Trừ Vietcap (VCI) tiếp tục duy trì đà bứt tốc thứ hạng và SSI tăng tốc, top 10 thị phần các công ty chứng khoán (CTCK) vẫn quanh những tên tuổi và vị trí quen thuộc.
Theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất quý II/2025 chia nhau 68,49% tổng thị phần môi giới trên toàn HoSE.
Danh sách bảng xếp hạng quý này ghi nhận vị trí gần như không đổi, với Chứng khoán VPS tiếp tục dẫn đầu 15,4% thị phần. Quý này, thị phần của giảm 1,57 điểm phần trăm so với quý I/2025. Tính chung cả 2 quý, thị phần của Công ty chứng khoán này vẫn duy trì đứng đầu với 16,02%.
Chứng khoán SSI (SSI) ghi nhận đà tăng tốc trong quý II khi lấy lại thị phần ở mức 2 chữ số đạt 10,85%, tiếp tục đà tăng của quýI. Dữ liệu ghi nhận trong 3 năm gần nhất, SSI cũng có 1 lần ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số ở 10,59% tại quý III/2023. Với đà tăng trưởng thị phần trong 2 quý liên tiếp, tính chung 6 tháng đầu năm 2025, thị phần SSI đạt 10,47%.
TCBS đứng thứ ba với 7,5%, gần như đi ngang so với quý I. Thị phần chung 6 tháng 2025 của Công ty này cũng ở top 3 với 7,74%.
Các vị trí còn lại trong top 10 tiếp tục ghi nhận sự hiện diện của Vietcap (VCI), Chứng khoán TPHCM (HSC), VNDirect (VND), MBS, MASVN, KIS. Trong đó, VNDirect có bước tiến đáng chú ý khi cải thiện 1,1 điểm phần trăm, đạt mức cao nhất trong 4 quý gần đây.
Vietcap tiếp tục gây ấn tượng mạnh mẽ khi duy nhiều đà tăng liên tiếp ở các quý, lên 6,84% tại cuối quý II, vững vị trí top 4 tại quý II và top 4 bán niên 2025. Trước đó năm 2024, thị phần Vietcap đã tăng từ 4,47% lên 6,08%, tương đương thêm 1,61%, theo đó đưa công ty từ top 8 năm 2023 lên vị trí 5 trong top 10 doanh nghiệp trên sàn HoSE.
Ở chiều ngược lại, MASVN giảm 0,6 điểm phần trăm. Vị trí thứ 10 có sự thay đổi khi Chứng khoán FPT (FPTS) rời top và được thay thế bởi Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) với 2,91% thị phần.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng thị phần môi giới của top 10 công ty dẫn đầu chiếm 68,42% trên toàn sàn HoSE.
Thị phần môi giới của các Công ty chứng khoán không có nhiều thay đổi, vẫn tập trung "miếng bánh" vào tay những đơn vị có vốn lớn, đầu tư công nghệ và chú trọng các dịch vụ gia tăng lợi ích, trải nghiệm cho khách hàng, cho thấy cuộc cạnh tranh thị phần trên thị trường càng khốc liệt, sự thay đổi càng không dễ dàng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 trong sắc xanh với mức tăng 4,63 điểm lên mức 1.376,07 điểm, thanh khoản đạt hơn 692,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch hơn 18.850,5 tỷ đồng. Nhìn chung, thị trường đã kết thúc quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2025 khá tích cực. Dù phải trải qua “cú sốc thuế quan” nhưng tổng kết lại, chỉ số vẫn tăng 5,3% so với quý I và 8,63% so với cuối năm 2024.
SSI cho biết nắm bắt được nhịp tăng tích cực của thị trường, Công ty nhanh chóng tận dụng cơ hội, liên tục cho ra mắt các chương trình ưu đãi về margin, nhận quà tặng khi giao dịch… Đây không chỉ là bước đi chiến lược trong hoạt động kinh doanh của SSI mà còn thể hiện nỗ lực của công ty nhằm cung cấp thêm các công cụ giúp nhà đầu tư tối ưu hiệu quả giao dịch. Theo đó, Công ty đã tung hàng loạt chương trình ưu đãi, đồng thời luôn đồng hành chia sẻ thông tin cùng nhà đầu tư.
Việc thị trường đón một cột mốc phát triển quan trọng khi Hệ thống công nghệ thông tin KRX chính thức đi vào hoạt động, cũng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của thị trường chứng khoán Việt Nam. Các Công ty chứng khoán đều đã có những chuẩn bị về hạ tầng công nghệ, nhân lực, sổ tay hướng dẫn giao dịch cho nhà đầu tư...
Theo chia sẻ của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cơ quan quản lý tin tưởng vào việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025. Thêm vào đó, Ủy ban cũng sẽ tập trung vào các giải pháp căn cơ để đảm bảo duy trì thứ hạng.
Theo kỳ vọng của Chứng khoán Vietcap, những cải tổ gần đây liên quan đến gỡ bỏ ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài, vận hành KRX và cơ hội nâng hạng của thị trường chứng khoán, xa hơn là kỳ vọng về tháo gỡ nút thắt để đưa vào mô hình thanh toán bù trừ CCP..., sẽ tăng sức hút vốn ngoại vào thị trường. Đây cũng là cơ hội của các công ty chứng khoán đã nâng cấp công nghệ và đầu tư nhân lực, nguồn vốn, chuyên nghiệp hóa hoạt động, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của các nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán cơ sở lẫn thị trường chứng khoán phái sinh.