Bên cạnh điểm yếu về kiểm tra, giám sát, các chuyên gia cho rằng, để lành mạnh và phát huy tối đa giá trị của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cần tăng cường tính minh bạch…
>> “Bắt mạch” thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Điểm yếu ở kiểm tra và giám sát
Theo Chiến lược tài chính đến năm 2030, dư nợ trái phiếu cần đạt quy mô 47% GDP vào năm 2025 (trong đó, TPDN đạt 20% GDP) và 58% GDP năm 2030 (trong đó, TPDN đạt 25% GDP). Không những vậy, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng nên rất cần vốn trung- dài hạn (ngoài vốn tín dụng ngân hàng, từ nay đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần huy động 700.000 – 1 triệu tỷ đồng vốn trung - dài hạn).
Trong khi, hệ thống ngân hàng thương mại đang quá sức trong cho vay vốn dài hạn. Do đó, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng, vấn đề đặt ra là điều tiết thị trường TPDN như thế nào để phát triển lành mạnh hơn.
Theo các chuyên gia, thị trường TPDN hiện nay có xu hướng nhà đầu tư cá nhân trực tiếp đầu tư, trong khi họ thiếu kiến thức và thông tin về tất cả các sản phẩm tài chính; thiếu thông tin và bị hạn chế trong phân tích doanh nghiệp. Chính vì vậy, rất cần các cơ quan quản lý đưa ra giải pháp đồng bộ từ công cụ pháp lý đến phát triển các công cụ thị trường như xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán, thẩm định giá… để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững. Trong đó, cần chú trọng tạo ra văn hóa, thói quen, thông lệ xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu và tăng cường tính minh bạch thông tin.
Thông tin với báo chí, Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch SB Law cho rằng, xếp hạng tín nhiệm là cầu nối để giúp doanh nghiệp có thêm thông tin, góc nhìn sâu sát hơn về chi phí vốn huy động, nhà đầu tư hiểu rõ hơn về lãi suất và rủi ro đi kèm từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý, giúp thị trường vốn vận hành trơn tru và hiệu quả. Còn đối với nhà đầu tư, dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp, các phân tích đánh giá rủi ro của đơn vị xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp nhà đầu tư có cơ sở để so sánh tương đối lãi suất và mức độ rủi ro liên quan đến các công cụ nợ do các doanh nghiệp trong cùng ngành hoặc các ngành nghề khác nhau phát hành.
>> PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU: Tạo lập văn hóa xếp hạng tín nhiệm
Để phát triển thị trường TPDN, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI đề xuất, cần hài hòa khi sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (Nghị định 153), làm sao siết chặt quản lý nhưng không được kìm hãm thị trường TPDN.
“Cho tới thời điểm này, chính xác là từ năm 2020, cơ sở pháp lý cho trái phiếu doanh nghiệp đã khá đầy đủ, thậm chí là khá chặt chẽ với nhiều giới hạn”, Luật sư Trương Đức chia sẻ.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, thay vì siết chặt các quy định, Việt Nam cần tập trung vào 2 vấn đề chính:
Thứ nhất, thúc ép xếp hạng tín nhiệm. Trước mắt, Việt Nam quy định theo cách đánh đổi nếu như doanh nghiệp có kết quả xếp hạng tín nhiệm sẽ không cần thêm điều kiện, hoặc có thêm 1 - 2 điều kiện. Bởi xếp hạng tín nhiệm đã bao trùm nhiều điều kiện về kiểm toán. Nếu không chấp nhận xếp hạng tín nhiệm, doanh nghiệp phải đánh đổi bằng việc đáp ứng hàng chục điều kiện, chứ không thể cào bằng, đúng vị trí, vị thế, chỗ đứng của nó.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp lý không có nghĩa là thắt chặt hơn, mà cần đảm bảo thông tin đến được thị trường một cách công khai, minh bạch, chính xác.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng phải công khai thông tin này cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp cũng có thể phát hành trái phiếu khi doanh nghiệp thua lỗ, nhưng phải thông báo cho nhà đầu tư đang lỗ bao nhiêu?; hay có thể phát hành trái phiếu để đảo nợ, miễn là công khai minh bạch.
Về cách thức công khai thông tin, theo Luật sư Trương Thanh Đức, đầu tiên phải đi từ website của Công ty công khai thông tin, cùng với đó là công bố trên một số phương tiện thông tin đại chúng để chịu sự giám sát của nhà đầu tư, đại chúng.
“Việt Nam phải củng cố những cái đang có, không tăng thêm điều kiện, không có gì giám sát tốt bằng thị trường, Nhà nước chỉ là một phần trong giám sát”, Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.
Còn theo ông Phạm Xuân Hoè – nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược thuộc Ngân hàng Nhà nước, cần quy định trách nhiệm cụ thể với các chủ thể tham gia vào quá trình phát hành TPDN, gồm doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, các Công ty trung gian dịch vụ để nguồn thông tin trên thị trường được minh bạch, có sự ràng buộc, cam kết.
Có thể bạn quan tâm
“Bắt mạch” thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Điểm yếu ở kiểm tra và giám sát
04:00, 21/05/2022
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Cần sớm hoàn thiện "hạ tầng" pháp lý
11:20, 21/05/2022
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Cần hiểu đúng về dòng vốn từ trái phiếu
08:50, 21/05/2022
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Những bất cập và giả pháp pháp lý
08:46, 21/05/2022
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Một số giải pháp từ chính sách.
08:44, 21/05/2022
PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: Nhìn từ thị trường Mỹ đến Việt Nam
08:37, 21/05/2022