Vì sao World Bank khuyến nghị “Không nên đốt cả ngôi nhà để giết một con chuột”?
Nhận định những nhiễu loạn là tất yếu trên thị trường còn tương đối non trẻ, đại diện của World Bank khuyến nghị “không nên đóng lại một vài kênh phát hành/đầu tư chỉ vì có một vài thành viên xấu”.
>>Nâng hạng thị trường chứng khoán: Kinh nghiệm quốc tế và các kiến giải
“Ném chuột không để vỡ bình”
Tại hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững" do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa diễn ra trong tháng 4, ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc khối nghiệp vụ về tài chính, năng lực canh tranh và đổi mới sáng tạo, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận định: Chúng ta “không nên đóng lại một vài kênh phát hành/đầu tư chỉ vì có một vài thành viên xấu. Điều này giống như đốt một ngôi nhà để giết một con chuột”.
Quan điểm của ông Zafer Mustafaeglu từ định chế lớn của toàn cầu, đã gặp câu thành ngữ quen thuộc của Việt Nam “Ném chuột đừng để vỡ bình”.
Đây cũng là thông điệp đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu, xuyên suốt trong cuộc chiến chống tham nhũng. Năm 2022, Đảng, Nhà nước đang quyết tâm lành mạnh hóa thị trường, tạo môi trường kinh doanh thực chất bền vững, củng cố nền tảng vững chắc cho khởi đầu thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế.
Đại diện WB khuyến nghị, Việt Nam cần xây dựng quy định không nên quá chặt chẽ làm cản trở sự phát triển của thị trường, nhưng cũng không nên quá lỏng lẻo để những cá nhân xấu và tác nhân xấu trên thị trường lợi dụng trục lợi. “Bởi nhà đầu tư chính là máu đưa ôxy đến các bộ phận của thị trường. Bảo vệ nhà đầu tư là nội dung ưu tiên hàng đầu trong các quy định về chứng khoán".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đại đa số nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ pháp luật".
Với quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, những chính sách cụ thể về rà soát, thanh, kiểm tra, thậm chí sai phạm đâu xử lý đó như trường hợp gần nhất khởi tố một lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán liên quan đến vụ việc trước đó, cũng minh chứng cho nỗ lực loại bỏ những "con sâu," "mầm bệnh" của các nhà quản lý. Sự khu trú để xử lý các vi phạm trong quá khứ, tương tự như việc cắt bỏ một khối u nhọt, để cơ thể thị trường lành mạnh.
“Sau cơn bão là cầu vồng"
Tất nhiên, trong giai đoạn này, chứng khoán Việt Nam vẫn khó tránh khỏi “hy sinh lợi ích ngắn hạn vì lợi ích dài hạn".
>> Kỳ vọng năm 2022: Cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Một thống kê của Reuters cho biết tính đến cuối tháng 4, chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi khoảng 40 tỷ USD vốn hóa thị trường. Đợt giảm điểm này của Việt Nam khá “liên thông” với thị trường quốc tế khi trong suốt tháng 4, Phố Wall đã chứng kiến đợt bốc hơi của các chỉ số: Dow Jones giảm 4,9% so với tháng trước đó, trong khi S&P 500 lùi 8,8% và Nasdaq Composite mất tới 13,3%, phản ánh lo ngại của nhà đầu tư về lạm phát đình đốn ở Mỹ.
Những đợt giảm điểm đã đồng thời “thanh lọc tự nhiên” với các nhà đầu tư chứng khoán F0, và chứng minh chân lý của huyền thoại Warren Buffett "chỉ khi thủy triều rút thì bạn mới phát hiện ai đang bơi mà không mặc quần áo”.
Trong “cơn đau” của sóng đầu cơ, cơ hội lại đến với những nhà đầu tư sáng suốt. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá rất hợp lý cho đầu tư dài hạn với mức P/E (thị giá trên thu nhập của một cổ phiếu) năm 2022 là 11,5 lần, thấp hơn hẳn so với mức trung bình 5 năm gần nhất (14,5 lần). Do đó, ông tin tưởng thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022.
CTCK Maybank Kimeng khẳng định, cơ hội tích lũy cổ phiếu với chiết khấu đáng kể đã xuất hiện trên thị trường. “Sau cơn bão là cầu vồng” sẽ xuất hiện ở nhiều mã cổ phiếu.
Đặc biệt, cơ sở để các nhà đầu tư đặt kỳ vọng rất cao vào triển vọng của chứng khoán Việt Nam, là các giải pháp để phát triển thị trường vốn, trong đó có mục tiêu nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Ông Zafer Mustafaeglu nhận xét “Việc nâng cấp thành thị trường mới nổi không chỉ đem lại cải thiện về chất lượng mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam. Để đạt được kết quả đầy hứa hẹn đó, Việt Nam cần phải có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả”.
Ngay lúc này, có lẽ việc học hỏi những sai lầm, kế hoạch xử lý quyết liệt và dứt điểm những vấn đề nhiễu loạn của thị trường bao gồm các tin đồn vẫn còn đây đó khiến nhà đầu tư hoang mang; cần song song và sớm nhất với việc ban hành các chính sách mới. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Ngôi nhà thị trường vốn vẫn đang được xây bằng những viên gạch chắc.
Hy vọng sau dịp nghỉ lễ, thị trường sẽ được đón những tin tốt lành, những giải pháp sâu sát của các cơ quan quản lý nhằm ổn định thị trường, mở đường đưa Việt Nam sớm đẩy nhanh lộ trình nâng hạng lên mới nổi.
Có thể bạn quan tâm