Xoay vốn cho SMEs: Đa dạng hoá nguồn vốn

TS CẤN VĂN LỰC - Chuyên gia kinh tế. 24/04/2022 04:50

Đa dạng hóa thị trường huy động vốn là quan trọng, nhưng SMEs cần cơ chế tiếp cận phù hợp với các hình thức tài chính mới.

>> Xoay vốn cho SMEs: Chính sách chưa như kỳ vọng

LTS: Theo đánh giá của World Bank, mặc dù có hệ thống ngân hàng khá lớn và thanh khoản dồi dào, nhưng mức độ tài chính bao trùm còn thấp. Khó khăn trong sử dụng tài sản bảo đảm để thế chấp vẫn là một rào cản chính đối với DNNVV (SMEs) trong tiếp cận vốn ngân hàng.

TS Cấn Văn Lực

TS Cấn Văn Lực

Đa dạng hóa thị trường huy động vốn là quan trọng, nhưng hành lang pháp lý phải đầy đủ và bao quát hơn, bao gồm cả cơ chế tiếp cận phù hợp với các hình thức tài chính mới, như công nghệ tài chính (Fintech), về tiền kỹ thuật số… Ngoài ra, điều kiện áp dụng các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tín dụng, tài chính, miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp... cần dễ đáp ứng hơn, quy trình thủ tục tinh gọn hơn và các cơ quan quản lý nên ứng dụng công nghệ số trong việc cung cấp giải pháp tài chính cho doanh nghiệp.

Tới đây, Chính phủ sẽ sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, đồng thời quan tâm rà soát, hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển hoạt động Leasing và Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có hướng dẫn để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng theo Nghị định của Chính phủ.

Đáng chú ý, ban hành cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong lĩnh vực Fintech là cần thiết và phù hợp. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm các nước và thực tế hoạt động tại Việt Nam thì cần lưu ý các vấn đề như:
Một là, lưu ý cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý (NHNN, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, Công an,… vv) do Fintech có thể hoạt động ở đa lĩnh vực pháp lý. Đồng thời, mô hình của Sandbox nên theo chuẩn chung, có cấp phép và kiểm soát để tránh thất bại.

Hai là, Sandbox của Việt Nam nên lựa chọn mục tiêu thử nghiệm chính sách, tuyển chọn kỹ lưỡng số lượng tổ chức tham gia (khoảng 5 -10 đơn vị/Sandbox), phù hợp với nguồn lực giám sát của NHNN.

Ba là, không coi Sandbox là giải pháp duy nhất để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tài chính, mà cần có cách tiếp cận linh hoạt và chủ động với hoạt động của Fintech.

Bốn là, cần lường trước chi phí khi triển khai Sandbox để có cách tiếp cận thận trọng và nên thành lập một nhóm chuyên gia phối hợp với các Chuyên gia công nghệ để vận hành.

Năm là, tư duy mở rộng Sandbox, các Cơ quan quản lý Việt Nam cần nghiên cứu hợp tác với các nước trong khu vực để mở rộng và học hỏi kinh nghiệm triển khai.

Sáu là, về dài hạn, xem xét mở rộng Sandbox theo hướng cụ thể hóa cho các lĩnh vực và đối tượng khác, không chỉ giới hạn ở lĩnh vực ngân hàng.

Bảy là, nâng cao năng lực thanh tra giám sát, hoặc gián tiếp thông qua việc tăng cường hoạt động giáo dục tài chính cho khách hàng.

Tám là, nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo an toàn bảo mật trong việc chia sẻ dữ liệu, bằng cách xem xét thử nghiệm ban hành chuẩn dữ liệu mở, Trung tâm cơ sở dữ liệu chung giữa các ngân hàng và Fintech.

Có thể bạn quan tâm

  • “Muôn nẻo đường” tăng vốn

    “Muôn nẻo đường” tăng vốn

    04:50, 22/04/2022

  • Khơi thông dòng vốn đầu tư vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

    Khơi thông dòng vốn đầu tư vào bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

    15:12, 21/04/2022

  • Lời giải cho cơ chế hút vốn đầu tư vào ngành điện

    Lời giải cho cơ chế hút vốn đầu tư vào ngành điện

    05:00, 21/04/2022

TS CẤN VĂN LỰC - Chuyên gia kinh tế.