làm xói mòn các nền tảng vĩ mô để phục hồi sức mua, tạo đà cho nền kinh tế. Điểm đến của gói hỗ trợ nên là đầu tư công, kích thích chi tiêu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp qua miễn, giảm thuế phí.
Riêng về miễn, giảm thuế, khoản này đã “lộ diện” quy mô ước 60.000 tỷ, tức bằng khoảng ½ giá trị các trị hỗ trợ miễn giảm thuế phí năm 2021, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc công bố. Quy mô này cũng được đánh giá là “vừa đủ” bởi 2021, dịch bệnh căng thẳng hơn cần hỗ trợ lớn hơn để “cứu vãn” các mất mát của doanh nghiệp và người dân; còn bước sang 2022, dự báo nền kinh tế nếu tái bùng dịch, cũng sẽ đón nhận khác đi với vaccine đã phủ cơ bản, tâm thế thích nghi cao hơn, trạng thái giãn cách kéo dài có thể không còn lặp lại.
Tận dụng dư địa tài khóa, hỗ trợ thúc đẩy cầu từ khu vực tư nhân để giúp khôi phục kinh tế trong nước và đóng góp cho tăng trưởng cũng là khuyến nghị của World Bank đối với Việt Nam. “Hướng đi cần thiết để phục vụ mục tiêu này là hỗ trợ tài chính cho người lao động và hộ gia đình bị ảnh hưởng. Với dư địa tài khóa hiện có và những khó khăn được ghi nhận trong thực hiện chi ngân sách năm 2021, Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân. Đồng thời cần tiếp tục theo dõi sát khu vực tài chính”, World Bank lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
Xây dựng Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn
16:19, 30/12/2021
Chính sách tiền tệ của Mỹ ảnh hưởng ra sao tới Việt Nam?
09:00, 21/12/2021
Kết hợp chính sách tài khoá và tiền tệ ra sao để tạo đà phục hồi kinh tế?
05:06, 10/11/2021
Mở rộng chính sách tài khoá, khôi phục sức dân
05:30, 09/11/2021