3 yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu Chính phủ
Phát hành trái phiếu là một trong những hình thức huy động vốn cho ngân sách và địa phương, nhất là trong bối cảnh thâm hụt ngân sách lớn do các gói chi tiêu và chương trình phục hồi kinh tế hậu dịch.
>>>5 giải pháp hồi sinh và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ưu nhược điểm của trái phiếu Chính phủ
Thị trường trái phiếu Việt Nam được phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, ngân hàng chính sách và doanh nghiệp. Căn cứ vào nhu cầu trên, trái phiếu Việt Nam được chia làm 4 loại gồm: Trái phiếu Chính phủ; trái phiếu chính quyền địa phương; trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, ba loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là kênh huy động vốn cho ngân sách nhà nước, chính quyền địa phương và các chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước. Đặc biệt, trái phiếu Chính phủ đóng vai trò then chốt trên thị trường trái phiếu với hai mục tiêu lớn là kênh huy động vốn hiệu quả cho NSNN và là thị trường chuẩn cho thị trường tài chính.
Phát hành trái phiếu Chính phủ đem lại những tác động tích cực lẫn tiêu cực. Trong đó, việc phát hành trái phiếu vẫn tồn tại những rủi ro cần phải xem xét. Đặc biệt là khi Chính phủ phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD, Euro) do không thể vay mượn nước ngoài bằng nội tệ, điều này sẽ làm mất giá đồng nội tệ. Kết quả là mức nợ công sẽ tăng cao do chi phí lãi vay tăng và ảnh hưởng xấu đến NSNN. Vì vậy, bình ổn tiền tệ là ưu tiên hàng đầu đối với ngân hàng trung ương khi phát hành trái phiếu.
Bên cạnh đó, phát hành trái phiếu Chính phủ làm giảm khả năng giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính. Nguyên nhân là do việc phát hành trái phiếu Chính phủ kéo theo lạm phát gia tăng, khiến thu nhập cố định sụt giảm, rủi ro mà quốc gia gánh phải cũng sẽ tăng khi lãi suất thị trường tăng, thậm chí khiến quốc gia đối diện với rủi ro vỡ nợ, nguy cơ đưa đất nước rơi vào khủng hoảng và bất ổn vĩ mô.
Tuy nhiên, phát hành trái phiếu Chính phủ cũng góp phần giải quyết một số vấn đề của quốc gia. Tại Việt Nam nói riêng và thị trường quốc tế nói chung, phát hành trái phiếu là cách để tạo ra thị trường vay nợ uy tín nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay, từ đó mở rộng nguốn cung vốn cho thị trường liên ngân hàng. Đồng thời, trái phiếu giúp hỗ trợ hoạt động quản lý thanh khoản của ngân hàng trung ương. Đặc biệt, đây được xem là giải pháp đầu tư ít hoặc thậm chí không có rủi ro cho nhà đầu tư. Ngoài ra, trái phiếu Chính phủ cũng góp phần duy trì và phát triển thị trường tài chính hiệu quả; cung cấp cơ sở hạ tầng thị trường thông quan một hệ thống thanh toán và một khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh.
>>>Bệ đỡ từ thị trường trái phiếu Chính phủ
Các yếu tố ảnh hưởng
Thị trường trái phiếu bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, có ba yếu tố tác động mạnh đến thị trường trái phiếu gồm: lãi suất trái phiếu, nguồn thu ngân sách và phản ứng của thị trường trong đại dịch.
Thứ nhất, lãi suất trái phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư và tác động đến tình hình nợ công của Chính phủ. Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu lớn đồng nghĩa với việc nhà đầu tư tăng kỳ vọng vào lãi suất trong tương lai. Ngoài ra, lãi suất trái phiếu cũng tác động đến khả năng trả nợ của Chính phủ. Hiện nay, lãi suất trái phiếu phải được duy trì ở mức thấp để Nhà nước đủ khả năng chi trả và giảm thâm hụt ngân sách. Đồng thời, trái phiếu có mức lãi suất thấp hơn so với lạm phát sẽ làm giảm tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư, từ đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của trái phiếu.
Thứ hai, nền kinh tế trì trệ cùng các biện pháp tài khóa đang làm giảm nguồn thu của Chính phủ, dẫn đến khả năng trả nợ chậm và gia tăng nợ công. Cụ thể, các biện pháp nghiêm ngặt trong phòng chống dịch đã tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế. Do đó, nhiều quốc gia buộc phải giảm thuế và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, điều này làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN). Ngoài ra, rủi ro đầu tư vào trái phiếu tăng lên dẫn đến việc nhà đầu tư yêu cầu mức lãi suất cao hơn. Hệ quả là tiền lãi có thể làm gia tăng nợ công và trở thành gánh nặng với NSNN. Do đó, cần phải xem xét nguồn thu từ ngân sách để đảm bảo khả năng trả nợ, từ đó giảm rủi ro đầu tư cho nhà đầu tư và tình trạng nợ công của quốc gia.
Thứ ba, yếu tố cầu cũng ảnh hưởng đến giá trị và hoạt động của thị trường trái phiếu. Cụ thể, sự lo ngại của nhà đầu tư với dịch bệnh cũng tạo áp lực bán ra lớn (nhu cầu nắm giữ thấp), dẫn đến thanh khoản thị trường trái phiếu giảm mạnh từ đầu đến giữa tháng 3/2020. Trong khoảng thời gian này, giá bán so với giá trúng thầu đã giảm mạnh ở nhiều thị trường trái phiếu trên thế giới. Nếu giá trị trái phiếu kho bạc biến động lớn dẫn đến việc khó khăn trong cân đối thu chi ngân sách, thì rủi ro cho các nhà đầu tư trái phiếu càng tăng. Do đó, khối lượng giao dịch trái phiếu Chính phủ sẽ giảm mạnh và giá trái phiếu tiếp tục giảm sâu hơn, ảnh hưởng đến nguồn vốn vay của Chính phủ.
* Nhóm chuyên gia Viện NCCS Nông nghiệp và Sức khỏe thuộc ĐH Kinh tế TP.HCM - Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4.
Có thể bạn quan tâm
5 giải pháp hồi sinh và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
05:00, 13/06/2022
Sớm lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
04:50, 10/06/2022
Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần… “gạn đục khơi trong”
04:00, 10/06/2022
Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần tăng trách nhiệm của tổ chức phát hành
04:00, 03/06/2022