Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần tăng trách nhiệm của tổ chức phát hành

Diendandoanhnghiep.vn Xoay quanh câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, để thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh và an toàn, cần tăng tính ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành…

>> “Bắt mạch” thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Theo thống kê, giai đoạn năm 2017-2021, tốc độ phát triển bình quân của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khoảng 46% và riêng trong năm 2021, con số này là 56%. Còn 3 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng của thị trường cũng rất cao, nhưng đến tháng 4 đã sụt giảm mạnh, trong đó, TPDN bất động sản gần như vắng bóng khỏi thị trường.

Cần tăng tính ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh và an toàn - Ảnh minh họa

Cần tăng tính ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh và an toàn - Ảnh minh họa

Nhìn nhận về những lỗ hổng trên thị trường TPDN thời gian vừa qua, các chuyên gia cho rằng, có hai mặt tồn tại cần được nhìn nhận, đó là cơ chế pháp lý và cơ chế quản lý. Về mặt pháp lý, các quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP hiện nay kế thừa các quy định trước đây đã có những đổi mới, tuy nhiên, chưa phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế và thói quen của thị trường trái phiếu mới hình thành tại Việt Nam, dẫn đến việc quản lý theo dõi còn có nhiều vấn đề.

>> “Bắt mạch” thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư

Vì vậy, việc chấn chỉnh cả về luật pháp, cơ chế thực hiện thanh kiểm tra giám sát là điều cần thiết, để thị trường TPDN có thể trở thành một kênh huy động vốn trung hạn dài hạn cho nền kinh tế.

Thực tế, sau một số vụ việc tiêu cực liên quan đến thị trường này thời gian qua, nhằm đảm bảo thị trường TPDN phát triển minh bạch, lành mạnh và an toàn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một số nội dung sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính - Nguyễn Đức Chi cho biết, để thị trường TPDN vận hành an toàn, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN. Về lâu dài, Bộ sẽ nghiên cứu các vấn đề còn tồn tại theo quy định của Luật Chứng khoán để sửa đổi cho phù hợp, bởi phát triển thị trường TPDN là vô cùng cần thiết, không thể tách khỏi cái chung là thị trường chứng khoán.

“Bộ Tài chính đang xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về Dự thảo Nghị định sửa đổi về phát hành TPDN. Định hướng chung là sẽ bổ sung các quy định mới để bảo đảm thị trường TPDN phát triển an toàn, bền vững. Chẳng hạn, Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung các giải pháp kỹ thuật để khắc phục những tồn tại trong công bố thông tin của doanh nghiệp trước khi phát hành trái phiếu nhằm tăng tính minh bạch của thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

gsbgbf

Không ít chuyên gia cũng đã đưa ra những góp ý liên quan đến việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường TPDN - Ảnh minh họa

Theo đó, doanh nghiệp sẽ không được phát hành TPDN có giá trị quá 3 lần vốn chủ sở hữu, nếu phát hành vượt trên 1 lần vốn chủ sở hữu, phải có tài sản bảo đảm, bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Nghiêm cấm việc phát hành TPDN để cho vay, góp vốn, mua cổ phần, mua vốn góp doanh nghiệp khác, trừ trường hợp phát hành để đầu tư vào công ty con...

Xoay quanh câu chuyện TPDN, để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, minh bạch và an toàn, không ít chuyên gia cũng đã đưa ra những góp ý liên quan đến việc hoàn thiện hành lang pháp lý.

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, muốn thị trường TPDN phát triển lành mạnh, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP phải được sửa đổi sớm. Trong đó, những quy định về sử dụng vốn huy động qua kênh TPDN phải điều chỉnh để nhà đầu tư có thể kiểm soát được quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành. Thứ hai là phải có quy định về xếp hạng tín nhiệm, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP có nhắc đến quy định về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành TPDN nhưng không bắt buộc.

Ông Hiếu cho rằng, cần quy định rõ điều kiện phát hành TPDN mà doanh nghiệp phát hành phải tuân thủ, trong đó có những chỉ tiêu về tài chính như: quy định bắt buộc với doanh nghiệp phát hành TPDN phải có lãi trong 3 năm liền kề trước thời điểm phát hành trái phiếu; quy định chặt chẽ về vốn chủ sở hữu, đòn bẩy tài chính, tính thanh khoản;…

Trong khi đó, theo ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, trái phiếu không phải là tín dụng ngân hàng nên yêu cầu với trái phiếu chủ yếu là tín chấp, doanh nghiệp huy động vốn để làm một dự án hình thành trong tương lai chứ không được bảo đảm bằng một thứ ở hiện tại. Do đó, trái chủ cũng được hưởng lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, rủi ro cũng lớn hơn.

Ông Minh cho rằng, ngay cả ở nước ngoài vẫn có những TPDN rác, không thuộc nhóm được xếp hạng tín nhiệm nhưng vẫn có người mua vì lãi suất cao. Ngược lại, với những trái phiếu có tín nhiệm cao như trái phiếu chính phủ đang phát hành rộng rãi sẽ có lãi suất thấp hơn TPDN. Vì vậy, nhà đầu tư TPDN cần cân nhắc kỹ các yếu tố khi mua, lợi nhuận khác nhau, rủi ro cũng sẽ khác nhau.

“Thị trường TPDN muôn hình vạn trạng, vì thế cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy định để những hợp đồng giao dịch TPDN không bị mập mờ thông tin. Đồng thời cảnh báo rõ ràng với người mua rằng tài sản bảo đảm với TPDN chỉ mang tính chất là triển vọng trong tương lai để nhà đầu tư không hiểu nhầm. Và cần xây dựng điều kiện cụ thể về việc nhà đầu tư nào được tham gia thị trường TPDN và những ai chỉ được tham gia thị trường sơ cấp”, ông Minh khuyến nghị.

Còn theo Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN, để thị trường phát triển minh bạch, lành mạnh và an toàn, cần tăng tính ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành.

“Cụ thể, Chính phủ cần quy định rõ tài sản bảo đảm của TPDN phải được định giá và đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm, chào bán cho nhà đầu tư cá nhân phải có đại diện chủ sở hữu trái phiếu; tổ chức cung cấp dịch vụ về TPDN chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc rà soát điều kiện phát hành; doanh nghiệp phát hành TPDN phải mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư nếu có vi phạm pháp luật và vi phạm quy định về phát hành trái phiếu”, Luật sư Hiệp đề xuất.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần tăng trách nhiệm của tổ chức phát hành tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714065437 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714065437 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10