Tách bạch chuyện ở FLC

LÊ MỸ 31/03/2022 09:00

Sau tin Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị tạm giam, thị trường tuy không “phản ứng mãnh liệt” song các luồng thông tin dường như vẫn không ngừng “cuộn sóng”.

>> Nợ của FLC đã được các nhà băng trích lập dự phòng rủi ro?

Ngay sau tin chiều tối 29/3 về việc Bộ Công an tạm giam Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để điều tra hành vi thao túng chứng khoán, trong sáng ngày 30/3, nhiều ngân hàng đã phải lên tiếng về “khối nợ” FLC mà tổ chức tín dụng cho vay.

Tòa nhà Bamboo Airways, nơi đặt trụ sở FLC

Tòa nhà Bamboo Airways, nơi đặt trụ sở FLC

Theo đó, Sacombank cho biết trong năm 2021, ngân hàng đã tham gia tài trợ vốn cho FLC Group, bao gồm hãng hàng không Bamboo Airways để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của khách hàng. “Việc cho vay này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ đối với việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch COVID -19. Hoạt động cấp tín dụng của Sacombank cho nhóm khách hàng FLC Group được thực hiện đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ của Sacombank. Các khoản vay có đầy đủ tài sản đảm bảo”, thông cáo của Sacombank nhấn mạnh.

Cũng theo nội dung “lên tiếng” của Sacombank thì tính đến thời điểm hiện tại, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với Sacombank. Và như nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, Sacombank sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của Sacombank. Theo BCTC HN của FLC, Sacombank đang là chủ nợ cho vay dài hạn lớn nhất FLC với số tiền lên tới 1.840 tỷ đồng. 

Quan điểm “FLC đang hoạt động bình thường và vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ, ngân hàng đã cấp tín dụng cho FLC theo đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ” cũng được một ngân hàng lớn, thuộc danh sách chủ nợ tín dụng cho vay FLC trên ngàn tỷ đồng, chia sẻ. Trao đổi với DĐDN, một vị lãnh đạo của ngân hàng này khẳng định: Về mặt nguyên tắc, chúng tôi hoạt động và cung cấp tín dụng, cho vay với doanh nghiệp (ở đây là FLC). Hành vi vi phạm của lãnh đạo FLC (cụ thể là ông Trịnh Văn Quyết) là vấn đề của cá nhân, không phải của doanh nghiệp.

“Chúng ta hay đánh đồng doanh nghiệp với cá nhân, đặc biệt là với cá nhân người lãnh đạo song chúng ta quên rằng, một doanh nghiệp hoạt động, nhất là doanh nghiệp đại chúng, đã niêm yết, thì có cổ đông, có nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Chưa kể, doanh nghiệp đó còn có chuỗi đối tác, khách hàng... Khi có vấn đề xảy ra với lãnh đạo doanh nghiệp, nói không có ảnh hưởng thì không hoàn toàn đúng nhưng nếu nói đó chính là vấn đề có thể dẫn đến suy sụp doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp ngay lập tức mất khả năng trả nợ, không thực thi được nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng, thì có thể là chúng ta chưa xem xét được đầy đủ. Tất nhiên, không loại trừ trong trường rủi ro phát sinh và còn có những vấn đề khác ở nội tại doanh nghiệp mà chúng ta không nắm được hết, thì khi phát sinh, chúng tôi chắc chắn sẽ có sự chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động cho ngân hàng”, ông này chia sẻ.

Khẳng định các khoản cho vay với FLC, riêng tài sản đảm bảo bằng bất động sản đã dư thừa khả năng thu hồi nợ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cũng nêu rõ các khoản vay của FLC tại OCB chủ yếu là vay đầu tư vào dự án, ngoài ra có một phần cho vay ngắn hạn vốn lưu động với Bamboo Airways, nhưng không nhiều. OCB có dư nợ với FLC hơn 800 tỷ qua trái phiếu, các khoản được phát hành đều có tài sản bảo đảm là bất động sản.

Riêng với khoản vay được thế chấp bằng cổ phiếu của Bamboo Airways, hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng bất động sản mà ngân hàng nắm giữ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với khoản vay của FLC tại OCB. “Vì vậy, nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ”.

Ông Tùng cũng cho biết từ trước đến nay, FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra nợ xấu. Khi lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp bị vướng lao lý, đó dù là thông tin xấu thì hoạt động của FLC hiện đang khá ổn, giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

>> Chủ tịch LP Group: “Nhà đầu tư bình tĩnh khi lãnh đạo doanh nghiệp vướng pháp lý”

Chia sẻ với các cổ đông, ông Tô Hải, Tổng Giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC) cũng cho rằng thông tin lãnh đạo doanh nghiệp bị tạm giam điều tra hành vi vi phạm pháp luật là thông tin cá nhân, là câu chuyện của đầu tư cá nhân và trên thị trường các nhà đầu tư đều biết. “Cái gì không đúng với thị trường thì trước sau gì thị trường cũng sẽ phải điều chỉnh. Tuy nhiên, tác động của thông tin này là ngắn hạn và có lẽ chỉ trong một vài phiên tới, thậm chí có thể sang tuần tới, thị trường sẽ tốt lên".

Dù vậy, nhìn ở góc độ đầu tư, việc tách bạch giữa doanh nghiệp và cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp theo hướng “chuyện nào ra chuyện đó” thực tế cũng không hề dễ dàng. Một chuyên gia cho rằng ngoài yếu tố thuyền trưởng là người lãnh đạo tinh thần của doanh nghiệp, khi thuyền trưởng gặp vấn đề thì tinh thần của doanh nghiệp cũng sẽ khó có thể khẳng định là vẫn "sóng yên biển lặng" để tiếp tục "dong thuyền" về phía trước một cách mạnh mẽ như không có gì xảy ra. Mặt khác, tùy theo tình huống, thậm chí là tùy theo mức độ chi phối về mặt tinh thần lẫn tỷ lệ kiểm soát lợi ích kinh tế của lãnh đạo tại doanh nghiệp, hay sự ràng buộc tài chính của cá nhân với doanh nghiệp (chẳng hạn như cá nhân sử dụng tài sản của gia đình để thế chấp vốn cho doanh nghiệp hoạt động; cá nhân và người thân, người có liên quan cho vay doanh nghiệp tỷ lệ lớn .v.v) mà mức độ tác động này sâu, lâu, hay chỉ ảnh hưởng nhẹ.

Vị chuyên gia cũng nêu, không nói đâu xa, ngay trên TTCK Việt Nam, năm 2010, Chủ tịch kiêm TGĐ của Công ty Dược Viễn Đông (DVD) cũng đã bị bắt vì hành vi thao túng giá chứng khoán. Nhà đầu tư tháo chạy khỏi DVD và công ty này phá sản vào 2012. Nhưng lại cũng có nhiều trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt vì vi phạm pháp luật, song doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, xử lý hệ quả để lại và dần lấy lại thăng bằng để vào guồng tăng trưởng, như trường hợp chính Sacombank với cựu Chủ tịch Trầm Bê trước đây; thậm chí như ở thị trường tài chính quốc tế, cặp cha con lừng danh là cố Chủ tịch và đại tài phiệt Chủ tịch đời thứ 2 của Tập đoàn Samsung đều lần lượt vào tù, song chaebol này vẫn hoạt động suôn sẻ... 

Nhìn ở góc độ đầu tư, khái niệm "tách bạch", "ai làm người đó chịu"... lại được giới chuyên gia cảnh báo các nhà đầu nên có quan điểm và góc tiếp cận phù hợp, tránh bị các thông tin khác tác động khi đưa ra các quyết định đầu tư. Chẳng hạn ngay sau tin xấu về ông Trịnh Văn Quyết, trên một số diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư đã đưa ra nhận định có thể sẽ có “dòng thông tin” hô hào mua vào cổ phiếu theo hướng “Sếp FLC làm thì tự chịu, chứ không liên quan doanh nghiệp. Đây là thời điểm để “múc” vì có thể cổ phiếu sẽ vù vù trần thời gian tới”; hay “Các doanh nghiệp thuộc FLC, như khách sạn, resort, đặc biệt là khách sạn, Bamboo Airways… vẫn tốt. Vì thế cứ mua vào rồi thì từ từ giá sẽ lên”...

Chuyên gia Tài chính Lâm Minh Chánh cho rằng nhận định như vậy là quá đơn giản giữa quan hệ Giá và Giá trị doanh nghiệp trên cổ phiếu. “Vấn đề quan trọng nhất khi chúng ta đầu tư là Giá mà chúng ta mua, so với giá trị doanh nghiệp như thế nào. Một doanh nghiệp kinh doanh tốt mà chúng ta mua giá quá cao so với giá trị thì cũng là 1 đầu tư tồi. Một doanh nghiệp kinh doanh tệ hại mà chúng ta mua giá thấp hơn nhiều so với giá trị thì có thể là 1 đầu tư tốt”.

Theo đó, trong tương quan giữa Giá và Giá trị của doanh nghiệp/cổ phiếu, nhà đầu tư vẫn nên xem xét các chỉ số tài chính và và định giá theo số liệu sổ sách “giấy trắng mực đen”.

Có thể bạn quan tâm

  • Chứng khoán lao dốc, cổ phiếu họ FLC dư bán hàng chục triệu đơn vị

    Chứng khoán lao dốc, cổ phiếu họ FLC dư bán hàng chục triệu đơn vị

    15:27, 28/03/2022

  • Nợ của FLC đã được các nhà băng trích lập dự phòng rủi ro?

    Nợ của FLC đã được các nhà băng trích lập dự phòng rủi ro?

    04:00, 29/03/2022

LÊ MỸ