Chứng khoán

Tác động của đồng USD với doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán

An Định 07/07/2025 16:00

Tỷ giá ảnh hưởng đến các yếu tố vĩ mô nhiều hơn ở khía cạnh cơ bản và tác động đến thị trường chứng khoán nhiều hơn ở khía cạnh tâm lý.

Tiền đồng thường có áp lực mất giá trong chu kỳ USD tăng giá, ổn định hoặc tăng giá nhẹ trong chu kỳ giảm giá của USD. Trong năm 2025, mặc dù chỉ số DXY giảm nhưng tiền đồng vẫn chịu áp lực mất giá nhưng vẫn trong biên độ kiểm soát của NHNN, báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.

Dữ liệu nói lên điều gì về sức mạnh đồng USD?

Theo các chuyên gia phân tích, xét ở góc độ tỷ giá hiệu lực thực, tiền đồng đã mất giá đáng kể so với xu hướng giảm giá của đồng USD từ nửa cuối năm 2022 trở lại đây. Điều này hàm ý áp lực mất giá của tiền đồng trong chu kỳ giảm giá của đồng USD (nếu có) cũng sẽ ở mức vừa phải trừ phi xảy ra các cú sốc nội sinh (ví dụ như sự kiện SCB năm 2022) hoặc ngoại sinh (ví dụ như Việt Nam bị áp thuế cao hơn kỳ vọng dẫn đến sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư).

USD 1111
Chuyên gia cho rằng biên độ tỷ giá rộng hơn so với trước (+/-5%) và việc NHNN chấp nhận để tiền đồng mất giá có kiểm soát sẽ là chỉ dẫn tốt đối với tâm lý nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Internet

Ở các kênh truyền dẫn của đồng USD mạnh đối với các yếu tố vĩ mô Việt Nam, theo VDSC, đồng USD có thể là tác nhân tích cực đến cán cân thương mại. Mặc dù đồng USD mạnh tác động tiêu cực đến lạm phát, áp lực trả nợ ngoại tệ và dòng vốn đầu tư của Việt Nam, các rủi ro lạm phát hay áp lực trả nợ ngoại tệ đang được kiểm soát khá tốt trong các năm trở lại đây. Trái lại, áp lực rút vốn ròng của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài có xu hướng tăng lên.

Dữ liệu quá khứ cho thấy trong những giai đoạn tiền đồng mất giá mạnh và thiếu sự chuẩn bị về mặt tâm lý sẽ dẫn đến tác động tiêu cực đến chỉ số VN-Index (như năm 2011 và 2022), trong khi đó, tiền đồng tăng/giảm trong biên độ hẹp hoặc được dự báo trước thường là yếu tố tích cực đối với VN-Index.

"Hiện tại, chúng tôi cho rằng biên độ tỷ giá rộng hơn so với trước (+/-5%) và việc NHNN chấp nhận để tiền đồng mất giá có kiểm soát sẽ là chỉ dẫn tốt đối với tâm lý nhà đầu tư. Trừ phi xảy ra cú sốc về tỷ giá khiến NĐT không lường trước thì khi đó tỷ giá mới là tác nhân tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán", theo VDSC.

Tác động với doanh nghiệp

Dữ liệu cũng ghi nhận doanh thu ngoại tệ chỉ chiếm khoảng 6-7% tổng doanh thu của VN-Index, chỉ có khoảng 52/318 doanh nghiệp thuộc chỉ số VN-Index có rủi ro liên quan đến tỷ giá thường xuyên và đáng kể. Điều này cho thấy tỷ giá ảnh hưởng đến các yếu tố vĩ mô nhiều hơn ở khía cạnh cơ bản và tác động đến thị trường chứng khoán nhiều hơn ở khía cạnh tâm lý.

Tuong quan ty gia va VNI
Tương quan tỷ giá và đồng USD

"Đánh giá sơ lược chưa đầy đủ và toàn diện về độ nhạy tỷ giá với diễn biến giá của nhóm doanh nghiệp thường xuyên phát sinh lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá, chúng tôi nhận thấy tiền đồng mất giá có tương quan dương với nhóm ngành công nghệ phần mềm, vận tải và ngân hàng, trong khi tương quan âm với bất động sản, y tế và tiện ích. Tương quan với nhóm ngành công nghệ phần mềm, vận tải và tiện ích có thể được giải thích một phần bởi yếu tố cơ bản, trong khi các ngành còn lại thì chúng tôi không có bằng chứng/số liệu đủ thuyết phục", VDSC cho biết.

Ngành công nghệ phần mềm với đại diện là FPT có tương quan dương và cao nhất với tỷ giá; doanh thu nước ngoài trung bình của FPT trong giai đoạn 2022-2024 là 46% nhờ mảng xuất khẩu phần mềm.

Ngành vận tải có tương quan dương với tỷ giá với đại diện là VJC và GMD. Trong đó, VJC thường xuyên ghi nhận lãi CLTG có thể nhờ doanh thu từ mảng vận chuyển quốc tế và hoạt động bán & cho thuê lại máy bay (Sales & Lease back); tỷ lệ nợ vay bằng USD chỉ chiếm khoảng 12% tổng nợ của VJC tại thời điểm cuối năm 2024.

GMD không vay nợ bằng USD, các khoản ngoại tệ phát sinh đều liên quan đến hoạt động thu tiền hãng tàu, đồng thời doanh nghiệp cũng có phòng ngừa rủi ro tỷ giá nên tác động của tiền đồng mất giá lên doanh nghiệp này là không đáng kể.

Cũng theo VDSC, mặc dù ngân hàng/BĐS có tương quan cao tỷ giá, tuy nhiên, không tìm thấy có nhiều bằng chứng thuyết phục từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy việc tiền đồng mất giá mang lại tác động tích cực/tiêu cực cho doanh nghiệp trong hai ngành này.

Tương tự, không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào cho mối tương quan âm giữa ngành y tế với tỷ giá.

Tương quan âm giữa ngành tiện ích và tỷ giá có thể đến từ nợ vay ngoại tệ (POW, PVG), trong khi GAS thường xuyên ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá do doanh thu/chi phí được tính theo USD.

Đáng chú ý, tương quan của nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu với đại diện là ngành dệt may gần như không có tương quan với tỷ giá, có thể nhờ hoạt động phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các doanh nghiệp này.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tác động của đồng USD với doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO