Lạm phát, giá xăng và vé máy bay dịp cuối năm
Những ngày cuối năm hối hả ngược xuôi, mua sắm, hối hả người người đổ ra các ngã đường của Thành phố, bến tàu, xe, sân bay để về nhà… rồi cũng đã vãn.
>>Tăng trần giá vé máy bay không ảnh hưởng lạm phát
Phố phường ngày cuối năm đã vắng. Đây đó, vẫn còn không ít người khó khăn không về được quê trong một năm thất bát đành gác nỗi nhớ nhà, ở lại phố chờ ra năm, vé máy bay, tàu xe giảm, đi lại dễ dàng hơn, ít người hơn, có cơ hội, thời gian thì sẽ về với Thầy, U.
Năm nay, mặc dù có thể cảm nhận được sức nóng mua sắm tăng lên mỗi ngày trong những ngày cuối năm tại các siêu thị, chợ truyền thống…, nhưng so với trước đại dịch, người Thành phố dường như đã “tiết kiệm” hơn. Nhiều đại siêu thị khá vắng khách dù hàng hóa trên các kệ, quầy vô cùng phong phú, đa dạng, đi cùng là nhiều chương trình ưu đãi khuyến mãi, hạ giá, mua một tặng kèm.v.v
Một vài khách “lượn” siêu thị tung tăng từ quầy này sang dãy khác, khác hẳn mọi năm “bon chen” xếp hàng tính tiền, cởi mở chia sẻ năm nay dường như không nhiều các công ty thưởng lớn, doanh nghiệp có phần khó khăn. Và quan trọng hơn hết là tuy lạm phát của Việt Nam không cao so với thế giới, nhưng sức mua hàng hóa vẫn kém đi, giá cả cũng vẫn đắt lên, bất chấp các doanh nghiệp bán lẻ trước đó đã kỳ vọng cao sức mua sẽ hồi phục, người người sẽ sẵn sàng một năm mua sắm “thật sung” bù cho 2 năm COVID-19 chôn chân.
Một báo cáo của CTCK Bảo Việt (BVSC) phát hành cuối năm 2022 cho rằng Công ty CP Tập đoàn Masan, nhà bán lẻ sở hữu hệ sinh thái và mạng lưới phân phối tiêu dùng lớn nhất Việt Nam đã (Masan, HOSE: MSN) gặp phải một số khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh sức mua giảm do thất nghiệp, lạm phát, tín dụng thắt chặt và giá cả các loại tài sản tích lũy giảm mạnh.
Tập đoàn Masan cũng cho rằng đã hơi lạc quan trong việc đánh giá sức mua và xây dựng kế hoạch hồi đầu 2022. Tập đoàn đã chủ động giảm tải cho hệ thống phân phối trong quý II và quý III, qua đó chuẩn bị cho mùa bán hàng cao điểm cho Tết 2023 vào cuối năm.
>>Lạm phát kỳ vọng và lãi suất điều hành có thể tăng trong quý đầu năm
Doanh số bán lẻ của mùa cao điểm Tết của Masan và các doanh nghiệp bán lẻ nói chung chắc chắn sẽ được phản ánh rõ ràng hơn trong báo cáo quý IV và có thể một phần vào quý I/2023 khi cao điểm mua sắm lễ Tết rơi vào tháng 1 của đầu năm. Hy vọng tới đây sẽ là những con số tích cực cho thấy sức mua thực sự được cải thiện, dù chỉ tập trung vào nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm, trái cây, hoa tươi, bánh, mứt, nước giải khát... , như chia sẻ sơ bộ của một số nhà bán lẻ tại địa bàn đông dân nhất nước trong những ngày cận Tết Quý Mão.
Song nếu nhìn lại, thực tế với những nỗi lo dồn lại từ do thất nghiệp, lạm phát, tín dụng thắt chặt và giá cả các loại tài sản tích lũy giảm mạnh khiến người dân thắt chặt chi tiêu thì vẫn còn nguyên đó. Một chuyên gia Tài chính chia sẻ là: Có một nghịch lý ở Việt Nam đang tồn tại là kể cả khi lạm phát thấp, giá xăng dầu đã được điều hành về mức khá thấp, song giá cả hàng hóa thì không có mức giảm tương ứng.
Điều này thể hiện rất rõ qua “Pho-Index” (chỉ số giá phở) theo cách ước tính “dân dã mà thực chất” về lạm phát. Chẳng hạn giá của một tô phở P. trứ danh ở bờ kênh Thị Nghè quận I, từ chỗ 50.000 đ/ tô cách đây 3 năm, đã tăng lên 68.000đ/ tô từ 2022, tương đương đã tăng thêm 36%. “Năm nay, người ăn phở cũng ít. Doanh số cả năm chắc giảm khoảng 40%. Chị cứ nhìn đường thưa thớt người đi, người mua, người ăn phở càng ít dần đi, thì sẽ thấy sức mua giảm ra sao. Dù sao thì cũng sắp khép lại một năm mỏi mệt”... Ông chủ quán chân tình chia sẻ.
Nghịch lý mà chuyên gia nêu, cũng thể hiện vào giá máy bay dịp tết, đã tăng chóng mặt so với ngày thường, được các hãng bay lý giải là do nhu cầu tăng cao, nhất là du lịch, cùng với đó là giá xăng dầu tăng. Nhưng giá xăng dầu ở Việt Nam thực tế đã giảm. Kỳ điều hành giá gần nhất vẫn đang giữ giá xăng dầu bán lẻ chỉ nhỉnh khoảng trên dưới 100 đồng / lít cho các loại xăng dầu phổ thông áp dụng ở cả vùng 1 lẫn vùng 2 tại cuối 2019 - trước khi dịch xảy ra. Thế nhưng giá vé máy bay phổ thông khứ hồi hãng hàng không quốc gia trước dịch từ TP HCM - Đồng Hới dịp Tết, chỉ khoảng hơn 7 triệu đồng/ 2 chiều/ người Hiện, cũng chiều như vậy, giá vé “sương sương” tầm 11 triệu đồng.
“Săn được một cái vé giá rẻ thật sự “mờ mắt” vì không có vé bay, dù các hãng bay đã tăng thêm nhiều chuyến phục vụ nhu cầu đi lại mùa Tết, chưa nói đến chuyện săn vé giá rẻ. Với mức giá tăng chóng mặt này, có vẻ như các hãng hàng không đang “nỗ lực” lấy lại những gì đã mất, bù đắp cho khủng hoảng doanh thu trong 2 năm “ác mộng” vì COVID-19”, chị Hường, một nhân viên công ty địa ốc ở TP HCM chia sẻ và buồn bã cho biết năm nay chị không thể về thăm quê do giá vé quá đắt.
Chị cũng nói thêm là với các chặng bay lớn, nhiều chuyến như TP HCM - Hà Nội, giá vé có mức tăng thấp hơn. Các chặng ở các vùng quê, ít chuyến bay như Huế, Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa, Chu Lai… thì càng quê, càng… đắt!
Ngày cuối năm cứ vậy dần khép trong ngổn ngang những suy tư năm cũ, chen lẫn là những bừng bừng chờ mong vào năm mới. Hy vọng sao cho lạm phát ở một năm tới tiếp tục được giữ vững ổn định, nhưng giá cả hàng hóa thì không “vượt mặt” lạm phát, cũng sẽ không tái diễn cảnh “nhiều năm có một” phải mua xăng dầu xếp hàng và chỉ được mua xăng trong “hạn mức” tại một số địa bàn đầu tàu kinh tế. Càng không tái diễn điệp khúc giá vé máy bay “bay cao” vào các dịp Lễ Tết cuối năm do “nhu cầu tăng vọt”.
Hẳn nhiên, nhu cầu đi lại bằng máy bay (cao cấp hơn tàu, xe) tăng cao thì đó có thể cũng là một biểu hiện của thu nhập tăng nên mới khiến cho người tiêu dùng có cầu cao hơn. Trong bối cảnh hiện tại, lại càng hy vọng điều đó có thể đang là một trong những điều đang được phản ánh đúng thực tế cũng như quy luật (!).
Có thể bạn quan tâm