Bộ Tài chính sẽ áp dụng giải pháp “tiền phòng - hậu kiểm” để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, cũng như các công ty hoạt động trên thị trường chứng khoán một cách bình đẳng, minh bạch.
>>Vi phạm trên thị trường chứng khoán: Vì đâu nên nỗi?
Đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) đang ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong sự phát triển của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Song song với đó, mọi biến động trên thị trường đều có thể tác động đến nền kinh tế và các nhà đầu tư, do đây là kênh dẫn vốn quan trọng và cũng là kênh đầu tư tiềm năng của công chúng.
Tuy nhiên, đây cũng không phải là một công cụ vạn năng, không thể giải quyết được tất cả các nhu cầu của nền kinh tế đặt ra. Bên cạnh những tác động tích cực, do đặc điểm của các giao dịch chứng khoán mà rất dễ nảy sinh các hành vi vi phạm các nguyên tắc, các quy chế trong hoạt động mua bán, như "thao túng thị trường", "giao dịch nội gián", mua bán chứng khoán ngoài thị trường chứng khoán không chính thức làm ảnh hưởng đến mục tiêu “công bằng, hiệu quả và phát triển ổn định” của thị trường.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, tính đầu cơ cao là đặc điểm cố hữu của thị trường chứng khoán, có khả năng gây rủi ro cao. Những "sự cố" cổ phiếu và trái phiếu xảy ra vừa qua là dịp để chúng ta rà soát lại các vấn đề liên quan đến các thị trường này, đến cấu trúc hoạt động của hệ thống tài chính – ngân hàng và của hệ thống pháp luật liên quan.
Về vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV đánh giá, TTCK là nơi hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và cơ quan giám sát cao nhất của TTCK ở bất kỳ nước nào là Ủy ban Chứng khoán. Còn nếu như trường hợp có thị trường phái sinh thì có thể có thêm ủy ban giám sát về chứng khoán phái sinh tùy thuộc vào quy mô, tính chất phức tạp của thị trường như ở bên Mỹ. Còn các nước đều có Ủy ban Chứng khoán và đó là cơ quan quản lý cao nhất.
“Lâu nay, chúng ta đã bàn về việc làm thế nào để tăng tính độc lập, khách quan và năng lực hơn nữa của Ủy ban Chứng khoán, đây là một cơ quan quản lý hành chính nhưng quyền năng, tính độc lập chưa phải là mạnh mẽ. Cho nên, đôi khi muốn xử lý nhanh, quyết liệt thì cũng có thể có độ trễ nhất định”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
>>Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cần thay đổi về “chất”
Đưa ra giải pháp để lành mạnh hoá thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, đã đến lúc không nên coi TTCK và cả trái phiếu doanh nghiệp là những thứ còn quá "mới mẻ" với Việt Nam, coi đây là một luận cứ biện minh cho những sai phạm và yếu kém hệ thống. Phải thẳng thắn nhìn nhận việc tiếp cận phát triển các thị trường này còn thiếu bài bản, chưa đủ quyết liệt, chưa thật "thành tâm" xây dựng một hệ thống thị trường bậc cao đúng nghĩa, lành mạnh và nhanh như yêu cầu thực tiễn đòi hỏi.
Chính phủ vẫn cần kiên định lập trường xử lý vụ việc đúng người, đúng tội, nêu cao tinh thần bảo vệ tài sản doanh nghiệp, giảm thiểu xu hướng hình sự hóa sai phạm dân sự, hành chính hóa các nguyên tắc kinh doanh.
“Tôi đánh giá cao thông điệp “không được làm tổn hại tài sản doanh nghiệp” của Chính phủ. Đây là định hướng quan trọng vì lãnh đạo doanh nghiệp và doanh nghiệp là những thực thể khác nhau trong đời sống kinh tế. Cá nhân phải chịu trách nhiệm cá nhân. Còn tài sản doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là tài sản cá nhân; nó còn phải được coi là nguồn lực quốc gia, cần được bảo vệ trước những kẻ "đục nước béo cò", tận dụng cơ hội kiếm chác và chiếm đoạt khi sự cố xảy ra”, vị chuyên gia nói.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, hoạt động trên thị trường chứng khoán phải theo quy luật của thị trường, nhưng cũng phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Quy luật của thị trường là phải có sự quản lý của nhà nước, có bàn tay của nhà nước chứ không thể để thị trường phát triển tự do. Trong đó, cần có những giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn các mặt trái của quy luật thị trường, chẳng hạn như các vấn đề đi chệch ra khỏi quy định của luật pháp, các hành động lách luật hoặc lợi dụng thị trường để làm méo mó các quy định pháp luật thì phải xử lý một cách nghiêm minh.
“Tuy nhiên, trong cuộc làm việc giữa Bộ Tài chính với các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, bàn về các giải pháp nhằm ổn định thị trường, chúng tôi thống nhất sẽ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và những sự việc vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh để thị trường quay trở lại hoạt động ổn định, đảm bảo việc kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.
Việc xử lý các vi phạm là cá biệt và riêng lẻ, đây là hành động nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành. Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ quá trình phát hành cũng như giao dịch trên thị trường chứng khoán. Khi phát hiện những bất cập và rủi ro sẽ tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Cũng theo Bộ trưởng, để các nhà đầu tư khi tham gia thị trường có sự lựa chọn, cân nhắc, chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình, các cơ quan sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, nhất là Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán cũng như các quy định có liên quan. Cùng với đó, là sự chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh, đảm bảo tính trung thực của các nhà phát hành và phía tổ chức kiểm toán. Bộ Tài chính sẽ bám sát theo quy định của pháp luật để ngăn ngừa sai phạm và xử lý sai phạm, tức “tiền phòng - hậu kiểm” để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và các công ty hoạt động trên thị trường chứng khoán một cách bình đẳng, minh bạch.
Có thể bạn quan tâm
07:54, 21/04/2022
03:00, 21/04/2022
04:50, 04/04/2022
04:20, 20/12/2021